Mùa xuân năm Đinh Hợi (987), niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành, trong sách Việt sử lược đã chép việc vua Lê Đại Hành đã về cày tịch điền – mở đầu cho việc “động thổ” nông nghiệp cả nước trong một năm mới. Cũng là mở đầu truyền thống tốt đẹp coi trọng nghề nông “dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc) của chế độ quân chủ phong kiến từ đó và sau này ở nước ta. Các triều đại sau đó, đều duy trì nghi lễ cày tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng) với các hình thức khác nhau. Lễ cày tịch điền của nhà vua đã chấm dứt dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn, đến nay đã gần 100 năm.
Việc phục hồi nghi lễ này có mục đích tôn vinh các bậc tiền nhân, vừa có ý nghĩa phù hợp với chính sách chủ trương của nhà nước hiện nay đặt vấn đề Tam nông (Nông nghiệp, nông dân, nông thôn) lên hàng đầu. Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện Văn hóa – Nghệ thuật tiến hành nghiên cứu để khôi phục lễ hội này.