(TT&VH) - Hôm qua, vở kịch múa breakdance Nhiều Mặt (Faces) do Viện Goethe tổ chức đã có buổi tổng duyệt tại Nhà văn hóa quận Tây Hồ, 691 Lạc Long Quân, Hà Nội trước khi lên đường tham gia Liên hoan múa Quốc tế tại Jakarta ( Indonesia) vào 2/6 tới.
Từ năm 2010, 2011, khi lưu diễn vòng quanh châu Âu, Nhiều mặt - tác phẩm kịch múa hip-hop do cặp đôi Raphael Hillebrand (Đức) và Sebastian Ramirez (Pháp) biên đạo múa, được trình diễn bởi nhóm nghệ sĩ múa hip-hop của Hà Nội đã từng được đón nhận nồng nhiệt trên sân khấu của Pháp, Đức, Đan Mạch. Trước thành công này, Nhiều mặt một lần nữa sẽ đến với công chúng của châu Á trong khuôn khổ hoạt động liên hoan múa của Viện Goethe tại Indonesia diễn ra từ 2 đến 8/6 tại hai thành phố Jakarta và Surabaya.
Phản ánh thực tế cuộc sống khá cụ thể nên ngay từ tựa đề của tác phẩm: Nhiều mặt thể hiện những bộ mặt khác nhau của con người trong cuộc sống, những bộ mặt dùng để “đối phó” trong từng hoàn cảnh mà ở đó, những bộ mặt có lúc thật, có lúc lại là bộ mặt giả dối.
Những bộ mặt khác nhau được ẩn chứa trong một chiếc mặt nạ. Nội dung sâu sắc về cuộc sống của Nhiều mặt được thể hiện qua nhiều chất liệu nghệ thuật khác nhau, từ kịch thoại của các nhân vật theo một cốt truyện, những màn múa, những bước nhảy của hip-hop. Bên cạnh đó, nét độc đáo thu hút khán giả của vở kịch múa này còn nằm ở phần âm nhạc. Sự kết hợp giữa những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn t’rưng, đàn bầu, đàn tranh trong một tổng thể trên sân khấu âm nhạc hiện đại, với các xử lý kỹ thuật độc đáo của các nghệ sĩ âm thanh đã tạo nên một thứ âm nhạc đặc sắc.
Trong khuôn khổ liên hoan múa Quốc tế tại Indonesia năm nay sẽ có các nhóm hip-hop đến từ các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản tham dự. Nhiều mặt sẽ trình diễn tại Jakata ( 5/6) và Surabaya (7/6).
Với Nhiều mặt, mỗi khán giả sẽ có dịp được thấy mình trong những khuôn hình lúc vui, lúc buồn, lúc chân thật, lúc giả tạo đại diện cho những trạng thái nhất định của con người vẫn thường biểu hiện trong tình yêu và cuộc sống. Để rồi thấy rằng, khi con người có bộ mặt “không ai giống ai” thì hãy biết dùng chính bộ mặt của tâm hồn để cư xử với nhau.