(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay, 16/11, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân (1920 - 2020). Có rất nhiều điều đáng nói về ông, tác giả của Vợ nhặt, Làng, mà nhiều thế hệ đã được học trong SGK Ngữ văn phổ thông. Ngay cả cái cung cách thiểu não, khổ khổ của nhân vật “Lão Hạc” đang là “hot trend” trong giới trẻ bây giờ cũng gắn chặt với vai diễn để đời của nhà văn “tài tử điện ảnh” này. Ít ai biết rằng Kim Lân còn là một diễn viên sân khấu tài danh… Nhưng trước hết, chúng ta hãy về thôn Phù Lưu quê hương ông để tìm hiểu nguồn mạch văn chương, nghệ thuật này.
Năm 2017, tôi đã đến Phù Lưu - Chợ Giầu dự lễ Khánh thành Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân tại khu Văn Chỉ nhân 10 năm ngày mất của ông. Được đặt chân đến vùng giàu trầm tích văn hóa để hiểu thêm câu ca vẫn truyền tụng “Trai Phù Lưu, gái Đình Bảng”. Vẫn còn đó con đường lát đá xanh trong truyện ngắn Làng của Kim Lân:“Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...”.
Người vùng văn vật, thi thư
Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920 tại thôn Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 20/7/2007 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi. Bút danh Kim Lân gắn với nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu mà đôi bạn thân Nguyễn Đăng Bảy và Nguyễn Văn Tài yêu thích. Đăng Bảy lấy tên là Khương Linh Tá, còn Nguyễn Văn Tài lấy bút danh là Đổng Kim Lân. Bút danh đó đã đi cùng văn nghiệp của ông.
Kim Lân luôn tự hào về truyền thống văn hiến của quê hương Chợ Giầu - Phù Lưu - một ngôi làng cổ có lịch sử gắn với đời Vua Hùng thứ 6. Theo lịch sử làng, khi giặc Ân xâm lược, Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương đã mang ngựa sắt, áo giáp, roi sắt đi dẹp giặc. Người anh hùng làng Gióng đi qua được dân làng hoan hỉ đón và đem trầu cau ra mời. Cảm kích trước tấm lòng của làng, Thánh Gióng đã đặt tên làng là làng Trầu. Khi phiên âm sang chữ Hán, làng Trầu thành Phù Lưu (làng Giầu).
Làng Phù Lưu là một trung tâm văn hóa vùng Kinh Bắc, 1 trong 6 làng ở Kinh Bắc có chữ Phù: Phù Lưu, Phù Ninh, Phù Khê, Phù Đổng, Phù Chẩn, Phù Dực. Đôi câu đối chữ Nho gắn mảnh sứ ở cổng phía Bắc làng ghi: “Hồng Bàng tứ thiên dư niên cổ ấp/ Bạng loa lục thập mẫu hồ cư dân” (Ấp cổ hơn 4.000 năm từ thời Hồng Bàng, dân cư sống ở 2bên hồ Bạng loa rộng 60 mẫu).
Vùng “địa linh” này sinh ra những nhân kiệt ưu tú cho đất nước nhiều thời kỳ như: Tiến sĩ Chu Tam Dị (1529), quan Thái bảo triều Lê Trung Hưng Nguyễn Kiên Điều (1628), Phó Bảng Nguyễn Đức Lân (1842), Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe (1880), bác sĩ y khoa đầu tiên của Đông Dương bảo vệ tại Pháp - Hoàng Thụy Ba; anh em dòng họ Hoàng Tích (Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chỉ, Hoàng Tích Linh); dịch giả Thúy Toàn, nhạc sĩ Hồ Bắc, NSND Nguyễn Đăng Bảy, nhà văn Kim Lân và các con của ông: Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, họa sĩ Thành Chương... Vì thế, Văn cổ nhập tịch làng Chợ Giàu đã ghi: “Đất hun tú khí, đời tạo văn nhân/ Văn vật rỡ ràng, nhân tài nảy nở”.
So với nhiều bạn bè cùng trang lứa trong làng, không có điều kiện ra Hà Nội học, Kim Lân chỉ học hết tiểu học ở quê. Hiểu hoàn cảnh gia đình nghèo, ông luôn biết phận mình không dám đòi hỏi gì mà chỉ cặm cụi học hành và sớm phải lo kiếm sống. Ông chăm chỉ đi phụ việc như sơn quốc, khắc tranh bình phong… giúp gia đình. Ngoài thời gian trên, Kim Lân tham gia tích cực hoạt động văn nghệ ở địa phương.
Năm 1944, Kim Lân tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Cách mạng và kháng chiến bùng nổ, ông làm phóng viên cho các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như: Chi lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc. Từ năm 1948, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Truyện ngắn Làng viết trong thời gian này. Sau hòa bình 1954, nhà văn công tác ở các cơ quan văn nghệ như báo Văn nghệ, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Tác phẩm mới, Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ Quảng Bá cho đến khi nghỉ hưu.
Đi bên cạnh cuộc đời ông là người vợ hiền thục, đảm đang, lặng lẽ cùng chồng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Bà Nguyễn Thị Tám là em gái của người bạn thân NSND Nguyễn Đăng Bảy - 1 trong những người tham gia sáng lập Xưởng Phim truyện Việt Nam. Thường qua nhà bạn chơi, thấy cô em gái bạn xinh đẹp, đảm đang đem lòng yêu mến ngay từ buổi đầu, nhưng do bản tính nhút nhát, cũng có chút tự ti, nên Kim Lân không dám tỏ bày tình cảm. Cũng nhờ có bạn mai mối mà ông bà nên duyên chồng vợ.
Kim Lân nói về người bạn đời của mình với lòng biết ơn sâu sắc: “Tôi đi kháng chiến, viết văn, còn chuyện gia đình thì phó thác cho bà. Bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong với từng quả mận, quả cau, quả bí, quả bầu tới may vá, mở hàng bán nước kiếm từng đồng từng cắc để nuôi chồng, nuôi con”.
Ông bà sinh 7 người con (2 gái, 5 trai), trong đó 5 người con trở thành họa sĩ và làm rạng danh nền mỹ thuật nước nhà, đó là: Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Mạnh Ðức, Việt Tuấn, Từ Ninh.
Nhà văn Kim Lân rất yêu dân ca quan họ Bắc Ninh. Năm 1986, nhân một lần về quê gặp cô học sinh Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc hồn hậu, tươi tắn, chất phác và đặc biệt có giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, hội tụ đủ 4 yếu tố của quan họ: Vang - rền - nền - nảy , ông bà Kim Lân đã nhận cô làm con.
Cô bé tài năng đó là NSND Nguyễn Thúy Hường: “Tôi thật may mắn được làm con của thầy Kim Lân, u Tám. Thầy yêu quan họ, thuộc nhiều làn điệu, luôn gần gũi với Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Thầy vào Thị Cầu, Y Na nghe hát, sưu tầm lời cổ. Không ít lần, thầy còn tổ chức canh hát tại nhà số 6 Hạ Hồi. Lúc nào thầy tôi cũng đau đáu bảo tồn quan họ, nhắc nhở dặn dò các nghệ sĩ, lãnh đạo văn hóa địa phương gìn giữ vốn quý Kinh Bắc”.
Nhà văn thấm “dòng máu của nghệ thuật quan họ”
Kim Lân là nhà văn tài hoa của làng quê. Ông viết không nhiều, nhưng những tác phẩm đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc, từ Đứa con người vợ lẽ, Làng, Vợ nhặt... Văn nghiệp Kim Lân “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, không thể tính đếm, đong đo bằng lượng, mà phải cảm nhận bằng chất, bằng tinh hoa văn hóa Kinh Bắc được chưng cất, chắt lọc nên những tác phẩm có giá trị bền bỉ, độc đáo, đặc sắc trên 2 phương diện văn học và nghệ thuật.
Năm 1942, Kim Lân trình làng truyện Đứa con người vợ lẽ trên tuần báo Trung Bắc Chủ nhật và từ đó những tác phẩm Đứa con người cô đầu, Người kép già, Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí… xuất hiện đều đặn. Sau nhiều năm “gác bút”, năm 1969, ông viết truyện Bà mẹ Cẩm.
Kim Lân là người chỉn chu, ý tứ, tinh tế, trau chuốt kỹ lưỡng. Ông rất kỹ tính trong nghề văn. Kim Lân không cho phép sự cẩu thả với nghề. Một chữ viết ra ông đều trân trọng, nâng niu như hạt gạo mẹ ông tảo tần khuya sớm; như hạt ngọc, hạt vàng, kim cương trong tay người thợ kim hoàn.
Cuộc đời Kim Lân thấm tháp cái nghèo, cái đói, bị khinh rẻ: “Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng, làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả. Những người con 2 bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là chị Tam. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà ba. Sau này, tôi mới biết tên thật của mẹ là Náng...”.
Tự ý thức về hoàn cảnh không phải không có lúc từng mang tâm trạng tủi thân, tủi phận, nhưng điều quan trọng là nhà văn không buông xuôi, không tự ti, phó mặc hoàn cảnh mà chăm chỉ học tập, lao động và viết: “Tôi là con nhà nghèo, làm thợ sơn guốc, ít học, đang học dở dang thì bỏ… Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết. Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh con nhà giàu, làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết”.
Văn chương đã cho ông niềm vui, được giải tỏa mọi vui buồn, kể ẩn ức, nỗi niềm không dễ tỏ bày.
Tính tự truyện được thể hiện rất rõ trong những tác phẩm như: Đứa con người vợ lẽ, Vợ nhặt, Đứa con người cô đầu, Nên vợ nên chồng, Con chó xấu xí… Văn chương Kim Lân đã được chắt ra từ cuộc đời, làng quê với những con người bé nhỏ, lam lũ, vất vả, khốn khó nhưng rất mực nhân hậu, yêu quê hương, chăm chỉ lao động. Nhân vật trong tác phẩm của ông có thể mang hình thức bên ngoài xấu xí, thô tháp, nhưng ẩn giấu trong đó là chất người, tình người thấm đượm.
- Khánh thành nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân tại làng Phù Lưu
- Khánh thành “mật thất chữ’ của “lão Hạc” - Kim Lân
- Vợ chồng Kim Lân như đang dắt nhau về làng Phù Lưu
Có câu nói vui là nhà văn thường “tự ăn thịt mình”, đại ý muốn nói nhà văn thường trải nghiệm từ chính cuộc đời mình để viết. Ngoài bản thân, nhà văn còn “tận dụng” tối đa câu chuyện gia đình, những người đã gặp, đã biết ở xung quanh. Tất cả đều là “đối tượng” để nhà văn cho vào “tầm ngắm” như một bác sĩ “giải phẫu”, như một người thợ khai thác “cạn kiệt tài nguyên”.
Đóng góp quan trọng của Kim Lân chính là truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Khải thán phục: “Về văn xuôi là nghề của tôi, trước sau tôi thần phục có 3 người là ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này, viết lách được cái gì, thường cũng lấy văn của 3 ông làm chuẩn”. Về 2 truyện ngắn Làng và Vợ nhặt, nhà văn Nguyễn Khải coi Kim Lân là: “Thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ”…
(Còn tiếp)
Phong vị Kinh Bắc Ngoài thể hiện vẻ đẹp chân chất làng quê bình dị, Kim Lân đã tạo nên một phong cách một mình “một ngựa” tung tẩy tìm từng thú chơi, phong tục nông thôn, phong vị làng quê Kinh Bắc độc đáo. Văn của ông nghiêng về “phong lưu đồng ruộng”, miêu tả những phong tục, sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở làng quê với những thú chơi lành mạnh, tao nhã như đánh vật, chọi gà, thả chim… Đằng sau nét phong tục đó là vẻ đẹp tâm hồn, sự tinh tế, tài hoa của con người dù sống trong cảnh bị đọa đầy, cực nhọc, khốn khổ nhưng vẫn ánh lên nét trong sáng, yêu đời, lạc quan “muốn sống, sống cho ra con người". Năm 2001, nhà văn Kim Lân vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1). |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags