Kịch Hà Nội (Bài 1): Bức tranh đẹp từ quá khứ

Thứ Hai, 13/07/2009 08:56 GMT+7

Google News
Kịch Hà Nội còn, mất?


Nhà hát lớn, Hà Nội

Mặt tiền Nhà hát Kịch Việt Nam

Sàn tập tạm (bỏ hoang) của Đoàn kịch Hà Nội
Cái tin ông Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bị cách chức vì “nợ” bằng đại học đã năm năm và “nợ” tuổi hưu những ba năm, đối với công chúng và những người làm nghề, không “kinh khủng” bằng dự báo hai nhà hát (Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ) sáp nhập - đồng nghĩa với sự “phá sản” của “anh Cả đỏ” trong làng kịch nghệ Việt Nam. Và xa xôi hơn, có người còn nghĩ đến dấu hiệu lụi tàn của cả một phong cách kịch đã từng được gọi tên “kịch Hà Nội” trong đời sống đương đại nhiều xô bồ hiện nay.

Nên nhớ, Hà Nội là cái nôi sinh thành nền sân khấu kịch Việt Nam.

Năm 1911, hai Nhà hát Lớn được xây dựng tại Hà Nội và Sài Gòn.

Năm 1920, vở kịch Người bệnh tưởng của Molière do người Việt diễn lần đầu tiên được ra mắt tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội. Vở kịch nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả người Pháp cũng như người Việt.

Ngày 20/10/1921, vở kịch Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã chính thức khai sinh nền sân khấu kịch Việt Nam. Sau gần 90 năm phát triển, có những giai đoạn cực thịnh, khán giả vào rạp nườm nượp như những năm 1980, và có giai đoạn khán giả quay lưng với sân khấu như hiện tại của 20 năm sau... Vấn đề của sân khấu kịch Hà Nội hiện nay nằm ở đâu? Từ thái độ thờ ơ của khán giả? Hay do các nguyên nhân khởi phát từ sân khấu đang “thiếu đủ thứ”: từ tác giả kịch bản có tài năng, nhiệt huyết; có quá ít đạo diễn giỏi, dẫn tới việc “bao sân”; thiếu nhà quản lý nghệ thuật có năng lực; thiếu diễn viên có tâm với nghề, thiếu sàn diễn; thiếu thầy giỏi để đào tạo đội ngũ kế cận, hay thiếu kinh phí - cái thiếu chung mà ai cũng kêu ca?

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUỲNH TRANG. Ảnh : Nguyễn Đình Toán
Với sự giúp đỡ của TS. NSND Phạm Thị Thành
(TT&VH Cuối tuần) - Những năm đầu thế kỷ XX, từ bậc trung học, học sinh đã được học về các vấn đề thể loại, xử lý đề tài, cấu trúc kịch bản, xây dựng nhân vật. Đây là nền móng giúp học sinh có những hiểu biết nhất định về biên kịch.

Thời của kịch tác gia

Trong các trường Pháp-Việt, nhiều thanh niên “Tây học” đã lĩnh hội các vở kịch cổ điển Pháp thông qua giờ văn học Pháp. Sau đó, qua Pháp, họ được tiếp xúc với tinh hoa kịch thế giới. Năm 1913, tờ Đông Dương tạp chí cho đăng các vở kịch của Molière và Corneille do Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh dịch.

Với sự đào tạo bài bản ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tiếp thu thêm kiến thức từ sách báo, cộng với niềm đam mê nghệ thuật, tài năng cá nhân, một số thanh niên trí thức Việt Nam đã bắt tay vào việc sáng tác các vở kịch dành cho người Việt Nam.

“Tuy vậy do được truyền thụ ngay từ buổi “vỡ lòng” một cách khá chu đáo, ảnh hưởng cổ điển Pháp vẫn sâu đậm nhất. Chẳng hạn, trường hợp tác giả Nguyễn Huy Tưởng, mà tác phẩm in hằn dấu vết ảnh hưởng này, từ Vũ Như Tô, qua Bắc Sơn, cho đến Những người ở lại. Hoặc như Vi Huyền Đắc, một trong những tác giả nổi tiếng nhất đương thời. Vi Huyền Đắc đã coi J.-J. Bernard, chủ soái của trào lưu “sân khấu của những điều riêng tư” ở Pháp những năm 30 như người thầy nghệ thuật...” (PGS. NSND Nguyễn Đình Nghi)

Trong khoảng hơn 10 năm, nền sân khấu kịch của chúng ta xuất hiện một loạt tác giả kịch tài năng (đa phần là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời). Như Khái Hưng với vở kịch vui Quần tiên hội tụ. Trong vở kịch, nhà văn Khái Hưng đã đưa các bạn thơ của mình như Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Thái Can, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp... ra “sân khấu” để đùa vui bằng thơ dựa trên bút pháp của từng thi sĩ; Vi Huyền Đắc với Uyên ương, Kim tiền; Đoàn Phú Tứ với Ngã ba, Tương Huyền với Nặng nghĩa tớ thầy, Nam Xương với Ông tây An Nam; Vũ Trọng Phụng với Không một tiếng vang; Nguyễn Huy Tưởng với Cột đồng Mã Viện, Vũ Như Tô...

Các tác phẩm trên đều lấy hơi thở xã hội Việt Nam thời ấy làm đối tượng miêu tả. Các nhân vật trong kịch như những con người vẫn gặp ngoài đời, bối cảnh trong kịch cũng giống với bối cảnh ngoài đời. Kịch mang tính chất tả thực. Tuy nhiên, nếu kịch bản đạt nhiều thành tựu bao nhiêu, thì biểu diễn kịch lại phát triển chậm chạp bấy nhiêu. Người làm kịch Việt Nam không được học biểu diễn, không có ai dạy cho cách thức, kỹ năng biểu diễn, ngoài việc học lỏm từ một vài vở kịch Pháp thi thoảng lắm mới sang diễn ở Đông Dương.

Năm 1927, các đoàn kịch bắt đầu ra đời, trong đó, duy trì hoạt động vững hơn cả là Kịch hội Uẩn Hoa.

Đầu năm 1930, Thế Lữ đã đứng ra thành lập Đoàn kịch Thế Lữ (về sau phát triển thành Đoàn kịch Anh Vũ). Đoàn kịch này đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi có nhiều hiểu biết về sân khấu. “Đó là đoàn kịch mang tính chất chuyên nghiệp, có trình độ diễn xuất chững chạc, nghiêm ngặt, điêu luyện” - (TS. NSND Phạm Thị Thành)

Tiếp theo đó, Đoàn kịch Tinh hoa ra đời do Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đỗ Cung thành lập. Đoàn kịch Tinh hoa trực tiếp tuyển các nghệ sĩ, trí thức, sinh viên có trình độ học vấn vào đoàn.

Năm 1937, lần đầu tiên, một tác phẩm kịch bản được trao giải thưởng của Tự Lực Văn đoàn, đó là Kim tiền của Vi Huyền Đắc.

Đến năm 1945, về cơ bản, đã có các gương mặt đạo diễn, diễn viên tiểu biểu như: Thế Lữ, Chu Ngọc, Song Kim, Hạc Đính, Lệ Thanh...

Thời kỳ 1945 đến 1975, kịch nói mang tính chiến đấu mạnh mẽ, khích lệ lòng dân, quân chống giặc Pháp, Mỹ. Trong các vở kịch, xuất hiện những con người lao động mới, những anh hùng thời đại. Đội ngũ đạo diễn, diễn viên ngày càng phát triển, xuất hiện thêm nhiều gương mặt trẻ có tài.

Năm 1948, đoàn Sân khấu Việt Nam được thành lập tại Thái Nguyên. Năm 1950, Các nghệ sĩ đoàn Sân khấu Việt Nam xung phong vào quân đội, thành lập đoàn kịch chiến sĩ, lấy tên là Đoàn kịch Chiến Thắng. Năm 1952, Đoàn văn công Trung ương gồm các bộ môn ca, múa, nhạc, kịch và chèo được thành lập. Năm 1954, Đại hội văn công lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Sau đó, khu Văn công Cầu Giấy gồm hơn 10 đoàn Nghệ thuật Trung ương được hình thành. Một số vở kịch của Liên Xô được dàn dựng đã góp phần đẩy mạnh nghệ thuật kịch nói.

Năm 1964, các diễn viên trẻ tốt nghiệp khóa kịch nói đầu tiên: Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Doãn Hoàng Giang... đã đóng góp nhiều công sức của mình cho sự phát triển sân khấu kịch. Những năm 80 - đỉnh cao của sân khấu kịch Hà Nội Nhờ các cơ sở vật chất, kỹ thuật được Nhà nước xây dựng và tăng cường, nhờ hệ thống giáo dục đào tạo kịch nói từ hệ Trung cấp đến Đại học ngày một trưởng thành, nhờ một số tạp chí lý luận của ngành ra đời, kịch nói Hà Nội đã tạo ra những bước tiến nhảy vọt. Có thể nói trong những năm 1980, kịch nói đã kéo khán giả cả nước đến với sân khấu do dám mạnh dạn cất tiếng nói phê phán những mặt trái còn tồn đọng như thói quan liêu, bao cấp trong công cuộc xây dựng đất nước, đưa ra những vấn đề thiết thực về đời sống, dân sinh, con người.


Vở Tôi và chúng ta của cố tác giả Lưu Quang Vũ, vở diễn gây “sốt” một thời của sân khấu Hà Nội

Hội diễn năm 1980, rất nhiều vở kịch với xu hướng trẻ trung, nhiều tìm tòi sáng tạo được công diễn như Nguồn sáng trong đời, Hồn Trương Ba da hàng thịt (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi); Nhân danh công lý (tác giả Võ Khắc Nghiêm, đạo diễn Doãn Hoàng Giang); Tôi và chúng ta (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Hoàng Quân Tạo); Mùa Hè ở biển (tác giả Xuân Trình, đạo diễn Phạm Thị Thành...).

Năm 1985, trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc tại TP.HCM, các vở: Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Mùa Hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước... được coi là những “cỗ xe tăng tiến vào chinh phục Sài Gòn về văn hóa”. Trong những năm 1980, người đóng góp nổi trội nhất cho nền sân khấu nước nhà với hơn 50 vở kịch, hầu hết được dàn dựng, là nhà thơ-nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Bà Phạm Thị Thành kể lại: “Năm 1986-1987, khi tôi và Lưu Quang Vũ đến Hải Phòng giúp dựng vở, “con phe” ra tận cửa đoàn để đón, tôi còn đùa: “Long trọng hơn cả Sở Văn hóa”.

Theo trí nhớ của bà Thành, vào thời gian đó, vở kịch nào của tác giả Lưu Quang Vũ cũng bán hết vé, có nhiều vở vé “cháy” trước cả tuần. Ngoài cửa rạp, phe vé đứng bu đầy. Mỗi lần có vở diễn, không chỉ phe vé “no”, mà diễn viên trong đoàn cũng “no”. Khi diễn Trái tim trong trắng của Lưu Quang Vũ tại Nam Định, diễn viên khi đi mặc quần vải đen, khi về mua được chiếc xe đạp Nhật. Khi đi lưu diễn ở các thành phố lớn, mỗi diễn viên thường mua được hai vé hoặc nhiều hơn, họ bán cho con phe lấy tiền chênh lệch, số tiền ấy đủ để mua sắm đồ dùng. Còn nếu diễn ở Hà Nội, khó khăn lắm, mất mấy ngày diễn viên mới mua được vé.

Do các vở kịch giải đáp được các thắc mắc, các bức xúc của khán giả, khán giả mỗi khi đến rạp lại tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của mình, nên khán giả kéo tới rạp rất đông. Không chỉ khán giả trong nước mà khán giả nước ngoài cũng hết sức yêu quý sân khấu kịch. “Tôi còn nhớ sau khi Lưu Quang Vũ mất, cuối tháng Tám năm 1988, tôi làm vở Điều không thể mất của anh, diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Một khán giả, là Đảng viên của Đảng Cộng sản Nhật đến xem chúng tôi diễn liên tục mười mấy suất. Lúc nào, ông ta cũng ngồi ghế hạng A, tay cầm sẵn một bó hoa. Cũng vở diễn này, khi đến với Hải Dương, một ngày chúng tôi diễn từ hai đến ba suất, mà suất nào cũng bán hết vé!”, bà Thành kể lại.

Tuy vậy, thời hoàng kim của kịch nói Hà Nội nhanh chóng qua đi. Ngay từ những năm đầu 1990, cùng với sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bức tranh về sân khấu kịch nói Hà Nội tương đối ảm đạm. Đến nay, nhiều đoàn kịch gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn phải gắng bươn chải để trụ với nghề. Các nghệ sĩ buộc phải kiếm sống bằng nghề phụ. Các đoàn địa phương quá yếu phải sáp nhập với chèo, cải lương, ca nhạc hoặc giải thể. Trong khi đó, năm 1997, tại TP.HCM, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần ra đời (tiền thân là câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm được thành lập từ năm 1984). Đây là nhà hát kịch xã hội hóa, tự thu chi, không sống bằng ngân sách Nhà nước đầu tiên không chỉ của TP.HCM mà là của cả nước. Và mô hình sân khấu mới này với hơn 22 năm tồn tại, nhờ sự hoạt động hiệu quả, đã cổ vũ, thúc đẩy cho sự phát triển của sân khấu của TP.HCM. Hà Nội cho tới nay vẫn chưa có một mô hình kịch xã hội hóa tương tự. Trong khi kịch TP.HCM có xu hướng “bùng nổ” (sau 5B đã có thêm Kịch IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn, và nay mỗi sân khấu còn phát triển thêm nhiều chi nhánh), thì kịch Hà Nội lại có dấu hiệu của sự “teo tóp”.

Đón đọc Bài 2: Cơn bĩ cực

Việt Quỳnh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›