Kịch người máy hay sự trớ trêu của công nghệ

Thứ Ba, 03/09/2013 13:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người Nhật kết hợp công nghệ người máy Android tiên tiến và nỗi cô đơn - một nét “dân tộc tính” để làm nên vở kịch nói độc đáo có cả diễn viên người thật và người máy. Kịch Sayonara diễn tại Hà Nội cuối tuần qua.

Geminoid F, người máy Android có ngoại hình giống hệt một cô gái Á Đông xinh đẹp, là diễn viên chính của vở kịch cùng với 2 diễn viên người thật.

Vở kịch là tác phẩm của đạo diễn người Nhật Oriza Hirata, được Trung tâm Văn hóa Nhật Bản mang đến Việt Nam. Kịch diễn 3 suất tại Rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).

Câu hỏi về sự cô đơn

Sayonara nghĩa là tạm biệt, vở kịch dài 30 phút, kể về một cô gái trẻ đang hấp hối (nữ diễn viên Makiko Murata đóng) và người máy (Geminoid F) do ông bố mua về đọc thơ cho cô nghe trong suốt quãng thời gian đó.

Cuối cùng, cô gái qua đời và người máy được người vận chuyển (Takuya Hoshino đóng) mang đến nơi nó có thể đọc thơ cho những linh hồn - chính là Fukushima, nơi xảy ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân năm 2011, cũng là nơi con người không thể đặt chân đến.


Người máy Android mang tên Geminoid F và cô chủ trẻ trong một cảnh diễn của vở Sayonara

Chuyện cô gái sắp chết không có người thân chăm sóc mà chỉ có người máy ở bên đã khiến người xem đặt câu hỏi về sự cô đơn kinh khủng của người Nhật. Trò chuyện với khán giả, đạo diễn Oriza Hirata cho biết ở Mỹ và phương Tây, người ta cũng nhận ra điều này. “Trầm lặng và cô đơn vốn không được đón nhận ở những nền văn hóa khác, nhưng lại là một nét tính cách gắn liền với truyền thống Nhật Bản” - ông nói.

Thông thường người máy được đưa vào đời sống theo cách thực dụng hơn, gần như người giúp việc. Nhưng ở đây, người máy, trông giống hệt người thật nhưng chỉ có thể chuyển động đầu và cổ, lại chỉ có chức năng đọc thơ và trò chuyện (thơ rất hay, có cả Con tàu say của Arthur Rimbaud). Một công dụng ít ai nghĩ đến, thậm chí nhiều người không thiết tha gì - theo thừa nhận của đạo diễn.

Có lẽ, người Nhật với sự cô độc thấm thía mới hiểu hơn ai hết sự quý giá của một “người” biết lắng nghe, trò chuyện và đọc thơ, bằng thứ tiếng Nhật êm tai với giọng nữ mềm mại.

Người máy, người thật đều vô tình

Vở kịch có ý tưởng bay bổng nhưng cách giải quyết lại thực tế đến lạnh lùng. Chẳng có sự lãng mạn nào ở đây. Người máy cả trong kịch lẫn ngoài đời, không hoặc chưa có cảm xúc. Đoạn cuối, khi cô chủ đã qua đời, người máy bắt đầu đọc thơ không ngừng vì nó bị trục trặc chứ không phải vì thương tiếc.

Những vần thơ được lồng vào miệng người máy là do người thật đọc, bằng giọng êm ái đã được lập trình chứ đâu phải thoát ra từ trái tim con người, dành riêng cho một ai đó trong một hoàn cảnh cụ thể. Đó cũng là một sự thực trớ trêu của công nghệ. Người cha vô hình trong vở kịch mua hẳn người máy xịn cho con gái nhưng lại không ở bên con trong những phút cuối.

Người máy không cô đơn, nó hoạt động và nói năng theo trạng thái tắt bật của công tắc, thậm chí còn không biểu lộ cảm xúc gì khi có nguy cơ bị phá hủy. Chỉ có người thật, khi sắm cho mình một người máy, mới cô đơn.

Nhưng trong một thế giới nơi một cỗ máy công nghệ cao (cho dù giống hệt người thật), có thể thay thế sự hiện diện của những người thân yêu nhất, thì người máy hay người thật đều cô đơn. Chẳng khác gì cảnh trong quán cà phê thời nay, khi trang Facebook sôi động trên màn hình chiếc điện thoại thông minh có thể thay thế người bạn bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt.

Theo đạo diễn Oriza Hirata, giới khoa học Nhật đang nghiên cứu để sản xuất người máy giống hệt người thân đã qua đời để an ủi những người đang sống, nhất là các bậc cha mẹ mất con.

Kịch Sayonara được dựng từ năm 2010, sau năm 2011 được đạo diễn bổ sung phần liên quan đến thảm họa hạt nhân. Vở kịch đã diễn ở Áo, Pháp, Đức, Italia, Đan Mạch, Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Thái Lan, nay đến Việt Nam.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›