Lại chuyện thật-giả về mộ Tào Tháo

Thứ Sáu, 08/01/2010 10:42 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Kể từ khi Tào Tháo qua đời thì cho tới nay, câu hỏi mộ của nhân vật này ở đâu vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Tương truyền, Tào Tháo đã ra lệnh xây dựng tới 72 khu mộ đề tên mình để đánh lừa hậu thế và được yên nghỉ ngàn thu.

Ngày 27/12/2009, Sở Khảo cổ tỉnh Hà Nam tiến hành cuộc họp báo tại Bắc Kinh và công bố họ đã phát hiện ra mộ của Tào Tháo ở phía Nam thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương.

Theo tờ Hà Nam nhật báo, Phó Giám đốc Sở Khảo cổ - Tôn Anh Dân - đã đưa ra 6 “bằng chứng” để khẳng định đây thực sự là mộ của Tào Tháo: 1-Quy mô khu lăng mộ to lớn với chiều dài tới 60 mét, 2-Những vật chôn theo trong mộ có liên quan tới Tào Tháo, 3-Điểm khai quật trùng khớp với vị trí được ghi chép trong sử sách, 4-Đồ vật mai táng phù hợp với di chúc của Tào Tháo, 5-Tại đây có nhiều phiến đá nhỏ khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”, 6-Hài cốt trong mộ được xác định là của một người có tuổi tương đương với Tào Tháo khi chết.


"Mộ Tào Tháo" ở Hà Nam
Tuy nhiên, theo phóng viên tờ Tân Hoa tiêu điểm thì sau cuộc họp báo này chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, các học giả và dư luận dân chúng Trung Quốc đã phản ứng cho rằng 6 “bằng chứng” do Sở Khảo cổ tỉnh Hà Nam đưa ra đều không thuyết phục. Tiếp đó ngày 5/1/2010, một cuộc hội thảo về mộ Tào Tháo đã được tổ chức ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, với sự tham dự của các nhà khoa học và khảo cổ hàng đầu Trung Quốc. Tại đây cũng có nhiều ý kiến cho rằng công bố của Sở Khảo cổ Hà Nam là hấp tấp và thiếu bằng chứng xác thực.

Tờ Hàng Châu nhật báo ngày 6/1 đã đăng trả lời phỏng vấn của Mã Vị Đô, một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng Trung Quốc. Ông này hoài nghi đây là khu mộ giả, vì 8 trong số 58 phiến đá khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” không phải được đào từ mộ ra mà do thu hồi của những kẻ trộm mồ mả.

Trước đó, trên tờ Văn hóa cuối tuần, giáo sư Trần Lập Trụ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh An Huy, nói: “Ngọc ngà châu báu lấy từ mộ lên là một dấu hỏi lớn. Khi lâm chung, Tào Tháo có trăng trối rằng muốn tổ chức tang lễ đơn giản và không được chôn kèm ngọc ngà châu báu. Khi khai quật, người ta thấy rất nhiều châu báu, đó là chưa kể một số đã bị đánh cắp trước đây”. Giáo sư Vương Hâm Nghĩa ở khoa Lịch sử thuộc Đại học An Huy cho rằng nhưng thứ vũ khí trong mộ như hổ đại kích, hổ đại đao hay chùy đá không phù hợp với ghi chép lịch sử vì khi sinh thời, Tào Tháo chủ yếu sử dụng kiếm.

Giáo sư Trương Tử Hiệp, Chủ nhiệm khoa Lịch sử ở Đại học An Huy, đã nêu ra 4 nghi vấn:

- Mặc dù trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về mộ Tào Tháo nhưng đều có điểm chung là lăng mộ này được xây dựng ở khu vực đồi núi. Bởi vì khi cử hành lễ tang thì Tào Phi, con Tào Tháo, ghi rõ: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga”. Trong khi đó, khu mộ vừa được tìm thấy lại nằm ở vùng đồng bằng.

- Lúc sinh thời, Tào Tháo chủ trương sau khi mất thì các đại thần, tướng lĩnh trong triều có công sẽ được mai táng xung quanh mộ ông. Tuy nhiên, khu mộ nói trên dù được xây với quy mô lớn nhưng cạnh đó không có mộ của đại thần hoặc tướng lĩnh nào.

- Những phiến đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” rất đáng nghi ngờ. Bởi vì, “Ngụy Vũ Vương” là danh xưng chỉ được phong cho Tào Tháo sau khi ông qua đời một thời gian. Hơn nữa những phiến đá này không phải được lấy từ mộ ra mà do thu hồi của những kẻ trộm cắp.

- Trong mộ không có ấn tín, mà đây lại là vật không thể thiếu ở lăng mộ của các bậc vua chúa Trung Hoa.

Tờ Dương Tử vãn báo ngày 6/1 đăng phát biểu của ông Lý Kính Trạch, chủ bút tạp chí Văn học nhân dân: “Không loại trừ họ muốn lợi dụng tên tuổi Tào Tháo để làm kinh tế cho địa phương”. Theo tờ Tân Hoa tiêu điểm, nếu quả thật đây là mộ Tào Tháo thì Sở Khảo cổ Hà Nam sẽ được đầu tư trên 400 triệu nhân dân tệ để xây dựng nơi này thành một khu di tích nhằm thu hút khách du lịch.

Tới nay, cuộc tranh luận “mộ thật hay giả?” vẫn còn sôi nổi khi chưa có kết luận chính thức được đưa ra.

Kiều Tỉnh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›