(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” vừa diễn ra tại TP.HCM đã góp tiếng nói trả lời cho câu hỏi này.
Hội thảo trực tuyến quốc tế “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chủ trì tổ chức. Đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế về điện ảnh Việt Nam do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đồng tổ chức. MPA là Hiệp hội thương mại đại diện cho 6 hãng phim lớn ở Hollywood (Paramount Pictures, Sony Pictures, Universal Pictures, Walt Disney Studios, Warner Bros và Netflix).
Do tình hình dịch Covid-19 khó lường nên hội thảo cũng hạn chế số lượng người tham dự nhưng cũng có thể nhìn thấy hầu hết những gương mặt đang hoạt động tích cực trong ngành điện ảnh Việt.
Sự tham gia trực tuyến của các nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh của Hoa Kỳ và quốc tế sẽ tạo cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và mở rộng hợp tác cho các nhà làm phim Việt Nam. Hội thảo cũng giới thiệu môi trường làm phim ở Việt Nam, thế mạnh, khả năng thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Hội thảo đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế.
Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” bao gồm 3 phần, trong đó, nhà biên kịch, sản xuất Kay Nguyễn là người dẫn chương trình.
Phần 1 hội thảo bàn về Quan điểm của các nhà làm phim với sự tham gia của các chuyên gia: Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn; Ông Nelson MOK, Giám đốc, Cố vấn Film Group và Đạo diễn Phan Đăng Di. Các diễn giả tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào sản xuất các bộ phim, chương trình truyền hình có chất lượng cho cả thị trường Việt Nam và cộng đồng quốc tế cũng như kế hoạch phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam
Ở phần này, đạo diễn – nhà sản xuất Charlie Nguyễn đưa ra 3 quan điểm của mình về việc làm thế nào để điện ảnh Việt Nam phát triển: Một là, phải kể câu chuyện của chúng ta (thay vì phim remake hay cốt truyện vay mượn); Hai là phải có một nơi đào tạo thực dụng hơn trong nghề làm phim (rất nhiều người làm nghề từ làm việc thực tế mà ra lại thiếu nền tảng cơ bản trong khi người học bài bản ra thường lại thường thiếu thực tế); Ba là chúng ta cần có bộ phận giám sát lao động để bảo vệ quyền lợi người làm phim, nâng cao chất lượng làm nghề (trước tình trạng có đoàn phim làm việc 17-18 tiếng/1 ngày mà không ai quản lý).
Ông Nelson MOK, Giám đốc, Cố vấn Film Group đến từ Singapore thì chia sẻ kinh nghiệm phát hành phim nội địa ra với thế giới của mình, trong đó cụ thể dẫn chứng việc kết nối phát hành bộ phim Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt ra với thị trường nước ngoài. Với lời chúc mừng thành công của bộ phim điện ảnh Bố già hiện đang phát hành ở thị trường phim Singapore, ông Nelson Mok khẳng định: “Để phim Việt ra được với quốc tế thì đầu tiên, phải thành công với khán giả nội địa”.
Cuộc hội thảo cũng lần lượt bàn về với chủ đề "Tư duy toàn cầu" có sự tham gia của: Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh; Ông Jay Roewe, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách Sản xuất và ưu đãi, HBO/Warner Media; Ông Freddie YEO, Giám đốc điều hành, Infinite Studios; bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Và phần cuối cùng của hội thảo là chủ đề: Bảo vệ thành quả có sự tham gia của Bà Esther Peh, Trưởng nhóm bộ phận Đối ngoại và Luật pháp quốc tế, Châu Á Thái Bình Dương; bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD); Bà Grace Chui, Luật sư cao cấp về bảo vệ nội dung, Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương...
Các khách mời tham gia các phiên thảo luận có: Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh; Bà Vũ Thị Thu Thủy, Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; bà Đinh Thanh Hương, Chủ tịch điều hành của Galaxy Studio; ông Nguyễn Trinh Hoan, Giám đốc HK Film; Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Hội thảo cũng cũng có sự góp mặt của các nhà làm phim gạo cội: Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn; nhà biên kịch Châu Thổ... Đại diện cơ quan quản lý, bà Lý Phương Dung – Cục Phó Cục điện ảnh cũng chia sẻ rằng, sau nhiều ý kiến đóng góp, sắp tới, Luật điện ảnh sẽ có nhiều cải tiến phù hợp hơn với tình hình phim hiện nay.
- Chính phủ trả lời kiến nghị của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN
- Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam đến LHP Quốc tế Tokyo
- Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tìm cơ hội hợp tác tại LHP Busan
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, phát biểu kết thúc hội thảo, trân trọng nhận xét của các đại biểu quốc tế về bối cảnh, câu chuyện Việt Nam trong việc bắt tay hợp tác. Bà cũng mong rằng những tiềm năng đó sẽ được đánh thức, bùng nổ trong thời gian tới.
Các nhà làm phim là người chủ động nhưng cũng mong nhà nước tạo cơ chế phù hợp để điều mong mỏi đó được thực thi. Về con đường của điện ảnh Việt nam ra với thế giới, ngoài việc điện ảnh Việt đang dần tốt lên, thì với vai trò của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh, bà cũng chia sẻ việc tổ chức của mình đang thực thi rất nhiều điều để tất cả những ý kiến lo ngại mà các đại biểu trong nước, quốc tế chia sẻ hôm nay sẽ không còn tồn tại. Đó là một trong nhiều nền tảng vững vàng để Việt Nam có thể tự tin trên con đường đưa điện ảnh trở thành một nền công nghiệp.
Hà Linh (lược ghi)
Tags