KTS Antoni Gaudi - Cha đẻ của những di sản thế giới “kỳ quặc”

Thứ Sáu, 01/07/2011 11:02 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Tuần qua, thế giới đã kỷ niệm ngày sinh của kiến trúc sư vĩ đại người Tây Ba Nha Antoni Gaudi (25/6/1852 - 1926). Là cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại của xứ Catalan, 7 tác phẩm kiến trúc của ông đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1984 - 2005.

KTS Antoni Gaudi

7 công trình đó là: Tòa nhà Casa Vincens, nhà thờ Sagrada Familia (thiết kế tổng thể, nội thất, các bức phù điêu, ánh sáng, các bức tượng tại nhà thờ), công viên Parc Guell, ngôi nhà Casa Batllo, tòa nhà Casa Mila, Tòa nhà Bellesguard, hầm mộ nhà thờ Colonia Guell.

Các công trình của ông là sự kết hợp niềm đam mê đối với thiên nhiên, tôn giáo và lòng yêu nước. Ông mang tới một luồng gió mới, một bước ngoặt cho nền kiến trúc trên thế giới, riêng biệt, lạ lùng nhưng lại quá độc đáo nên cho đến nay cũng không một ai có thể đi tiếp trên con đường của ông.

Thật đáng tiếc vào ngày 7/6/1926 Gaudi bị tai nạn xe điện, ông bị thương rất nặng. Do sự sơ xuất của chính quyền, của y tế cấp cứu quá chậm nên ông qua đời vào ngày hôm sau.

Các công trình của Gaudi chủ yếu nằm tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Hàng năm thành phố thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, những người hâm mộ, đam mê tác phẩm của Gaudi. Những tác phẩm của ông còn là nguồn cảm hứng bất tận cho tác họa sĩ siêu thực sau này.

Tờ Ann Bilnot - ArtInfo Magazine đã điểm lại 5 tuyệt tác mà ông đã để lại cho thế giới.

* Công viên “điên rồ” Parc Guell. Một tổng thể kiến trúc tưởng chừng như điên rồ nhưng đầy sáng tạo, nơi đây cho chúng ta một cái nhìn lạ thường, như đi vào một nơi không có thực. Hãy ngồi và chiêm ngưỡng những băng ghế dài được lát bằng những mảnh sứ nhỏ đầy màu sắc như một con rắn biển trên sân thượng đang mỉm cười với con rồng khảm sứ ở lối vào chính.

Công viên Parc Guell bắt đầu khởi công năm 1900 và hoàn thành vào năm 1914 và đến năm 1984 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.


Công viên Parc Guell - nhìn từ cổng chính

* Ngôi nhà Casa Batllo - không sử dụng một đường thẳng. Trước đây là nơi cư trú của gia đình Batllo, đến năm 1904 - 1906 Gaudi và kiến trúc sư Josep Maria Jujol phục hồi và xây dựng lại. Cấu trúc ngôi nhà được biệt danh Casa dels Ossos - Ngôi nhà của những khúc xương. Điểm nổi bật nơi đây là các kiến trúc sư không sử dụng bất cứ một đường thẳng trong thiết kế của mình. Phần mái nhà giống như các kết cấu có vảy và mặt sau mái nhà là con rồng, theo kinh thánh con rồng này bị Thánh Jordi giết chết.

Mặt tiền ngôi nhà Casa Batllo

* Tòa nhà “xù xì” Casa Mila. Là một con chiên, ban đầu Gaudi dự định cho Casa Mila là một biểu tượng tôn giáo với nhiều chi tiết, bao gồm bức tượng Đức mẹ Maria nhưng Hội đồng công giáo thành phố đã bác bỏ bản thiết kế. Chán nản Gaudi định từ bỏ dự án nhưng nhờ những lời khuyên của một vị linh mục, ông đã đứng lên bảo vệ tác phẩm của mình. Cuối cùng, tòa nhà đã được khởi công năm 1905, hoàn thiện năm 1912. Đến với tòa nhà này điều thú vị nhất là đi dạo trên ban công đầy xích sắt và ngắm nhìn những ống khói xù xì không nơi nào trên thế giới có được ngoài Tây Ban Nha.

* Bellesguard - tòa nhà của lòng yêu nước. Nhà thờ được xây dựng trên những tàn tích thế kỷ 15. Trước kia, đây là nơi cư trú của vị vua cuối cùng vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Cấu trúc tòa nhà được xây dựng theo phong cách Tân Gothic. Bellesguard nằm trên núi Collserola, lên tới đây bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố Barcelona. Tòa nhà còn được coi là biểu tượng của lòng yêu nước của Gaudi.

Nhà thờ Sagrada Familia

* Nhà thờ dang dở Sagrada Familia. Gaudi đã đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp với công trình kiến trúc nhà thờ Sagrada Familia. Sagrada Familia xây dựng vào năm 1882 và là một ví dụ tuyệt vời của kiến trúc Gothic hiện đại, kết hợp các yếu tố của biểu tượng tôn giáo. Mỗi lối vào nhà thờ đều đại diện của Chúa, Ngài ban cho các con chiên đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng đến năm 1926, Gaudi qua đời khi nhà thờ mới hoàn thành được 25%. Cho tới nay, gần một thế kỷ trôi qua, Sagrada Familia vẫn dang dở. Thiết kế của ông kỳ lạ đến mức không ai có thể hiểu và tiếp nối.

Phan Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›