(Thethaovanhoa.vn) - Theo các chuyên gia, lễ cầu an dù thực hiện tại nơi thờ tự, hay trực tuyến qua mạng xã hội tại nhà trong mùa dịch, tất cả đều có thể truyền tải những thông điệp chính của các nghi lễ. Bởi theo giáo lý nhà Phật là “tùy duyên phương tiện, khế lý khế cơ”, tùy hoàn cảnh mà sử dụng những cách thức, phương tiện khác nhau…
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các khóa lễ cầu an vốn được các chùa, cơ sở thờ tự lên kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đã phải chuyển hướng sang các hình thức tổ chức khác, trong đó có tổ chức online. Đây cũng là hướng đi thử nghiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và phòng, chống Covid-19.
Năm nay, chùa Phúc Khánh đăng thông bạch về việc sẽ tổ chức đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến, thời gian vào 20h ngày 25/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Tân Sửu). Các nghi lễ do các nhà sư cử hành và sẽ được phát trực tuyến trên mạng xã hội để Phật tử cả nước tham gia, theo dõi. Trong khi đó, tại các cơ sở thờ tự khác, lễ cầu an được thực hiện bên trong chùa và người dân có thể vái vọng ở nhà…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thử nghiệm cầu an trực tuyến
Trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích, hướng dẫn các chùa tổ chức trực tuyến những buổi cầu an, tụng kinh, giảng Phật pháp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Các chuyên gia văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho rằng, việc tổ chức Đại lễ cầu an trực tuyến phù hợp và đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của người dân.
Lễ cầu an dù thực hiện tại nơi thờ tự, hay trực tuyến qua mạng xã hội tại nhà trong mùa dịch, tất cả đều có thể truyền tải những thông điệp chính của các nghi lễ. “Niệm Phật” là niệm trong tâm, người dân đều có thể cầu ước mọi điều bình an ở mọi nơi, và bởi theo tinh thần “tùy duyên phương tiện, khế lý khế cơ” của giáo lý nhà Phật, được hiểu là tùy hoàn cảnh mà sử dụng những cách thức khác nhau để làm sao truyền tải được giáo lý giáo luật tinh thần Phật giáo đến tín đồ và người dân là được!
Mi Mi - Mộng Long
Tags