(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 20h ngày 8 và 9/11/2014 tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (GHNVK) TP.HCM sẽ biểu diễn nhạc kịch (opera) Cây sáo thần của V.A.Mozart. Đây là lần đầu tiên TP.HCM đứng ra dàn dựng và biểu diễn một vở nhạc kịch hoàn chỉnh, có thể xem là một cột mốc nghệ thuật quan trọng của âm nhạc hàn lâm TP.HCM.
Nhạc sĩ Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát GHNVK TP.HCM cho biết: “Đây là vở nhạc kịch kinh điển của thế giới lần đầu tiên được dàn dựng tại TP.HCM. Trước đây, nhiều thế hệ giảng viên thanh nhạc như Quốc Trụ, Thư Hương… mong muốn dàn dựng một vở nhạc kịch nhưng chưa làm được. Hôm nay, các nghệ sĩ mà đa số là học trò của họ đã thực hiện mong ước của các thế hệ trước. Cây sáo thần được dàn dựng và biểu diễn với lực lượng chủ yếu của TP.HCM đánh dấu sự hình thành thực sự nghệ thuật opera tại thành phố”.
Lộ trình đến với “Cây sáo thần”
Nhạc kịch là một môn nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố như: âm nhạc, múa, kịch, thiết kế, phục trang, ánh sáng… Để biểu diễn một vở nhạc kịch hoàn chỉnh, cần có quá trình xây dựng lực lượng ở trình độ cao về dàn nhạc, hợp xướng, các solist, múa ballet… cùng những trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho sân khấu nhạc kịch.
Nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart được xem là một tác phẩm kinh điển của thế giới mà bất cứ nhà hát opera nào cũng phải có trong kịch mục biểu diễn của mình. Cây sáo thần có những aria và đoạn hợp xướng thuộc hạng “trứ danh” nhưng nó cũng cần kỹ thuật thanh nhạc rất cao khi thể hiện.
Nhà hát GHNVK TP.HCM thành lập vào năm 1993, nhưng đến tháng 9/1994 mới có chương trình biểu diễn đầu tiên và đến năm 2005 nhà hát chính thức có đoàn nhạc kịch.
Để có thể dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch Cây sáo thần như hiện nay, đoàn nhạc kịch của nhà hát cũng phải theo lộ trình từng bước. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng trong nhiều năm và biểu diễn các trích đoạn opera, năm 2012 nhà hát biểu diễn thanh xướng kịch Dido và Aeneas (của Henry Purcell); năm 2013 biểu diễn thanh xướng kịch Messiah (G.F.Hendel) nhằm rèn luyện hợp xướng và các solist trong những tác phẩm thanh nhạc quy mô lớn. Đặc biệt, cuối năm 2013 toàn bộ vở nhạc kịch Cây sáo thần được biểu diễn với hình thức thanh xướng kịch cùng với dàn nhạc giao hưởng. Nói cách khác đây là bước 1 để giải quyết toàn bộ vấn đề âm nhạc (dàn nhạc, hợp xướng, solist) để năm 2014 biểu diễn Cây sáo thần theo đúng nghĩa của một opera (thêm các phần hành động kịch, múa ballet, phục trang, cảnh trí, ánh sáng…).
Để đạt được kết quả như hôm nay, đó là quá trình “chuyển giao công nghệ” từ Tổ chức Transposition của Na Uy. Trong quá trình nói trên, phần lớn các vị trí quan trọng như: các solist trong phần thanh nhạc, một số nhạc công nắm giữ vị trí quan trọng trong dàn nhạc đã được thay thế. Tuy nhiên, lần biểu diễn này vẫn còn một số chuyên gia Na Uy để hướng dẫn và bảo đảm đúng phong cách của tác phẩm. Theo kế hoạch, vào tháng 6/2015 nhạc kịch Cây sáo thần sẽ được biểu diễn với 100% nghệ sĩ Việt Nam và với tiếng Đức (chứ không phải tiếng Anh như lần này).
“Cây sáo thần” của TP.HCM có gì hấp dẫn?
Nhạc sĩ Trần Vương Thạch cho biết: “Vẫn dựa trên nội dung chính của tác phẩm, nhưng cách thể hiện có những điểm mới. Đầu tiên, đây là phiên bản mới mà đạo diễn mang 2 dòng máu Pháp - Đức David Hermann dàn dựng riêng cho TP.HCM, nó không giống với bất cứ một nhà hát nào trên thế giới. Vở diễn mang phong cách đương đại, trong đó không mang tính tả thực với những cảnh trí hoành tráng, những lâu đài nguy nga… mà thay vào đó là sự mộc mạc trong diễn xuất, sự hấp dẫn của ánh sáng, nghệ thuật sắp đặt… và những cách điệu theo phong cách đương đại.
Các nhân vật như Thiên thần, Nữ hoàng Đêm tối, Phù thủy… cùng các diễn viên múa có khi như “hòa quyện” vào nhau, các diễn viên múa có khi trở thành cái bóng, tâm hồn của nhân vật.
Một cái mới khác là vở diễn có đưa vào một số đoạn thoại bằng tiếng Việt để khán giả hiểu câu chuyện dễ dàng hơn và là một sắc màu đặc biệt trong toàn bộ vở nhạc kịch được diễn bằng tiếng Anh. Việc đưa ngôn ngữ nước sở tại vào nhạc kịch cũng là trào lưu chung trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đạo diễn đã xử lý yếu tố này một cách khéo léo để không bị khiên cưỡng”.
Về âm nhạc, ngoài việc đây là tác phẩm đỉnh cao trong gia tài âm nhạc của Mozart, Cây sáo thần có nhiều khúc nhạc được biểu diễn trên nhiều sân khấu của thế giới như: Aria của nhân vật Nữ hoàng Đêm tối - aria này được xem là một trong những aria đỉnh cao của giọng soprano dramatique (nữ cao kịch tính). Bản duo (song ca) của cặp nhân vật tạo nên sự vui nhộn, hấp dẫn cho opera - Papageno và Papagena - vô cùng hấp dẫn, cuốn hút một cách lạ lẫm. Và quan trọng hơn, lần đầu tiên khán giả TP.HCM sẽ được “chiêm ngưỡng” các solist của Việt Nam vừa hát vừa diễn kịch qua các vai: người đẹp Pamina, Nữ hoàng Đêm tối, Papagena, Monostasto trong vở nhạc kịch mang tầm vóc thế giới như Cây sáo thần.
Điều quan ngại duy nhất là sân khấu Nhà hát TP.HCM hẹp, gây nên những khó khăn trong việc chuyển cảnh. Khoảng trống hai bên cánh gà nhỏ, không có chỗ để các diễn viên đứng chuẩn bị cho phần diễn của mình. Hệ thống máy móc, giàn giáo, sào… của nhà hát không phải chuyên dụng cho biểu diễn nhạc kịch.
Câu chuyện cổ tích cảm động và nhân văn |
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags