(TT&VH) - Hôm qua, 27/5, tôi đến thăm ông tại Mỹ Đình, vẫn thấy ông cặm cụi viết. Gần trăm tuồi mà trí tuệ ông vẫn minh mẫn quá chừng. Ông vẫn còn đau đáu về cái “kho báu” nghệ thuật của cha ông. Ông bảo các giáo sư nước ngoài bất ngờ khi Việt Nam có nghệ thuật opera trước thế kỷ 18. Opera Việt, không đâu xa đấy chính là kịch hát - thứ nghệ thuật thâm trầm, ở đỉnh cao mà ta chưa thể nào hiểu hết.
Sáng nay, 28/5, tại Hà Nội,“Hội thảo về nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc” sẽ được Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam và Tạp chí Văn hiến tổ chức. Hội thảo như một món quà mừng “lão tướng” trong ngành tuồng thượng thọ 95 tuổi.
Bác bỏ thuyết Lý Nguyên Cát dạy tuồng cho người Việt
Nói đến sự nghiệp Mịch Quang, có lẽ cần phải nói đến những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật dân tộc. Nhưng gọi ông là nhà nghiên cứu chắc có lẽ lại không đầy đủ bởi trước tiên, ông là soạn giả, là nhà thơ, là diễn viên...
Mịch Quang tên là Nguyễn Thế Khoán. Ông sinh ở xứ dừa, xứ tuồng Bình Định, xuất thân từ gia đình Nho học. Cha ông, cụ Tú Diệu Liên cư sĩ là nhà thơ cổ điển, từng cộng tác với báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng, cũng là một nghệ sĩ từng cầm chầu có tiếng và viết phê bình nghệ thuật...
Cậu bé Khoán ngày xưa từng mê mải xem hát bội, mê mải nghe cha giảng về cái tuyệt vời của nghệ thuật tuồng truyền thống mà đâm mê tuồng. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thế Khoán lúc này là Mịch Quang vừa làm thơ vừa tổ chức văn nghệ phục vụ kháng chiến và ông cũng là diễn viên đa năng: ngâm thơ, hát mới chơi đàn Tây và cả hô bài chòi...
Nhà nghiên cứu Mịch Quang (trái) và GS.TS Trần Văn Khê |
Tập kết ra Bắc, Mịch Quang về làm biên tập viên văn nghệ Đài TNVN, viết thơ, truyện ngắn, tùy bút... Nhưng hình như tâm trí ông vẫn hướng về nghệ thuật tuồng và dồn tình yêu đối với danh nhân tuồng Đào Tấn. Chẳng thế mà khi bước sang điạ hạt nghiên cứu, ông là người đầu tiên phát hiện và giới thiệu Đào Tấn trên văn đàn Việt Nam...
Cho đến bây giờ, ông đinh ninh lời Hồ Chủ Tịch khi được vinh hạnh bất ngờ gặp Người đến thăm khu Văn công Mai Dịch. “Trong dịp tôi được phân công trực Tết, tình cờ Bác Hồ đến thăm Khu Văn công. Khi vào Ban Nghiên cứu, hỏi chuyện chúng tôi, Bác dặn: “Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thấy hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Từ đấy, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác, không để những tiêu chuẩn nghệ thuật phương Tây ràng buộc, phát huy tư tưởng độc lập tự chủ trong nghiên cứu.
Mịch Quang sinh ngày 1/5/1917 tại làng Phụng Sơn xã Phước Sơn huyện Tuy Phước, Bình Định. Ông là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả tuồng hàng đầu đất nước, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Tuồng đã chọn Mịch Quang là người vinh danh cho mình, khi chỉ bốn năm đầu tiên làm công tác nghiên cứu, ông đã cho ra mắt công trình đầu tiên về nghệ thuật này: cuốn Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng như một cách mở màn cho một sự nghiệp khám phá tuồng sâu sắc, dài lâu... Điều kỳ diệu cho tuồng là đã có Mịch Quang khi ông “đính chính” lại khái niệm “hát khách” để bác bỏ thuyết cho rằng Lý Nguyên Cát là người đầu tiên dạy tuồng cho người Việt. Theo ông, “hát khách” không phải là hát “Tàu” mà là cách hát đối đáp giữa chủ và khách...
Tôn vinh Đào Tấn
Với tuồng, ông gần như gắn cả cuộc đời với tuồng Đào Tấn, với những công trình nghiên cứu mang tầm vóc sâu sắc khoa học: sau Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng là Đặc trưng nghệ thuật tuồng. PGS Tất Thắng từng khẳng định: Mịch Quang đã có những đóng góp quan trọng, cơ bản không chỉ cho tuồng, mà cả kịch hát dân tộc”.
Nghiên cứu, giới thiệu và vinh danh Đào Tấn, Mịch Quang còn viết hẳn cả một vở tuồng về danh nhân quê hương - vở Thanh gươm hát Bội. Vở diễn đã chứng tỏ tác giả hiểu thấu tâm can, tài năng đức độ của Đào Tấn, người bốn lần là quan Thượng thư, ba lần quan Tổng đốc nhưng vẫn được xem là “kẻ ở ẩn tại triều”. Làm quan thì là chính khách mẫu mực, làm thơ, làm tuồng thì mang tầm vóc thiên tài.
Mịch Quang không có ý định cách tân nghệ thuật tuồng. Ông soạn tuồng hiện đại nhưng vẫn tôn trọng phong cách truyền thống và đó là một sáng tạo đầy khoa học. Cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng là một ví dụ. Búp sen xanh đã được Mịch Quang đưa lên sân khấu tuồng với tên gọi Cậu bé làng Sen.
“Đàn thì phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy”
Nhà nghệ thuật học dân tộc ấy đang tuổi 95. Không! Chỉ là 95 mùa Xuân thôi, bởi hình như tuổi tác ấy chưa làm ông từ giã công việc bởi ông vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và dâng hiến cho đời... Đắm mình trong đời sống nghệ thuật dân tộc, thiết tha với cuộc đời, với nghệ thuật truyền thống, Mịch Quang đã phát hiện cái vĩ đại trong cái đẹp cái hay của nghệ thuật Việt. Nguyên lý “Cấu trúc động - mở” của âm nhạc cổ truyền Việt của ông đã được các học giả nổi tiếng vận dụng trong giảng dạy nghiên cứu từ lâu.
Nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy (1862 -1918) khi xem hát bội ở Hội chợ Hoàn vũ Paris năm 1889 đã cho rằng chỉ mỗi tiếng kèn cũng làm rung động lòng người, tiếng trống chầu cũng vẽ ra được một không gian sấm sét...
Đúng là âm nhạc Việt qua tuồng có cái hồn riêng làm xúc động người xem và nhất là khi nó hài hòa với lời ca động tác sân khấu... Và với Mịch Quang, chỉ với một câu mộc mạc dân dã mà ông đã làm một tổng kết đặc sắc cho âm nhạc Việt, rằng “đàn thì phải nhấn nhá, hát thì phải luyến láy”. Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê kể rằng, để mô tả cái đặc sắc của thanh nhạc và khí nhạc Việt Nam truyền thống, ông đã phải dài dòng phân tích lý giải, trong khi ấy lý luận của Mịch Quang ngắn gọn mà súc tích dễ hiểu quá chừng.
Hôm qua, lúc tôi đến thăm ông tại Mỹ Đình, vẫn thấy ông cặm cụi viết. Gần trăm tuổi mà trí tuệ ông vẫn minh mẫn quá chừng. Người vẫn còn đau đáu về cái “kho báu” nghệ thuật của cha ông mà chưa thể nào nghiên cứu hết, để bảo tồn phát huy cái cao siêu, bác học trong cái dân dã cổ truyền. Ông bảo các giáo sư nước ngoài bất ngờ khi Việt Nam có nghệ thuật opera trước thế kỷ 18. Opera Việt, không đâu xa đấy là kịch hát mà nghệ thuật của nó thâm trầm, ở đỉnh cao mà ta chưa thể nào hiểu hết. Ông nói và nhiều lần dẫn các câu hát tuồng, nghe còn mùi mẫn lắm.
Mịch Quang có một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy và một tư duy bác học về nghệ thuật dân tộc. Ông bảo: “Tôi không có học hàm giáo sư bởi mải mê với nghiên cứu và đóng góp cho nghệ thuật mà không có điều kiện học hành lấy bằng cấp. Công trình nghiên cứu âm nhạc Việt Nam: Cấu trúc động - mở của tôi được đưa vào giáo trình đại học ở Mỹ...”
Lặng lẽ giữa cuộc đời đầy biến động, Mịch Quang hầu như không màng danh lợi. Đó là cốt cách của một người làm khoa học chân chính. Nhưng cho đến giờ dù tác phẩm và công trình được trích giảng, nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới, ông vẫn lặng lẽ đi về giữa Nam và Bắc, không danh vị, học hàm học vị, không danh hiệu... Nhưng tôi tin cống hiến của ông, đóng góp của ông cho nghệ thuật dân tộc sẽ còn mãi và lịch sử sẽ công bằng, dù mọi thứ danh hiệu với ông cũng phù vân nốt, như chính đời người giữa mênh mông cuộc đời...
Tân Linh