Lễ hội truyền thống: Làm sao để tránh đơn điệu?

Thứ Bảy, 20/02/2010 12:02 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Theo thống kê, cả nước có tới 9.000 lễ hội cổ truyền lớn nhỏ, trải rộng khắp cả nước trong đủ bốn mùa. Và khi mùa lễ hội năm 2010 được “khởi động” vào Tết Canh Dần, không ít người đặt câu hỏi: với con số ấy, đặt trong nhịp sống hiện đại, làm thế nào để mỗi lễ hội có thể tránh khỏi sự nhàm chán đơn điệu và tự tồn tại với một bản sắc riêng?

TT&VH đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Quang Thắng (Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật), tổng đạo diễn của lễ hội Tịch điền 2010 vừa diễn ra hôm qua (mùng 6 tháng Giêng) và cũng là người có nhiều năm nghiên cứu về lễ hội.

Quan trọng nhất là “không đâu có”


 TS Bùi Quang Thắng
* Theo ông, từ góc độ văn hóa, một lễ hội như thế nào được coi là lớn?


- Từ trước tới nay, ảnh hưởng xã hội của lễ hội chủ yếu phụ thuộc vào uy tín của đối tượng mà lễ hội ấy tôn thờ. Trên thực tế, khi đặt cạnh những lễ hội thờ Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh... thì một lễ hội thờ thành hoàng làng khó có thể đạt được sức lan tỏa trong không gian xã hội như vậy. Ngoài “hạt nhân” ấy, uy tín của mỗi lễ hội còn được bồi đắp bởi những vấn đề thứ yếu như cơ sở vật chất hay các nghi thức trong lễ hội.

Những năm gần đây, quy mô của từng lễ hội bị chi phối khá nhiều bởi các yếu tố khách quan về kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là vị trí của vị khách mời danh dự tại lễ hội. Tuy nhiên, về góc độ tạo “thương hiệu” và ảnh hưởng lâu dài thì một số địa phương lại chọn việc khai thác góc độ văn hóa, nghĩa là tìm ra cho lễ hội một bản sắc riêng và cố gắng duy trì ổn định. Tôi cho rằng đó là một cách làm tích cực.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Tôi xin tạm so sánh bằng các lễ hội pháo hoa được tổ chức hàng năm tại Đà Nẵng, hoặc Festival diều diễn ra tại Vũng Tàu. Đó là những lễ hội hiện đại, có tính độc đáo duy nhất, và bước đầu xác định được vị trí riêng của mình trong tổng thể các lễ hội VN. Thật lòng, tại các lễ hội truyền thống, đặc biệt phía Bắc, việc tạo dấu ấn riêng về bản sắc như vậy là không dễ. Một phần lý do là các lễ hội truyền thống này thường có nhiều nét giống nhau về tính chất và hình thức tổ chức. Một phần quan trọng khác, kinh phí bỏ ra cho các lễ hội truyền thống bị ràng buộc khá nhiều về điều kiện kinh tế.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là các lễ hội phía Bắc không thể tìm được bản sắc riêng. Như lễ hội Tịch điền (Hà Nam) đang diễn ra chẳng hạn. Nó có những nét “không đâu có” và có thể mở rộng tầm ảnh hưởng nếu khéo khai thác.

Lễ hội Tịch điền còn gặp thuận lợi khi liên quan tới vấn đề khuyến nông vốn đang được chú trọng. Nhìn chung, với mỗi lễ hội, người tổ chức cần cố gắng tìm ra “hạt nhân” riêng của nó, từ đó tập trung khai thác và tạo thương hiệu riêng.

Phải biết “tiếp thị” cho lễ hội



Lễ hội chùa Hương luôn có
sức hấp dẫn đặc biệt

* Thực tế, các lễ hội truyền thống hiện nay đều ít nhiều chịu sự tác động từ cuộc sống đương đại. Chúng ta có thể khai thác đặc điểm ấy theo cách nào cho tích cực?


- Tôi nghĩ, vấn đề nằm ngay ở tư duy làm lễ hội. Người tổ chức lễ hội phải “kiêm” cả vai trò người tổ chức sự kiện, chứ không chỉ làm việc với lễ hội ở góc độ văn hóa dân gian. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi điều ấy.

Quan điểm của tôi rất rõ ràng: có những lễ hội chỉ cần để nguyên như nó vẫn tồn tại trong lịch sử bởi là lễ hội nhỏ, phục vụ một cộng đồng cấp làng chẳng hạn. Nhưng ở nhiều lễ hội khác, người quản lý đổ tiền phục dựng, đầu tư và muốn mở rộng sức lan tỏa ra cộng đồng. Muốn vậy phải có sự quảng bá và tô vẽ thêm vào đó những màu sắc mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại..

* Năm qua, những “bổ sung” của ông vào một số lễ hội thường gây ý kiến trái chiều. Điển hình là việc sử dụng nghệ thuật body art, sơn vẽ lên người hoặc lên mình trâu...

- Nói nôm na, đó là việc dùng nghệ thuật đương đại để tiếp thị cho lễ hội truyền thống. Trước đấy, trong hội họa sắp đặt, một số nghệ sĩ như Đào Anh Khánh đã thực hiện việc vẽ lên mình bò rồi. Công việc đó mới chỉ thu hẹp trong phạm vi sáng tạo riêng của nghệ sĩ, và cũng chưa thật sự được tán đồng. Nhưng khi chuyển công việc ấy thành nghệ thuật công cộng thì lại khác. Cái cá biệt, bị dị nghị ở chỗ này lại được thoải mái thực hiện ở chỗ khác - điều ấy giải phóng sự sáng tạo của nghệ sĩ và sự chú ý của người xem. Chưa nói thích hay không, người ta thấy lạ cái đã. (cười).

* Một số ý kiến cho rằng chính những nét hiện đại ấy đã phá vỡ cấu trúc của lễ hội truyền thống và tạo nên cảnh “ông chằng bà chuộc”. Ông nghĩ sao?

- Nói ngắn gọn, mỗi lễ hội đều có hạt nhân là những nguyên tắc mang tính bất biến. Phần mở rộng phải được lựa chọn, cân nhắc kỹ khi bổ sung. Và đi xa hơn, cũng phải có những cơ sở từ góc độ văn hóa để xây dựng những phần mở rộng ấy. Người thiết kế những lễ hội ấy trước hết phải là một nhà nghiên cứu văn hóa và am hiểu các cấu trúc, chức năng của lễ hội.

“Nếu bảo mang nghệ thuật body art vào lễ hội Đức Thánh Trần thì tôi chịu không dám làm”.

Chẳng hạn, khi bổ sung nội dung sơn vẽ lên người tại lễ hội đền Lảnh Giang, tôi phải căn cứ trên huyền tích vị chúa Ba nơi đây vốn là thuồng luồng hóa thân. Cùng với đó là việc người Việt cổ có tục xăm hình giao long, thủy quái lên thân mình. Nghệ thuật body art chỉ là cách điệu từ những cơ sở văn hóa ấy. Hoặc tại lễ hội Tịch điền, việc sơn vẽ lên mình trâu cũng bắt nguồn từ việc trang trí, phủ vải đỏ lên mình trâu tại lễ hội Tịch điền của phương Đông khi xưa. Nếu bảo mang nghệ thuật body art vào lễ hội Đức Thánh Trần thì tôi chịu không dám làm (cười).


Phục dựng lễ hội gắn liền với tổ chức sự kiện

* Ông có nghĩ rằng về lâu dài, quan điểm của mình về cách dàn dựng lễ hội sẽ thuyết phục được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không?

- Tôi đã đọc một số ý kiến phê bình và tôn trọng những ý kiến ấy. Vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi không gặp nhau về xuất phát điểm. Một số nhà nghiên cứu chỉ muốn nhìn lễ hội đơn thuần ở góc độ văn hóa dân gian như nó đã tồn tại trong cả ngàn năm qua. Họ cho rằng, cách bổ sung những yếu tố mới (dù không “có hại” cho lễ hội) là không thể chấp nhận. Còn về phần mình, như đã nói, tôi nhìn việc tổ chức lễ hội không chỉ ở góc độ văn hóa mà cả ở phía tổ chức sự kiện nữa.

Trong thời gian tới, rất có thể tôi sẽ tham gia vào việc phục dựng một số lễ hội truyền thống khác. Thật lòng, đó không phải là một công việc mang lại nhiều lợi ích ở góc độ kinh tế. Nhưng tôi đã có thời gian nghiên cứu văn hóa lễ hội khá lâu và hiện đang nghiên cứu về đề tài phục dựng lễ hội gắn liền với tổ chức sự kiện. Thực tế từ công việc này sẽ giúp tôi rất nhiều...

Nhiều nơi cũng muốn phục dựng Lễ Tịch điền

“Tôi được biết Huế cũng đã có kế hoạch phục dựng lễ hội Tịch điền. Tỉnh Phú Thọ cũng muốn phục dựng đàn tế Thần Nông và lễ Tịch điền tương truyền có từ thời vua Hùng. Rồi tỉnh Thanh Hóa, quê hương của vua Lê Đại Hành, cũng định phục dựng lễ Tịch điền. Nhưng lễ hội Tịch điền tại Đọi Sơn, Hà Nam mới là lễ Tịch điền đầu tiên được ghi lại chính thức trong cổ sử nên có uy tín nhất”- (Phát biểu của TS Bùi Quang Thắng).


* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Minh Châu

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›