'Mùa' kịch thiếu nhi

Thứ Năm, 09/06/2022 07:26 GMT+7

Google News

Chúng ta hay nói vui với nhau, rằng ngày đầu tiên của tháng Sáu là Tết thiếu nhi, do vậy, nghiễm nhiên cả tháng Sáu cũng là tháng của thiếu nhi. Vui mà cũng là thật. Bởi trong tháng đầu tiên được nghỉ Hè, các em luôn được ưu tiên trở thành đối tượng thụ hưởng số một để mọi hoạt động giải trí hướng về.

Thiếu nhi Thủ đô hào hứng với vở nhạc kịch 'ông lão đánh cá và con cá mập'

Thiếu nhi Thủ đô hào hứng với vở nhạc kịch 'ông lão đánh cá và con cá mập'

Vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" được thực hiện dành riêng cho em thiếu nhi với nhiều thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống đã ra mắt lần đầu tiên trong hai đêm diễn 1-2/6 tại Rạp hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.

Phim có, ca nhạc có, sách có. Và tất nhiên, cũng không thể thiếu sân khấu - khi bất chấp cảnh èo uột thường niên, gần như mọi Nhà hát có tiếng trong dịp này vẫn đều đưa ra những chương trình dành cho thiếu nhi.

Chỉ riêng tại Hà Nội, tính sơ sơ, Nhà hát Tuổi Trẻ có chùm 3 vở Bầy chim thiên nga, Cuộc chiến Virus, Vaxilixa và Phù thủy độc ác; Nhà hát kịch Hà Nội có Hai viên ngọc thầnSự tích dã tràng; Liên đoàn Xiếc Việt Nam có vở kịch xiếc Chúa tể rừng xanh; Nhà hát Kịch Việt Nam có các vở diễn Ngọc rồng Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng...

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn trích đoạn nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" tại Lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2022 của báo Thể thao và Văn hoá (TTXVN)

Chưa kể, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cũng nhiệt tình vào cuộc, với “Dế Mèn” của sân khấu Lệ Ngọc, hay vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập của một nhóm nghệ sĩ tại Nhà hát Âu Cơ.

Nhưng, vẫn phải nhắc lại một băn khoăn muôn thuở: Những vở diễn ấy liệu có được duy trì trong một thời gian dài (chứ chưa nói tới việc bổ sung thêm những chương trình mới) để phục vụ các đối tượng có nhu cầu?

Chắc chắn, đó là điều không dễ - khi mà ngay cả với những vở kịch của “người lớn”, việc duy trì đều đặn lịch diễn trong các dịp cuối tuần từ 3 tháng trở lên vẫn là chuyện khó trong cảnh “chợ chiều” của sân khấu hiện nay. Bởi thế, nếu muốn cho con em mình xem nhiều, xem đủ mọi chương trình thiếu nhi, các gia đình cũng cần sắp xếp kế hoạch để “chạy show” trong dịp này.

Chú thích ảnh
Những chú cá mập của vở diễn "Ông lão đánh cá và con cá mập"

***

Người trong nghề từng phân tích: Diễn kịch cho thiếu nhi không hề... lỗ nếu so với các đối tượng khác. Bởi thông thường, một khán giả nhí vào rạp sẽ luôn kèm theo một suất của phụ huynh. Chưa kể, với bản tính của trẻ thơ, rất nhiều em sẽ muốn rủ thêm một, hai bạn thân đi cùng mình.

Khó khăn để “phủ sóng” sân khấu thiếu nhi quanh năm đến từ khía cạnh khác. Ở giai đoạn đang bị cạnh tranh quá mạnh bởi công nghệ và các loại hình giải trí hiện đại, khó có Nhà hát nào đủ điều kiện để xây dựng một kịch mục đa dạng quanh năm cho thiếu nhi, rồi trông đợi nguồn thu từ bán vé. Chưa kể, việc xây dựng những kịch bản cho thiếu nhi cũng ngày càng khó trước yêu cầu nắm bắt thị hiếu và sở thích của các em bây giờ.

Bởi thế, mọi thứ vẫn là câu chuyện con gà - quả trứng: Một số ít gia đình muốn cho con xem kịch, tìm hiểu nghệ thuật sân khấu thường xuyên nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn sự lựa chọn. Và ngược lại, các đơn vị sân khấu hiện cũng chỉ có thể cố gắng xây dựng một vài vở diễn để phục vụ các em vào dịp Hè hoặc Tết Trung thu.

Thực tế, giải pháp cho câu chuyện ấy đã từng được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhắc tới. Như lời của Chủ tịch Hội - NSND Thúy Mùi - đó phải là câu chuyện của một lộ trình dài, với việc phát động những cuộc thi sáng tác kịch bản cho thiếu nhi, tổ chức những liên hoan sân khấu thiếu nhi toàn quốc theo chu kỳ 2 hoặc 3 năm/lần - và quan trọng nhất, kêu gọi mọi thành phần xã hội cùng bảo trợ để các em dần được tiếp xúc thường xuyên với sân khấu, từ đó nuôi dưỡng một thế hệ khán giả mới.

Có nghĩa, mọi thứ cần bắt đầu từ gốc với sự kiên nhẫn, để “mùa” kịch cho thiếu nhi có thể được kéo dài trong tương lai.

Trí Uẩn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›