Di tích Lăng Đàm Viết Kính nằm ở phía Đông khu phố Kim Bảng, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Di tích Lăng Đàm Viết Kính là nơi thờ các bậc tiên tổ dòng họ Đàm Viết ở Kim Bảng, đặc biệt là ông bà Đàm Viết Kính-nhân vật lịch sử tiêu biểu của thế kỷ XVII-XVIII, có nhiều công lao với sự phát triển của dân tộc cũng như đóng góp to lớn đối với quê hương.
Dòng họ Đàm Đình là một trong những dòng họ sinh sống lâu đời ở Kim Bảng. Theo “Thế phả họ Đàm” ghi chép: Họ Đàm ở Kim Bảng có xuất xứ từ họ Đàm Thận ở xã Ông Mặc (còn gọi là Làng Me) đến Kim Bảng cư trú từ thời Hậu Lê, đến nay được 17 đời. Cụ thủy tổ tên hiệu là Như Quang, tên tự là Nhật Minh đã đổi từ Đàm Thận sang Đàm Viết, đến đầu thế kỷ XIX lại đổi thành Đàm Đình và Đàm Đức...
Họ Đàm Viết là dòng họ có truyền thống khoa cử, nhiều đời mở trường dạy học, nhiều người làm quan, có nhiều công lao với đất nước, với quê hương công đức xây dựng, tu tạo đình, chùa... Thời phong kiến, dòng họ được nhiều đời vua ban tặng sắc phong, tước vị, được nhân dân địa phương tôn bầu Hậu kỵ ở các làng, xã trong tổng Nghĩa Lập.
Vào thế hệ thứ 6 của dòng họ Đàm ở Kim Bảng có nhân vật lịch sử Đàm Viết Kính khá nổi tiếng, tự Như Liêu, tước Tại Thọ Hầu. Với tài năng và phẩm cách, Đàm Viết Kính được triều thần nể trọng, là chỗ dựa tin cậy của các bậc quân vương. Trong khoảng 50 năm làm quan, ông đạt đến đỉnh cao của tước vị, từng giữ chức vụ Bồi tụng trong Phủ chúa là chức quan đứng thứ hai, sau chức Tham tụng- Tể tướng.
Phía ngạch võ, Đàm Viết Kính giữ chức Tham đốc - chức võ quan cao cấp hàm tòng nhị phẩm, sau được vinh phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân hàm Chánh Nhất phẩm, tước Tại Thọ hầu... Theo quy chế đương triều, năm 65 tuổi, ông được về trí sĩ nhưng là người có danh vọng, uy tín trong triều nên được khởi phục ra làm quan. Đây là một trường hợp hy hữu chỉ dành cho những người thực sự tài năng được vua Lê chúa Trịnh trọng vọng.
Viện Sử học đánh giá, Đàm Viết Kính là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của thế kỷ XVII - XVIII có nhiều công lao với sự phát triển của lịch sử dân tộc cũng như đóng góp to lớn đối với quê hương, được người dân địa phương kính ngưỡng và thờ phụng trong gần ba thế kỷ qua.
Công đức của Tại Thọ hầu Đàm Viết Kính cùng vợ là Quách Thị Thảo (được ấm phong Chánh phu nhân) được ca ngợi trong văn bia Linh Huệ từ ký (1734). Sinh thời hai ông bà đã cung tiến nhiều tiền của, ruộng đất cho làng, được dân làng bầu làm hậu kỵ, hàng năm cúng giỗ. Ngoài ra thân phụ thân mẫu và ông bà của Đàm Viết Kính cũng được nhân dân cúng kỵ hàng năm, nghi thức thờ cúng được nêu rất rõ trong văn bia.
Là bậc quan cao cấp của triều đình Lê - Trịnh nên Tại Thọ hầu Đàm Viết Kính được cấp đất, xây dựng lăng mộ theo quy chế đương thời. Nguyên xưa diện tích lăng mộ khá lớn, trồng rất nhiều cây cổ thụ, trong khu lăng có nhiều bia đá, tượng hầu, voi đá, chó đá. Nhân dân địa phương quen gọi là Dinh quan lớn, xung quanh phần mộ có tường xây bằng đá ong cao ngập đầu người.
Trải qua thăng trầm lịch sử dân tộc, những biến động xã hội và thiên nhiên, di tích vẫn luôn được dòng họ quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang tố hảo. Với những giá trị nhiều mặt, năm 2006, Lăng Tại Thọ hầu Đàm Viết Kính được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tháng 6-2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1986/QĐ-BVHTTDL ngày 29 tháng 6 năm 2021 xếp hạng di tích Lăng Tại Thọ hầu Đàm Viết Kinh là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
Hiện nay, di tích gồm hai khu vực chính là khu lăng mộ và nhà thờ. Khu lăng mộ hiện còn được bảo lưu khá nguyên vẹn gồm phần mộ và các linh vật: Tượng quan hầu bằng đá, voi đá, chó đá, bia đá, bàn đá, cây hương đá, bát hương đá. Phần đền thờ gồm hai công trình kiến trúc đều có 3 gian làm bằng gỗ lim xếp mặt bằng hình chữ nhị. Trong đền bảo lưu, bài trí nhiều tư liệu, đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu như: 4 bài vị đá xanh nguyên khối, biển gỗ, sắc phong, hoành phi, câu đối, gia phả… Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử làng xã; về lịch sử dòng họ Đàm tại xã Hương Mạc; về những đóng góp của Tại Thọ hầu Đàm Viết Kính với quốc gia, quê hương, dòng họ…
- Liên hoan Văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ 7
- Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong hành trình trở thành di sản thế giới
- Hình thành văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích
Di tích Lăng Đàm Viết kính do con cháu trong gia tộc dòng họ Đàm Đình thôn Kim Bảng trông nom quản lý. Vào những ngày sự lệ, đặc biệt là ngày giỗ họ và ngày trao quỹ khuyến học cho con cháu, dòng họ tổ chức trang nghiêm, trở thành dịp để giáo dục và giữ gìn, phát huy giá trị đạo lý truyền thống của cha ông. Di tích không chỉ là niềm vinh dự tự hào của con cháu trong gia tộc mà còn là niềm tự hào chung của quê hương Bắc Ninh văn hiến. Hiện nay, tên Đàm Viết Kính, vào dữ liệu ngân hàng tên đường, phố, công trình công cộng của tỉnh được đặt cho một tuyến đường tại thành phố Từ Sơn.
Phương Thảo
Tags