May thay, Tết ông Táo vẫn còn!

Chủ nhật, 03/02/2013 08:04 GMT+7

Google News
Nhà nhà đang bận rộn từ sáng lo cúng lễ; nhưng có lẽ không nhiều người hiểu kỹ nguồn gốc, ý nghĩa của mỹ tục này, một tập quán ngày càng có giá trị sâu sắc trong đời sống hiện đại.

Vẫn bảo, đời sống khấm khá hơn, chẳng phải dành dụm chuẩn bị Tết từ… Hè, Thu như thời bao cấp, nhưng các bà các mẹ vẫn giữ nếp lo xa. Cứ ỉ bây giờ cái gì cũng sẵn, sát Tết mới sắm sanh thì lại cập rập hoặc đắt đỏ.

Xu hướng phát triển toàn cầu dẫn con người mật thiết thế giới tâm linh ngày càng rõ. Tôn giáo, tín ngưỡng trong nguyên bản ý nghĩa (không tính những phái sinh lệch lạc, biến tướng) cho chúng ta được nương tựa, chở che, hướng thiện.



Tết Nguyên đán có ý nghĩa với hơn 1,5 tỷ dân thế giới, người gốc Hoa, người Việt Nam thực sự sôi động từ ngày tiễn thần Bếp lên trời.

Từ đầu Chạp, qua Hàng Mã - một phố trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn giữ nghề theo tên gọi, đã bày bán mũ, áo, hia, vàng thoi - đồ mã cúng Táo Công.

Tại Thủ đô, chợ lâu năm dần được thay thế bằng các siêu thị, trung tâm thương mại, không khí mua sắm ở chợ vẫn gần gũi đời sống nhân quần. Tại các chợ, hàng  mã cuối năm tấp  nập. Chợ Tết xưa có quầy tranh tết, trong đó có tranh Táo Quân. Quầy tranh Tết lâu không còn, chỉ có hàng trăm cửa hàng tranh chép. Tết đến gần, qua những hàng rong bán đào, gánh hàng mã ruổi khắp phố.

Cùng Tết Nguyên đán, Tết ông Công ông Táo là tập tục qua truyền khẩu ghi chép, có biến thể khác nhau. Theo nguồn tài liệu đáng tin cậy, thì tích này vắn tắt như sau:

Đôi vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau nhiều năm mà không thể có con, sinh ra cáu gắt, hay cãi cọ. Một hôm, người chồng nổi nóng đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà đi. Nàng nằm nghỉ gần một ngã tư đường, gặp người nông dân cày về, nàng đi theo và chàng chú ý. Đó là Phạm Lang, và họ thành vợ chồng. Trọng Cao bị bất hạnh, nếm trải nỗi cơ hàn (có tài liệu ghi Trọng Cao ân hận đi tìm vợ) phải đi ăn xin. Lang thang mãi, hết tiền, mệt và đói lả, Cao ngã xuống trước cửa, ngờ đâu là nhà Thị Nhi. Thị Nhi cho Trọng Cao ăn uống.

Người đàn ông khốn khổ ăn nhiều, say rượu, ngã lăn ra. Vì không muốn để chồng cũ chồng mới giáp mặt, Thị Nhi sai người khênh Trọng Cao giấu vào đống rơm (có phiên bản ghi Trọng Cao xin lỗi vợ và Thị Nhi ân hận đã lấy Phạm Lang, bảo Cao trốn vào đống rơm). Phạm Lang về, trước lúc đi ngủ, nhớ ra mai phải bón ruộng, nên ra đốt rơm lấy tro. Trọng Cao bị chết trong đó. Thị Nhi tự trừng phạt mình, nhảy vào lửa. Phạm Lang yêu vợ, thấy quá bất ngờ, nhảy tiếp vào đống rơm cháy, chết theo.

Linh hồn ba người lên Thượng đế - thấy ba người có nghĩa, Thượng đế sắc phong làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân, mỗi người giữ một việc. Phạm Long làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi nhà cửa. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi chợ búa.

Kết thúc của các tích, dù biến thể nào, nhân vật đều chết thảm. Truyện kể theo sách GS Nguyễn Văn Huyên còn có phần kết: “Anh đầy tớ thấy ông bà chủ chết bèn lao đầu vào lửa tỏ lòng trung thành. Thượng đế xúc động về tinh thần hỉ xả ấy, giao cho họ trông nom bếp núc của tất cả các gia đình trên thế gian và đánh giá mọi hành vi của con người. Tập tục cúng ông Táo cũng là tưởng nhớ tấn bi kịch gia đình. Hai hòn đá hai bên là ông (hai ông chồng), hòn phía trước là bà (người vợ). Viên cuội đặt trên than để nó không cháy quá nhanh, là hòn lộc (người đầy tớ trung thành).

Táo, nghĩa là bếp. Táo Quân Trung Hoa có truyền thuyết khác  nhau. Nền văn minh phong kiến Trung Hoa 5.000 năm đề cao gia trưởng, thứ bậc, trọng nam, nhưng sách Ngũ kinh di nghĩa cho Táo Thần là “lão phụ” (người đàn bà). Dù truyền thuyết, sự tích nào, ở quốc gia nào, thì lửa là may mắn và không sai khác là phần báo cáo hàng năm của những vị thần trong bếp mỗi nhà. Người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, có bài vị chữ Hán, cúng thịt, cá, rượu, bánh kẹo. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam Việt hoá huyền tích “Hai ông một bà” thành Thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc, gọi chung là Táo Quân, ông Táo do kết quả thuyết Tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi).

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cách gọi “ông hóa” về ba vị, dù trong đó có 1 bà, cũng như cách gọi chung “ông đồ” (mà thực tế có cả các bà đồ) là ảnh hưởng của tinh thần nam quyền.

Ở nông thôn từ xa xưa, bếp được bắc bằng ba hòn đất (gạch), gọi là ba ông đầu rau. Ngày 23 tháng Chạp, đem 3 ông đầu rau cũ ra gốc cây đa, cây gạo, thay 3 ông mới, chỉ nổi lửa vào ngày 28 tại chỗ đầu rau mới, để cầu may. Thế “kiềng ba chân” từ ba ông đầu rau mà nên.

Chẳng phải phú quý sinh lễ nghĩa, mà quan niệm, “luật cúng” đã đúc kết nhiều đời thành tục cổ truyền. Ai chẳng muốn được báo cáo tốt, nên phải sửa soạn trang phục, phương tiện, lệ phí, cơm rượu mời các Táo, cúng bái nghiêm cẩn để Táo báo cáo Trời (Ngọc Hoàng) chuyện cả năm của nhà mình và phù trợ cho gia đình một năm may mắn. Mũ cho ông Táo có hai cánh chuồn, Táo bà không có. Tất cả đều có gương tròn nhỏ lóng lánh, dây kim tuyến sặc sỡ. Tùy năm, màu sắc, mũ, áo, hia của ông Táo ông Công thay đổi theo ngũ hành: Hành Kim - màu vàng; Hành Mộc: trắng; Hành Thủy: xanh; Hành Hoả: đỏ; Hành Thổ: đen. Năm Quý Tỵ này là Hành Thủy.

Cá chép để các thần cưỡi về trời, có nơi lại thay bằng cá chép hàng mã, cũng như lệ cúng giản lược chỉ còn mũ cánh chuồn cho Táo ông; trước Tết giờ còn mấy ai dựng cây nêu nữa?

Phú quý sinh lễ nghĩa. Nhiều người vì lệ cúng này, làm ảnh hưởng môi trường, vàng mã đốt quá nhiều, thả cá ra ao hồ thì quăng cả túi nilon gây tắc, ô nhiễm.

Táo miền Bắc cúng cá chép, ngụ ý cá hóa rồng đưa ông Táo về trời khi “phóng sinh” thả ra ao, hồ. Miền Trung, bà con cúng ngựa giấy có yên, cương đầy đủ. Miền Nam nhiều sông nước, mà có nơi cũng chẳng cúng cá. Lễ vật cúng có thể là lễ mặn (xôi, gà, chân giò luộc, canh măng, nấm), lễ chay (trầu cau, hoa quả) kèm theo vàng bạc mã để tiễn Táo công.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tết ông Công ông Táo thể hiện mối quan hệ của con người với dương trần và thiên đàng, với đất Mẹ và Thượng đế. Qua đây, ta thấy vai trò gia đình của xã hội truyền thống rất lớn. Thần Bếp - 3 ông đầu rau, biết hết mọi việc trong nhà, kể cả các bí mật, chuyện riêng tư. Mọi việc ta làm, sống thế nào ở trần gian này, Thượng đế sẽ biết hết, bởi ông Công ông Táo trong nhà ta nắm bắt và báo cáo. Điều này nhắc nhở người ta phải nhớ thuyết/luật Nhân - Quả, các giá trị đạo lý, ở hiền gặp lành. Xã hội ngày càng phát triển, những lễ tục truyền thống ngày một giản lược, mai một. May thay Tết ông Công ông Táo vẫn còn. Đấy là cách để giữ được mối gắn bó giữa con người với con người, cuộc sống quanh mình, tính chịu trách nhiệm về cử chỉ, hành động, công việc của mình. Tôi lo lắng, liệu tập quán tốt đẹp này sẽ bị mất đi không?”. Những ai làm điều xấu khi nắm rõ vai trò các ông Táo, hẳn lòng không thanh thản. Đúng như J. Simon cho rằng: “Chỉ khi nào con người có tinh thần bổn phận, thì mới làm chủ định mệnh của mình”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên và lâu năm nhất của nước Việt Nam từ ngày thành lập 2-9-1945 cho đến nay là GS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975). Ông chính là nhà dân tộc học hàng đầu của nước ta. Tên ông được đặt cho con đường thuộc quận Cầu Giấy, nơi toạ lạc Bảo tàng Dân tộc học mà con trai ông - PGS.TS Nguyễn Văn Huy (SN 1945) đã có nhiều đóng góp lớn từ ngày đầu thành lập đến khi về hưu (2008).

Bảo tàng này đã làm nên “cuộc cách mạng” khi không chỉ đóng khép với mô hình tư liệu, hiện vật, mà mở cửa sống động gần gũi. Người xem tham gia các trò chơi dân gian hay cách phong tục thể hiện theo nguyên bản cho mọi người chiêm ngưỡng, bảo tồn. Tết Nguyên đán là dịp các tập quán đẹp được thực hiện và phục dựng tại đây.

Gần 80 năm trước, năm 1934, tại Paris, chàng trai 29 tuổi Nguyễn Văn Huyên nhận bằng Tiến sĩ Dân tộc học tại Đại học Sorbonre. Trong cuốn “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” (một tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1”), dù tiêu đề là “góp phần”, nhưng GS Huyên đã viết rất kỹ, hay bằng kiến thức lịch sử và văn hóa đồ sộ.

Ông viết: “Về thực tế, việc chuẩn bị cho Tết bắt đầu ngay hôm sau ngày cúng Thần Bếp, 23 tháng Chạp. Hôm đó, Táo Quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên Trời để tấu trình tỉ mỉ với Thượng đế về cách ăn ở của mọi người trong gia đình năm qua. Thần Bếp, Táo Quân thường hay bị lẫn với Thổ Công hay Thổ Địa, là thần đất trong nhà, bản thân thần này lệ thuộc vào thần Thành hoàng, tức thần đất của làng và thần Xã tắc là vị thần vua, hiện thân của đất nước. Đôi khi, ý thức dân gian tìm cách phân biệt những thần này, nhưng sự phân biệt luôn luôn rất mơ hồ. Dù sao, khi người ta phân biệt được các thần đó, thì Thổ Công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo Quân là bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên. Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng Thổ Công được gộp trong bộ ba đó, gồm Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, theo lời dạy của các nhà nho. Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành kiềng đun bếp: hòn thứ nhất là đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà và hòn thứ ba là thần Bếp”.

Tết ông Công ông Táo như “lá cờ lệnh” phất lên khí Xuân ở tuần chót năm. Năm Nhâm Thìn lưu luyến, năm Quý Tỵ sát gần. Đúng 1 tuần nữa, là lễ trọng nhất: Lễ cúng Giao thừa, mâm cơm cúng tất niên quá đỗi thiêng liêng. Tối 30 Tết, chương trình “Gặp nhau cuối năm” do Hãng phim Truyền hình Việt Nam thực hiện luôn được chú ý đón xem. Các nghệ sĩ đóng vai Táo các lĩnh vực báo cáo Ngọc Hoàng về hiện trạng năm qua. Được ghi hình hôm 25, 26, 27-1-2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, đặc thù của chương trình Táo Quân năm nay vẫn tiếp tục chất hài hước sâu cay, dám phê phán những bất ổn trong luật pháp và đời sống.

Dù ăn Tết to hay nhỏ, giản đơn hay linh đình, Tết nhà nào cũng nổi lửa. Đun điện, gạch, than, củi, bếp nào cũng có năng lượng, lửa ấm. Có lửa, là ông Công ông Táo lại thấy chúng ta. Hãy sống tốt, sống thiện, chăm chỉ mỗi ngày, để cuối năm thanh thản, ăn Tết an vui và đón năm mới nhiều hy vọng.

Theo Vi Thùy Linh

An Ninh Thủ đô

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›