“Với nhiều giáo viên ở các tỉnh thành, được gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông là một điều gì đó không dễ” - PGS-TS Ngô Văn Giá, nguyên trưởng khoa Viết văn - Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội, cho biết - “Chính vì thế, việc gặp gỡ này đem lại cảm giác thiêng liêng, quý giá, như một mơ ước đã thành hiện thực và mở ra những cách cảm nhận khácvề tác giả, tác phẩm trong nhà trường”.
Ông có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ở bối cảnh lớp tập huấn “Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình phổ thông” lần thứ 3 được tổ thức trong tuần đầu tiên của tháng 8.
* Xin ông cho biết cơ duyên để có lớp tập huấn này?
- Ngay từ thời trường Viết văn Nguyễn Du (tiền thân của khoa Viết văn-Báo chí), các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư đã từng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên chuyên văn toàn quốc. Sau này, khi về phụ trách khoa Viết văn-Báo chí, tôi tiếp tục “truyền thống” mở các lớp tập huấn như thế hệ các thầy đi trước đã từng làm. Đến nay, khoa đã tổ chức được 3 lớp tập huấn lần lượt vào các năm 2012, 2018 và 2022.
Tôi luôn cho rằng đây là việc làm có ý nghĩa, khi khoa Viết văn-Báo chí là nơi duy nhất của các nước có điều kiện tốt nhất để tiếp xúc với số đông các nhà văn. Bởi, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, chúng tôi vẫn mời các nhà văn đến khoa tham gia công tác giảng dạy, trao đổi, giúp đỡ sinh viên, học viên về công việc viết lách.
* Qua các năm, nội dung chủ đạo của lớp được xây dựng hướng đến đối tượng nào?
- Nội dung chính của lớp tập trung vào một “cái tứ”: Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong nhà trường, chủ yếu từ cấp 2 đến cấp 3. Cho nên, lớp tập trung dành cho các giáo viên cấp 2 và cấp 3. Tuy nhiên, bất cứ ai quan tâm đều có thể tham dự hoặc dự thính. Họ có thể là giáo viên cấp 1, người làm công tác quản lý, sinh viên và giảng viên của các trường đại học hay các nhà nghiên cứu.
Cần nói thêm, lớp tập huấn được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, chúng tôi ghi nhận tất cả những thầy cô tham gia từ mọi vùng, miền trên Tổ quốc. Sự tham gia của các thầy cô giáo hoàn toàn là hoạt động cá nhân bằng những nỗ lực riêng. Họ đã khắc phục khoảng cách địa lý, những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày để tham dự bởi tình yêu với văn chương, với nghề nghiệp của mình.
* Còn mục đích của các lớp tập huấn này thì sao, thưa ông?
- Các nhà văn khi họ nói về tác phẩm của mình chỉ nên xem là một trong những nguồn dữ liệu để khám phá, cảm thụ, phân tích tác phẩm, chứ không phải tất cả. Bởi điều quan trọng nhất đối với người đọc, người học, người phân tích phải là văn bản, là tác phẩm.
Thế nhưng, việc tiếp xúc với các nhà văn khi họ nói về tác phẩm của mình cũng là những gợi ý rất tốt, đưa lại cho người tiếp nhận những cảm hứng, những liên tưởng và cả những phát hiện. Đặc biệt, đây là cơ hội để đối thoại với nhà văn về những cách hiểu đối với tác phẩm, ở cả khía cạnh gặp gỡ và không gặp gỡ giữa người tiếp nhận và chính nhà văn. Những sự tiếp xúc và đối thoại này đã mang tới những dữ liệu quan trọng giúp các thầy cô giáo khám phá và giải mã tác phẩm một cách đa chiều.
Bấy lâu nay, các thầy cô giáo trong nhà trường vẫn cứ chỉ làm việc âm thầm trên văn bản từ năm này sang năm khác, đôi khi khiến cảm xúc bị vơi cạn, thậm chí cùn mòn dần. Do vậy, việc được gặp gỡ các nhà văn, nghe họ nói về tác phẩm, nói về cuộc đời, sự nghiệp như tạo ra một chất men, một sự kích hoạt để giáo viên nhìn tác phẩm như một sinh thể mới lạ hơn và có cảm hứng hơn.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, các lớp tập huấn được chúng tôi tổ chức như một cách để tương tác với hệ thống sách giáo khoa mới, từ đó, giúp cho các thầy cô giáo có được sự bén nhạy trong việc lựa chọn cũng như tiếp cận các tác giả, tác phẩm, vấn đề một cách tốt nhất có thể.
Nỗ lực vì tình yêu môn văn trong nhà trường
* Lâu nay việc dạy văn - học văn trong nhà trường luôn đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc cảm thụ tác phẩm văn học của học sinh. Ở góc độ của mình, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của việc kết nối giữa tác giả, tác phẩm với người dạy và học văn trong nhà trường?
- Lâu nay ở các trường học phổ thông thường áp dụng phương pháp giảng dạy là đọc - hiểu tác phẩm. Điều này rất tốt, tuy nhiên cũng xuất hiện nguy cơ hướng tới hiểu tác phẩm theo các ý, theo dàn ý. Mà văn chương không chỉ là các ý, mà còn là những rung cảm, những cảm thụ thẩm mỹ một cách sống động, thậm chí là những sự xúc động đến run rẩy…Những điều này có cơ hồ dần dần vơi cạn, phần lớn là do cách học văn chạy theo dàn ý để đáp ứng thi cử, phục vụ cho việc chấm các ý đối với mỗi bài thi.
Thêm nữa, phải nhắc tới phần làm văn. Phần làm văn ở đây được hiểu là khả năng diễn đạt những cảm xúc, ý tưởng của học sinh bằng văn bản, bằng năng lực tiếng Việt. Đây có thể nói là phần đang bị xem nhẹ trong cách dạy văn - học văn ở nhà trường. Do chạy theo ý trong làm văn nên cách dạy văn trong nhà trường về cơ bản đánh mất đi những rung cảm thẩm mỹ, những cảm xúc tươi mới, hay nói cách khác, chất văn bị phai nhạt.
Vấn đề đặt ra là cần phải xem tác phẩm văn chương như một sinh thể thẩm mỹ sống động, có hồn vía, có tư tưởng, như một sự sống, mỗi chữ mỗi nghĩa cũng đều là những tín hiệu thẩm mỹ. Khi hiểu tác phẩm được như vậy, cả người dạy và người học văn không chỉ quan tâm tới ý, mà trước đó đã quan tâm tới vẻ đẹp của văn chương, của tiếng Việt, của tâm hồn, của ý tưởng cảm xúc, và cao hơn là của văn hóa Việt v.v…
Tôi tin rằng, nếu được tổ chức liên tục và mở rộng, những lớp tập huấn như chúng tôi đang làm sẽ giúp các thầy cô giáo trở lại với văn chương, với tác phẩm văn chương một cách hào hứng hơn và tinh tế hơn. Để rồi, học trò có lẽ cũng sẽ yêu môn văn hơn. Đây là một cách “giành lấy” sự quan tâm, tình yêu của lớp trẻ đối với bộ môn văn trong nhà trường hiện nay…
* Rõ ràng việc tạo ra sự gặp gỡ giữa nhà văn với thầy cô giáo có thể coi như “cầu nối” để người dạy văn truyền tải “đúng - trúng - hay” thông điệp mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm. Ông nghĩ sao về điều này?
- Mục đích của người phân tích tác phẩm hay người giảng dạy, một mặt là nói được đúng những ý tưởng mà nhà văn muốn thể hiện; nhưng quan trọng hơn nữa, là nói được thêm những điều mà nhà văn có khi không hình dung được hết. Bởi vì khi sáng tạo, nhà văn không chỉ sáng tạo bằng ý thức mà còn cả bằng vô thức. Ở đây, sáng tạo bằng vô thứctức là nhà văn không kiểm soát được chính mình. Và như vậy, có nhiều khi tác phẩm vượt khỏi dự kiến ban đầu, vượt khỏi dự đồ của người viết. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng lớn hơn chính tác giả của nó.
Một người dạy văn giỏi là người không chỉ nói được đúng ý tưởng của các nhà văn mà còn nói được nhiều hơn ý tưởng mà nhà văn muốn đưa vào trong tác phẩm; theo đó, văn bản vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
* Hơn một thập kỷ trước, báo Thể thao&Văn hóa đã từng xây dựng chuyên đề “Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa” và mới đây chuyên đề này cũng được báo khởi lại và làm đầy thêm với nhiều nhiều tác giả, tác phẩm nổi bật. Ông cảm nghĩ gì về sự gặp gỡ đầy tình cờ này với định hướng của lớp tập huấn?
- Chuyên đề của Thể thao & Văn hóa là một ý tưởng hay, cũng có sự gặp gỡ với ý tưởng của chúng tôi. Nhìn trên một bình diện chung, cả 2 ý tưởng này có sự tương hỗ. Chúng tôi tạo điều kiện cho các giáo viên gặp gỡ trực tiếp các nhà văn. Trong khi đó, các nhà báo thông qua những phỏng vấn, phóng sự, chân dung cũng là một kênh để giúp các thầy cô giáo và học sinh được đọc những thông tin khác về các tác giả, tác phẩm. Đây có thể coi là một cách tiếp xúc gián tiếp. Xét cho cùng, tất cả đều quan trọng và cùng nằm trong một nỗ lực cố gắng của tất cả các lĩnh vực, từ báo chí cho đến những hoạt động cụ thể như chúng tôi đang làm. Điều đó cho thấy được sự chung tay để thổi được niềm cảm hứng, vun đắp cho sự nghiệp giáo dục và nhất là bộ môn văn trong trường phổ thông.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Do chạy theo ý trong làm văn nên cách dạy văn trong nhà trường về cơ bản đánh mất đi những rung cảm thẩm mỹ, những cảm xúc tươi mới, hay nói cách khác, chất văn bị phai nhạt” (PGS-TS Văn Giá). |
Công Bắc (thực hiện)
Tags