MC Lê Anh - SSEAYP 2008 chuyến đi cuộc đời

Thứ Sáu, 15/05/2009 21:29 GMT+7

Google News
Cuối năm 2008, hơn 20 thanh niên đại diện cho lãnh đạo thanh niên Việt Nam tham dự chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP 2008. MC Lê Anh dù không còn trẻ vẫn may mắn được tham dự chương trình này.
 
Cuộc hành trình kéo dài 2 tháng trên con tàu NIPPON – MARU với sự tham gia của hơn 300 thanh niên ưu tú của 10 nước Nhật Bản và Đông Nam Á, cập cảng các nước Nhật Bản, Brunei, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam với rất nhiếu các hoạt động giao lưu văn hóa và khám phá du lịch.

MC Lê Anh (trái) cùng bạn bè quốc tế
* Có vẻ như anh không còn “trẻ” để tham gia chương trình này?

Trước chuyến đi, kỳ thực, tôi lớn tuổi nhất trong đoàn Việt Nam và đảm nhận luôn chức “lãnh đạo”. Trong chuyến đi tôi nằm trong top 10 PY (paticipant youth) “già” nhất của tàu, ấy vậy mà điều đó chỉ được phát hiện ra ở hai ngày cuối cùng trên tàu, khi chúng tôi tổ chức một quiz show để ghi nhớ lẫn nhau. Hãy hình dung, trên tàu chỉ có “you” and “me”, Lê Anh thì hay cười, lại nhỏ người nên hay nhận được câu hỏi “Bạn là sinh viên năm thứ mấy?” Tôi trả lời “Tôi là sinh viên năm thứ 3 … 10 năm trước đây!”

Sau chuyến đi tôi đã chứng kiến những bạn tuổi rất trẻ nhưng suy nghĩ và hành động không trẻ, nên tự tin mà thấy mình còn thích hợp để tham gia chương trình này ít nhất là 5 năm nữa với tư cách PY!

* Trong chương trình, vai trò của anh là đại diện một MC, một giáo viên du lịch? “Sứ giả”Việt Nam đã làm những gì ở đó?

Không, đơn giản, là tôi, một thanh niên trẻ và đại diện cho đất nước, con người Việt Nam với khẩu hiệu “An open-minded Vietnam”. Chương trình có tính đối ngoại, giao lưu tổng hợp về nhiều mặt nên mỗi cá nhân là một “sứ giả” độc lập của giới trẻ và văn hoá Việt Nam. Chúng tôi thực hiện triển lãm, làm từ thiện, biểu diễn nghệ thuật để giới thiệu về văn hóa của đất nước mình, tham gia home - stay ở các nước đi qua… Ngoài ra tham gia vào rất nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ khác khi ở trên con tàu 5 sao của Nhật Bản.

* Những nét văn hóa thú vị nào ở nước bạn mà anh ấn tượng nhất? Giao lưu văn hóa và “cú sốc văn hóa” hẳn có nhiều kỷ niệm?

Tính cộng đồng và men “lửa” trong các vũ điệu và màn đánh trống của thanh niên Nhật làm tôi ngây ngất.Những chiếc khăn trùm đầu, che mặt của các thiếu nữ Hồi giáo (chiếm tới ½ số lượng tham gia hành trình) và đôi mắt sâu thẳm chiều thời gian của họ làm tôi không quên.500 người lần đầu tiên cùng hòa tấu một bản nhạc quốc tế bằng 500 nhạc cụ dân tộc của Indonesia sau 5 phút học, dù bạn không biết một nốt nhạc, kỷ lục ấy làm tôi thay đổi suy nghĩ về âm nhạc bình dân.Món ăn “khủng khiếp” mà các bạn Philippines tự hào giới thiệu bacolod thực ra là món “trứng vịt lộn luộc”, chỉ khác nhau cách ăn mà thôi. Tôi ăn một lúc 3 quả trước sự ngỡ ngàng của gia đình nuôi người Philippines. Họ đã nói một câu với tôi “You are a truly Pilipino” (Bạn chính gốc là một người Philippines). Gia đình nuôi của tôi ở Indonesia thực hiện bữa ăn hoàn toàn theo phương thức “ăn bốc”, kể cả các món soup! Tôi đã “nghẹn ngào” không tin vào mắt mình dù đã từng nghe nói nhiều, cảm giác khó tả trong khoảng 5 phút và rồi cũng “bốc” như ai!


MC Lê Anh (phải)
* Anh ngưỡng mộ điều gì ở sinh viên quốc tế?

Thanh niên (phần đông là sinh viên) đều là người Nhật Bản và Đông Nam Á. Tôi ngưỡng mộ họ “thân thiện, tự tin, hiểu biết, hết mình”. Các bạn ấy đã dần dần làm tôi thấu hiểu câu phương châm “Think globally, act locally”

* Một chuyến du lịch giao lưu văn hóa. Nó khác gì so với các chuyến du lịch thông thường?

Phải nói là một chuyến “du lịch” đặc biệt, chuyến đi của cuộc đời tôi. 300 thanh niên ưu tú được lựa chọn từ 10 quốc gia, chương trình được cả một bộ máy các cơ quan chính phủ và cơ quan chuyên môn tham gia tổ chức. Hành trình này, sự kiện này là một dự án lớn đã có lịch sử 35 năm, với lượng kinh phí tài trợ khổng lồ, cùng với công nghệ tổ chức của Nhật Bản rất chuyên nghiệp, hiệu quả và thực sự có ý nghĩa. Điểm khác biệt lớn, 300 thanh niên ưu tú với 300 trí tuệ, tâm hồn, văn hóa, hiểu biết và tài năng cũng đã là một cơ hội khám phá, giao lưu, hòa nhập tuyệt vời, chưa kể đến những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn về đất nước, con người ở những quốc gia chúng tôi đã đi qua.

* Khám phá của riêng anh về đất nước, con người những nơi anh đến?

Tôi sững sờ trước một Brunei quá bình yên và nhỏ bé với những người dân to béo và dễ mến cũng như một bộ phận người dân quá nghèo khi mà cung điện của đức vua thì quá hoàn tráng, một Nhật bản và Đông Nam Á ít ăn thịt lợn (so với người Việt Nam) cũng làm tôi sụt mất mấy cân vì ăn uống không quen, mặc thử những trang phục truyền thống cầu kỳ của tất cả các nước là một cảm giác rất đặc biệt, cũng khiến tôi học thêm về tính kiên nhẫn,... (cười)

Nói chung, một Đông Nam Á và Nhật Bản vô cùng đa dạng nhưng nhiều sự tương đồng, như thể chúng ta là một trong quá khứ! Nói không hề khách khí, chúng tôi luôn miệng câu hát “we are unity!” một cách thấm thía.


MC Lê Anh và Diễm Quỳnh cùng bạn bè trên tàu thanh niên Đông Nam Á
* Là một người luôn tư duy về bản thân, anh thấy mình, người Việt Nam mình là ai trong hành trình vừa qua?

Người Việt Nam thừa thân thiện và duy tình, dễ thích nghi và hơi lỏng lẻo về mặt mục tiêu. Còn về mặt quan hệ chan hòa quá có khi thiếu tập trung. Mình học cách nâng niu cái vốn dân tộc và các khả năng cá nhân để không hòa tan trong hơn 300 con người sáng láng và ưu tú. Sướng nhất là không có cảm giác về tuổi tác, tât cả dường như cùng một lứa, tôi thấy mình còn nhiều năng lượng khác cần khám phá.

* Mỗi cuộc hành trình đều mang đến cho chúng ta sự xê dịch hay “chuyển động” nào đó về tư duy, nhận thức?

Tôi có những nhìn nhận thực tiễn hơn về những “thế giới” ít điều kiện tiếp xúc như cộng đồng Hồi giáo, những đất nước “quân chủ” như Brunei, Nhật bản, Thái Lan..., thêm một lần thán phục cách thức tổ chức xã hội và ý chí, tính kỷ luật của người Nhật, ngưỡng mộ sự khoáng đạt và thân thiện của người Philipines, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngôn ngữ trong giao lưu quốc tế, hội nhập và phát triển đất nước. Trong khu vực của chúng ta Singapore, Philipines, Brunei đã và đang biến tiếng Anh thành ngôn ngữ số một, trong khi không mất đi bản ngữ, và họ rất thành công. Chỉ với 2 tháng trải nghiệm và mở rộng nhãn quan, suy nghĩ, nhận thức của tôi đã có nhiều sự củng cố và thay đổi, tư duy chín chắn hơn về bản thân và đất nước mình quê hương mình trong thời buổi hiện nay, và dần khám phá khái niệm “công dân toàn cầu”!

* Như một cuộc hành trình, sẽ có nhổ neo và điểm đến. Với riêng anh, cái đích của cuộc hành trình này là gì và anh đã đến được?

Những vùng đất, những con người mới, lạ rồi cũng thành thân quen. Cái đích của hành trình vừa rồi, với riêng tôi, là thêm một lần nhận thức sâu sắc hơn về bản thân và quê hương mình, Việt Nam! Tôi cảm thấy tự hào vì đã được góp phần nhỏ bé đưa hình ảnh, văn hóa của đất nước mình định vị trong dòng chảy chung của quốc tế.

* Xin cảm ơn anh!

Theo Star Travel

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›