(Thethaovanhoa.vn) - Tập truyện Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không? (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, quý 4/2017) của Vũ Thành Sơn vừa phát hành đã làm làng văn xao động vì có tựa đề “rất bolero”. Vậy tập truyện này “bolero” đến mức độ nào?
- Liveshow 'Một thoáng quê hương' lần thứ 6 sẽ kết hợp bolero và hài kịch
- Bolero - sáng tạo đến đâu? Tiến hay lùi?
Tựa đề trích từ Chuyện hẹn hò, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong tập còn có những truyện nghe hơi hướm ngôn tình - bolero như Con cừu có mái tóc màu hạt dẻ, Một giấc mơ khác, Có một nơi như thế, Thức dậy bỗng nhớ, Mưa…
Các nhà văn nói gì?
Giải thích về tựa đề, Vũ Thành Sơn cho biết: “Đó là tựa của một truyện trong tập này. Sự chọn lựa để đặt cho toàn tập cũng có một phần là ngẫu nhiên, nhưng trên hết, có lẽ vì tôi thích lời của bài hát ấy; không những nó quen thuộc với nhiều người, mà tự lời hát cũng đã là một hình ảnh đẹp”.
Còn nhà văn Mai Sơn thì: “Qua từng trang viết anh cho ta thấy cuộc sống là vô vị, đều đều, không phi lý cũng không hữu lý, nó là không dưng (gratuit), là có đó, là trung tính, là một hiện thực tẻ ngắt mà chúng ta phải chung đụng hằng ngày”.
Cả hai chia sẻ trên đây vẫn có thể làm cho tập truyện đầy chất bolero, đầy chất ngôn tình, vì chẳng phải nội dung của nhiều bài hát bolero, nhiều tiểu thuyết ngôn tình vẫn có không khí tương tự đó sao.
Và Vũ Thành Sơn có thể viết một tập truyện ngôn tình - bolero? Hoàn toàn có thể chứ. Nhưng nếu quả thật như vậy, thì chẳng có gì đáng nói, vì đây là một nhà văn của những ưu tư, mối bận tâm trên mức bolero - ngôn tình.
“Một tình yêu tình cờ nảy nở và tình cờ bị phớt lờ, nhưng cuộc bố ráp bắt khẩn cấp cô gái chạy bàn nghèo kiết xác kia liệu có phải chuyện tình cờ?”. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đặt câu hỏi như vậy khi đọc truyện ngắn Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?. Rõ ràng, ẩn đằng sau những tựa đề nghe khá ngôn tình kia là một thế sự, một hiện thực không vui, không thể vô tư khi đọc.
Vậy tập truyện thế nào?
Nó đầy những băn khoăn, ám ảnh của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống trước một hiện thực đang mỗi lúc vượt quá khả năng nhận thức, cũng như hành động. Họ như bị rơi một tình huống mà cái gì cũng vừa rõ ràng vừa không, rốt cuộc họ bị đè bẹp, bị nghiền nát bởi chính cái hiện thực. Nói chung đậm chất hiện sinh.
“Có thể gọi cách viết của Vũ Thành Sơn là phi biểu cảm, anh tiếp cận thực tại bằng giác quan, phi cảm xúc. Điều này dẫn đến một hệ quả trong từ ngữ là sự triệt tiêu của tính từ trong văn bản.
Giọng văn trần thuật theo lối mô tả hiện tượng học, tỉ mỉ, tao nhã và có trật tự, như một ngọn đèn pha dần hồi đưa người đọc tiếp cận cái cục diện hiện sinh mà nhà văn đã bày sẵn” - nhà văn Trà Đóa nhận xét.
Còn nhà văn Ngô Thị Kim Cúc thì: “Dù có hiện ra với vài phác vẽ ngoại hình hay không, dù có tự bộc lộ một trạng thái tâm hồn/tâm linh nào đó hay không, có vài thông tin về tiểu sử hay vẫn vô danh một cách hoàn hảo, thì họ đều chỉ tạt ngang qua thế giới văn chương của Vũ Thành Sơn trong khoảnh khắc rồi biến mất vô tăm tích vào một cõi bâng quơ nào đó sau những mẫu tự cuối cùng”.
Nếu so với tập truyện ngắn đầu tiên Hà mã, chó, chim, cá và những thứ khác (2011) thì tập truyện này là một tiếp nối và kết thúc một lối viết cũ của Vũ Thành Sơn. Bên cạnh những chủ đề, phương pháp tiếp cận, ngôn ngữ, phong cách… theo lối cũ, tập truyện bắt đầu xuất hiện một lối viết khác. Đó là một tín hiệu vui với những độc giả mê những trang sách đậm đặc nghệ thuật viết văn.
Chất vấn Vũ Thành Sơn Những đồng nghiệp và độc giả nào muốn chất vấn Vũ Thành Sơn về tập truyện này thì xin mời đến buổi trò chuyện lúc 18h ngày 25/11 tại 73 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM. Vũ Thành Sơn là một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, hiện sống tại TP.HCM. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn dịch thuật, viết nhận định văn học nghệ thuật. |
Văn Bảy
Tags