(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/11 tại NXB Trẻ (TP.HCM) đã ra mắt tác phẩm Cảm ơn người lớn của Nguyễn Nhật Ánh, và sẽ phát hành 150.000 bản vào ngày 17/11 tới đây. Điểm đặc biệt nhất của truyện dài này là khía cạnh “độn thơ”, với hơn 10 đoạn như vậy.
- Rồng rắn xếp hàng bất chấp nắng nóng chờ xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
- Nguyễn Nhật Ánh: 'Nhà văn triệu đô' không quan tâm đến tiền
- Nguyễn Nhật Ánh ra mắt 'Cây chuối non đi giày xanh': Bồi hồi gặp... tuổi thơ
Truyện nào của Nguyễn Nhật Ánh cũng giàu chất thơ, nhưng đưa thơ trực tiếp vào truyện nhiều nhất lại là Mắt biếc, xuất bản lần đầu năm 1990, vừa tái bản lần thứ 40, với hơn 50 trích đoạn. Một tập truyện có nhiều thơ nữa là Những cô em gái, phát hành lần đầu năm 2000, đã tái bản lần thứ 33, với 17 trích đoạn.
Thơ và truyện có vênh nhau?
Nếu trong Mắt biếc, thơ hãy còn thơ mộng, như: “Lòng tôi là cây khế/ Em là chim về chơi/ Vàng kia em chẳng trả/ Chỉ nhả hạt xuống thôi/ Hạt rớt xuống thành cây/ Cây cũng toàn cây khế”. Thì gần 30 năm sau, trong Cảm ơn người lớn, thơ đã khác: “Tôi không còn tuổi trẻ tặng cho em/ Khi gặp gỡ bỗng giận đời quá muộn/ Chuyến tàu thời gian tôi sắp xuống/ Trong khi em vừa mới đáp ga đầu/ Em vẫn còn bao mơ ước mai sau/ Tôi ngồi lại ngoái đầu thương dĩ vãng”.
Hoặc: “Những cơ cực tôi không cần chia sẻ/ Những khổ đau tôi quen gánh gồng/ Tôi chỉ sợ những bình minh quá đẹp/ Không có người bên cạnh để chờ mong!”.
Trong một lần phỏng vấn, Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ: “Văn xuôi tôi viết cho đối tượng thanh thiếu niên, đòi hỏi phải sử dụng một cách viết phù hợp, với một hệ thống hình ảnh và từ ngữ thích ứng với trình độ nhận thức và cảm thụ của các em. Còn thơ, tôi viết cho mình, tức là viết cho… người lớn, phong cách tất nhiên có nhiều khác biệt”. Ví dụ như trong bài thơ Đêm nhớ biển, anh kết: “Thôi đành nhặt cơn mơ làm điểm tựa/ Cuộn mùa đông trong một chiếc đuôi mèo/ Chiếc đinh gỉ nhoi lên từ ký ức/ Khiến nỗi buồn đã rách lúc mang theo”.
Dù ý thức “văn cho người, thơ cho mình” như vậy, nhưng thơ trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh khá tự nhiên, bổ túc cảm xúc, nên chúng không làm vênh mạch truyện. Điều này có lẽ đến từ việc Nguyễn Nhật Ánh là một nhà thơ viết văn, nên chuyện điều tiết sao cho nhuần nhuyễn không quá khó.
Tại buổi ra mắt sách Cảm ơn người lớn, khi được hỏi tại sao “độn thơ” vào truyện như vậy? Nguyễn Nhật Ánh cho biết vì quá nhớ thơ đó thôi, trong lúc viết truyện, thơ hiện ra, thấy hợp lý là cho vào. Nếu trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, những Mùi, Tủn, Tí Sún, Hải Cò… còn nhỏ, thì trong tập truyện này, họ đã đủ lớn để mượn thơ bày tỏ nỗi niềm. Hai tập truyện cách nhau 10 năm, tuy độc lập về cốt truyện, nhưng độc giả có thể đọc như một phần tiếp theo, vì các nhân vật giờ đã lớn, đã đủ già để cảm nhận về các biến cố thời gian, về cái chết đang dần đến.
Victor Vũ mê chất thơ Nguyễn Nhật Ánh
Victor Vũ từng thành công với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, kịch bản chuyển thể truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Ngày 6/11/2018, đạo diễn này chính thức đăng tuyển các vai chính Ngạn, Hà Lan, Dũng, Trà Long cho phim Mắt biếc - cũng là một chuyển thể truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Điểm nổi bật của cả hai câu chuyện buồn này là chất thơ rất dào dạt, dù trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì gần như không có trích đoạn thơ.
“Đây là truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh mà Victor thích nhất. Thật ra thì Victor đã ôm truyện dài này hơn 2 năm rồi. Nhưng Victor chưa tìm ra được hướng đi cho cách kể chuyện của mình - một cách thích hợp, vừa có yếu tố điện ảnh, mà vẫn giữ được chất thơ, giữ được tinh thần của tác phẩm gốc. Cuối cùng Victor cũng tìm được hướng đi mà mình, đang cảm thấy thú vị và đầy hứng thú” - Victor Vũ cho biết lý do chuyển thể Mắt biếc.
Các nhân vật chính trong Mắt biếc của Victor Vũ ở độ tuổi 16 - 22, với ngoại hình sáng sủa, để làm sao truyền tải được chất thơ bang bạc và nỗi buồn mênh mang của câu chuyện. Đây sẽ là một phim đẹp, buồn và thi vị. Phim dự kiến bấm máy vào tháng 3/2019, công chiếu cuối năm 2019, hoặc đầu năm 2020.
Victor Vũ cho biết sẽ giữ lại một số đoạn thơ trong nguyên tác Mắt biếc, sẽ sáng tác thêm một số ca khúc đầy chất thơ. Kịch bản Mắt biếc do Victor Vũ và nhóm ATM (A-Type Machine, trong đó có Kay Nguyễn) biên kịch.
Vậy là sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn: Victor Vũ), Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh), nay là Mắt biếc, sắp tới là Ngồi khóc trên cây, Thiên thần nhỏ của tôi… sẽ lên màn ảnh rộng. Một nguồn tin cho hay, nếu không có gì thay đổi, đến năm 2022, Nguyễn Nhật Ánh sẽ có thêm 5 truyện dài được chuyển thể thành phim chiếu rạp, Victor Vũ dự kiến chuyển thể một phim trong số đó.
Những sách “bom tấn” của Nguyễn Nhật Ánh Xét về số phát hành lần đầu, cuốn Cảm ơn người lớn chỉ xếp sau Cây chuối non đi giày xanh, với 170.000 bản, ra mắt hồi 7/1/2018. Kỷ lục phát hành đang thuộc về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, hơn 400.000 bản. Cuốn này được xem là phần đầu của Cảm ơn người lớn. Điểm đặc biệt với tác giả này, hai cuốn có nhiều trích đoạn thơ là Mắt biếc và Những đứa em gái đều bán rất chạy. |
Văn Bảy
Tags