Dự Lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận cùng hàng nghìn người dân địa phương.
Các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc Lam Kinh được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước; thể hiện sinh động các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nói riêng.
Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Di tích Lam Kinh còn lại cho đến ngày nay là tài sản văn hóa vô giá của nhân dân Thanh Hóa và các dân tộc, cần được quyết tâm bảo vệ và phát huy.
Di tích Lam Kinh còn là niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung, đồng thời đặt ra trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa về vinh dự và trách nhiệm lớn lao này; tin tưởng cùng với niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, tự hào về di sản văn hóa được tôn vinh, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống quê hương, gắn kết chặt chẽ giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, góp phần đưa hình ảnh của Thanh Hóa đến với đồng bào trong và ngoài nước.Đồng chí lưu ý, cùng với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh thờ anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước. Theo nhiều tài liệu sử sách còn ghi và những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian, vương triều Lê có 2 thái miếu ở Thăng Long và ở Lam Sơn (tức Lam Kinh), thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc, nên xưa kia các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều phải hành hương về Lam Kinh để tế lễ và bái yết tổ tiên hàng năm. Lễ hội đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phục dựng trong nhiều năm trở qua.Lịch sử ghi lại rằng, năm 1407 nhà Minh tập trung 80 vạn quân xâm chiếm nước ta. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của quân xâm lược này khiến nhân dân ta phải chịu biết bao cơ cực lầm than. Đầu năm 1416, từ miền rừng núi Lam Sơn (Thanh Hoá), Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương (hội Thề Lũng Nhai).
Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của những con người ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai... Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Qua hàng chục năm “nếm mật nằm gai”, dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng... chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang oanh liệt, rồi thành Đông Quan được giải phóng đã kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới.
Năm 1928, Lê Lợi lên ngôi vua, tên thụy là Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội). Đến 22/8 năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà, được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay). Các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ cũng lần lượt được đưa về táng tại đây. Sau khi Lê Thái Tổ qua đời, các vua triều Lê Sơ vẫn tiếp tục xây dựng Lam Sơn trở thành một kinh đô thứ 2 sau Đông Đô. Tuy chỉ lên ngôi gần 6 năm nhưng Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập, phồn vinh của quốc gia Đại Việt, xứng đáng là "ông Tổ Trung Hưng" thứ 2 của dân tộc Việt Nam.
Tham gia Lễ hội, ngoài việc hiểu thêm về những công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập, người dân còn được hòa mình vào các điệu múa, trò chơi truyền thống như múa Xuân Phả, nghe tiếng chiêng, cồng, trống, cất lên cùng với bài cáo Bình Ngô âm vang giữa núi rừng thiêng liêng. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 27/9.