(TT&VH) - Trong suốt nhiều năm, các sử gia luôn bị ám ảnh với câu hỏi: dung mạo danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci ra sao?
Thời trẻ, Leonardo da Vinci không hề để lại một bức chân dung tự họa nào, mặc dù từ lâu nhiều học giả cho rằng rất có thể ông đã lồng chân dung của mình vào một trong những kiệt tác của ông.* Tự họa mình trong hình hai tông đồ
Mới đây, chuyên gia nghệ thuật Ross King, tác giả cuốn sách ăn khách quốc tế Brunelleschi's Dome, đã đưa ra giả thuyết mới, rằng da Vinci đã vẽ chính mình – 2 lần – trong họa phẩm Bữa tiệc ly (The Last Supper), một trong những bức tranh tường nổi tiếng nhất thế giới có niên đại từ cách đây 500 năm.
|
King đưa ra giả thuyết này một phần dựa vào bài thơ ít được biết đến có niên đại từ những năm 1490 – thời điểm da Vinci vẽ bức tranh Bữa tiệc ly. Tác giả bài thơ là Gasparo Visconti, một người bạn của da Vinci và cũng là người làm trong triều đình Sforza.
Trong những vần thơ rất hóm hỉnh của mình, Visconti chế giễu một nghệ sĩ không tên về việc ông này đã đưa chân dung tự họa vào những bức tranh của mình, cả những cử chỉ và biểu cảm gương mặt. Tuy nhiên, Visconti cũng phải thừa nhận người nghệ sĩ đó rất đẹp trai.
* Đẹp trai có tiếng
Tương truyền, da Vinci là người đẹp trai có tiếng. Nhà viết tiểu sử thế kỷ 16 Giorgio Vasari đã mô tả “da Vinci được trời phú cho vẻ đẹp, vẻ phong nhã và tài năng”.
Trong khi đó, nhiều người cùng thời với da Vinci cũng thừa nhận, điệu bộ giơ ngón tay của Thánh Thomas trong bức tranh Bữa tiệc ly là cử chỉ đặc trưng của da Vinci.
Tiến sĩ King còn lấy một bức phác thảo vẽ bằng phấn đỏ, được tin là mô tả da Vinci, do một trong những trợ lý của ông vẽ vào khoảng năm 1515. Bức phác thảo này mô tả một người đàn ông rất đẹp trai, có chiếc mũi kiểu Hy Lạp, mái tóc rủ xuống và râu dài. Trong bức tranh Bữa tiệc ly, Thomas – bên phải Chúa Jesus – và James the Lesser – thứ 2 từ bên trái - đều mang hình ảnh đó: cả 2 đều có chiếc mũi Hy Lạp, mái tóc rủ và có râu.
Nói trên tờ The Independent, tiến sĩ King khẳng định: "Bữa tiệc ly là họa phẩm duy nhất mà chưa có bất kỳ ai cố gắng nhận dạng chân dung danh họa da Vinci trong các nhân vật”.
Vào ngày 30/8, nhà xuất bản Bloomsbury Publishing sẽ phát hành nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ King với cuốn sách mang tựa đề Leonardo and The Last Supper.
Hiện nay, bản tranh gốc của da Vinci còn lưu lại rất ít. Bức tranh đã bị phá hủy sau các cuộc dội bom của quân liên minh và dự án phục chế tranh sau này đã khiến các học giả khó nghiên cứu.
Những nghệ sĩ "tự họa" mình trong tranh 1. Michelangelo: Các học giả cho rằng Michelangelo đã mô tả mình là nhân vật bị lột da trong bức tranh The Last Judgment, được ông vẽ trong Nhà nguyện Sistine vào khoảng năm 1533 – 1541. Khác hẳn với vẻ tự cao tự đại của mình, Michelangelo mô tả ông là một kẻ đáng nguyền rủa. 2. Velázquez: Trong bức tranh Las Meninas (1656), miêu tả gia đình hoàng gia Tây Ban Nha đang chơi đùa, Velázquez mô tả mình là người đang vẽ bức tranh. 3. Mantegna: Trong bức tranh Presentation at the Temple được Mantegna vẽ vào khoảng năm 1460, nhiều chuyên gia cho rằng ông là nhân vật nổi lên từ bóng tối ở bên phải bức tranh. 4. Benozzo Gozzoli đã đưa chân dung tự họa của mình vào bức bích họa Procession of the Magi mà ông vẽ vào khoảng năm 1459-1460. Ông đặt mình vào đám những người tùy tùng vương giả và đội chiếc mũ đỏ có chữ Opus Benotii. |