Hai người đói lưu lạc
Học giả Phan Khôi |
Đó là một người cao, gầy, tên là Đào; một người thấp, to ngang, tên là Nhàn. Cha mẹ anh em họ, người thì chết đói, người thì bỏ làng đi kiếm ăn, lưu lạc mỗi người một phương, không ai biết. Hai người gặp nhau, kết bạn, rồi đi theo đường bộ vào Nam. Đến đâu thì xin ăn ở đó, xin không được thì đào trộm củ, hái trộm quả hoặc bứt lá dại ăn tạm. Thầy tôi hỏi tại sao không đi thẳng vào Nam Bộ là nơi có nhiều lúa gạo, mà lại rẽ lên vùng này? Họ nói, nghe người ta đồn làng Bảo An giàu có, buôn bán sầm uất, lại có nghề dệt vải lụa, làm mía đường, nên cố lặn lội đến đây may ra kiếm được việc làm, có cơm ăn chờ qua nạn đói.
Thầy tôi ngẫm nghĩ, rồi hỏi Mạ tôi xem nhà có việc gì cho họ làm không? Mạ tôi nói hiện thời nghề dệt đang khó khăn, vải bán không chạy, công việc chỉ đủ cho người nhà làm, cho họ ở lại thì không biết để họ làm việc gì? Nhưng cuối cùng, thương hoàn cảnh họ tội nghiệp quá, hai ông bà quyết định cho họ ở lại một thời gian cho lại sức, rồi sẽ tính sau.
Cưu mang và chữa bệnh
Vậy là hai chú này được ở lại. Hàng ngày họ làm công việc nhà, như gánh nước, chẻ củi, cùng mẹ tôi đi chợ mua sợi, bán vải, rồi làm quen với công việc trong nghề dệt như ngâm sợi, hồ sợi, vắt, phơi, quay xa, đánh ống. Về sau, Mạ tôi dạy họ mắc cửi, lên khung, dệt vải. Chú Đào là người gầy yếu, nhưng sáng ý và chịu khó học nghề, nên một thời gian sau đã có thể ngồi dệt được. Còn chú Nhàn thì khỏe mạnh hơn, nhưng chỉ thích làm công việc nặng, không ham nghề dệt, nên cuối cùng không học được gì.
Tính tình hai chú này rất tốt, lại siêng năng, trong nhà ai cũng mến. Tối tối, khi rỗi việc, hai chú kể chuyện làng quê và gia đình ở ngoài Bắc. Thỉnh thoảng các chú lại khóc, lũ nhỏ chúng tôi cũng buồn theo. Nhưng có lúc các chú cũng hào hứng giải thích cho chúng tôi biết con đê nó ra làm sao, tại sao mỗi nhà có một cái ao, cầu ao là cái gì, v.v..., là những thứ mà quê tôi không có. Ngược lại, các chú tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy đình, chùa ở làng tôi rất to, trong làng thì đường ngang ngõ dọc, vuông vắn như bàn cờ, rất khác với quê các chú.
50 năm sau, vợ con Phan Khôi đều đã lên bậc lão. Từ trái sang: Chị con gái Phan Thị Viện – cụ bà Nguyễn Thị Huệ - chị dâu trưởng Bích Hà. |
***
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, hai chú Nhàn và Đào, lúc này đã khoẻ mạnh trở lại như bình thường, xin phép về quê. Thầy tôi bảo Mạ tôi trả tiền công, cấp gạo ăn đường cho hai chú. Các chú hết lời cảm ơn, nhận một ít tiền, một ít gạo, rồi đi. Sau này, nghe nói có lần chú Đào tìm đến tận nhà ở 51 - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để thăm Thầy tôi. Còn chú Nhàn, cái chú chữa bệnh bằng mỏ con vịt ngày nào, thì không có tin tức, không biết chú có còn không?