'Nevermind' của Nirvana đã thay đổi nền văn hóa đại chúng

Thứ Ba, 27/09/2016 18:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào quãng thời gian này cách đây 25 năm, ban nhạc Nirvana cho ra mắt album Nevermind. Chỉ với 49 phút 9 giây, họ đã làm thay đổi cả văn hóa của một thế hệ và giúp nhiều ban nhạc khác tự tin rằng chẳng cần tới những thiết bị đắt đỏ để vươn tới thành công.

Ban đầu, Kurt Cobain định đặt cho album là Sheep (dịch nghĩa: con cừu) để trêu những người có ý định mua nó. Về sau, vì quá mệt với việc nghĩ tên chính thức, Nirvana quyết định gọi nó là Nevermind (ngụ ý là “Đừng bận tâm”).

Thế giới trước và sau “Nevermind”

Có những lan truyền khác lạ trong giới học đường Anh năm 1991. Đó là vào đầu tháng 9 và về những “cuộc chiến” trong âm nhạc. Một số người huyên thuyên về “tiếng sấm” của AC/DC trong đêm nhạc ở trường đua Donington, số khác lại miên man kể về màn pháo hoa đầy khoa trương của Guns ‘n’ Roses tại sân vận động Wembley.

Nhưng những ai tham dự nhạc hội Reading năm đó thì không màng tới hai tên tuổi lừng lẫy kia. Thay vào đó, họ thao thao bất tuyệt, với nhiệt thành trào dâng về một ban nhạc nhỏ tới từ Seattle phía bên kia đại dương. Một ban nhạc mang theo những viên ngọc quý, tung ra trong từng câu chữ. Ban nhạc đó tên là Nirvana. Và chỉ vài tuần sau, ba chàng trai trẻ từ Mỹ này phát hành một trong những album có ảnh hưởng và bán chạy bậc nhất thế giới.


Nirvana không chỉ gây ảnh hưởng lớn lên âm nhạc mà còn tới cả phong cách thời trang của giới trẻ

Album Nevermind nhấn chìm các cửa hàng đĩa ở Anh trong suốt 1/4 thế kỷ qua. Với hơn 30 triệu đĩa bán ra trên thế giới, ảnh hưởng của nó vô cùng đa dạng và chóng mặt. Nó nâng dòng grunge lên một tầm cao mới và làm thay đổi nền văn hóa.

Về mặt âm nhạc, nó tạo nên cuộc cách mạng DIY (Do It Yourself), nơi các nghệ sĩ tự quyết định sản phẩm của mình mà không cần đến các chuyên gia. Về văn hóa, nó xóa nhòa ranh giới giữa underground và mainstream, đánh dấu chấm hết cho thời đại baby-boomer (ý chỉ những người sinh sau Thế chiến II). Về mặt thẩm mỹ, nó tạo ra dòng thời trang “grunge” phóng khoáng, thoải mái, thậm chí đôi chút luộm thuộm, bụi bẩn; giống như trang phục Nirvana thường mặc.

Và riêng thủ lĩnh Kurt Cobain, anh trở thành “người phát ngôn của cả một thế hệ”, vẫn được tôn thờ tới tận ngày nay, dù đã 22 năm kể từ khi anh tự kết liễu đời mình. Với nhiều người, thế giới chia thành trước Nevermind và sau Nevermind.

Trước Nevermind, có một bức màn sắt ngăn giữa những hãng thu âm lớn với những hãng độc lập nhỏ lẻ. Phil Collins, Michael Bolton hay Bryan Adams, Guns ‘n’ Roses được các nhà sản xuất đánh bóng sáng trưng. Trong khi đó, cùng năm 1991, Massive Attack, Primal Scream hay Teenage Fanclub, My Bloody Valentine cho ra những album đột phá nhưng chỉ được những người “dưới lòng đất” lầm rầm nói tới.

Thế rồi bỗng nhiên, cuối năm 1991, đường phố ngập tràn các cô cậu mặc quần jean rách, áo sơ mi ca-rô, bụi bặm, xuề xòa, như từ “dưới lòng đất” đi lên.

Chính Cobain, Kris Novoselic và Dave Grohl của Nirvana đã tạo nên sự thay đổi này.


Với nhiều người, có hai thế giới trước và sau album “Nevermind”

Người phát ngôn của cả một thế hệ

Cobain và tay bass Novoselic, bạn chơi từ thời ở Aberdeen, Washington, đã lập nên Nirvana năm 1987. Tay trống Grohl gia nhập sau vào năm 1990.

Với album đầu Bleach, ban nhạc lập tức trở thành cái tên đáng chú ý tại Seattle, nhưng họ khao khát nhiều hơn thế. Cobain quá mệt mỏi với cách làm việc của hãng thu âm Sub Pop và muốn chuyển qua hãng khác để giải phóng bản thân.

Bộ ba khi đó đều mới ngoài đôi mươi, bước vào phòng thu Sound City ở Van Nuys, Los Angeles vào tháng 5/1991. Tất cả 12 ca khúc trong album Nevermind đều được ghi âm trong một tuần. Đến tháng 6 thì bắt đầu quá trình hòa âm phối khí. Ngân sách chỉ vẻn vẹn 65.000 USD. Album mang những đặc trưng của grunge: tiếng guitar lạo xạo, giọng hát lớn và giai điệu dễ nhớ. Ban nhạc cũng đùa giỡn, xen vào giữa những đoạn guitar trầm lắng là những khúc ồn ào bất ngờ.

Hãng đĩa DGC không kỳ vọng nhiều nên chỉ để 46.521 bản ở Mỹ và chuyển 35.000 bản tới Anh. Thế mà tới tháng 12, hơn 2 tháng sau khi phát hành, riêng ở Mỹ, Nevermind đã bán được 1 triệu bản. Dòng underground bỗng vọt lên mặt đất, thay thế cho dòng mainstream.

Các album với chi phí sản xuất tốn kém như của Phil Collins hay Dire Straits không còn giữ vị trí tối cao nữa. Hai album Use Your Illusion của Guns ‘n’ Roses phát hành cùng thời điểm đó, có chi phí sản xuất nhiều triệu USD, được quảng bá rầm rộ, ban đầu bán tốt nhưng sau đó dần tụt lùi nhanh chóng.

Nevermind của Nirvana đã thay đổi cả nền công nghiệp âm nhạc khi đó. Nó cho các ban nhạc nhỏ niềm tin rằng họ không cần mất quá nhiều tiền để có được sản phẩm được công chúng đón nhận. Và trên hết, hãy giải phóng bản thân khỏi những khuôn phép sáo rỗng trong âm nhạc.

Nevermind đứng trong top 100 UK suốt 302 tuần. Năm 2011, sau 20 năm phát hành, nó quay lại đứng thứ 5 trên BXH. Thống kê mới đây của Spotify cho thấy đây là album được nghe nhiều thứ ba trên mạng. Năm 2014, tạp chí Vogue ngợi ca Cobain là “một trong những biểu tượng thời trang có ảnh hưởng nhất thời đại của chúng ta”, bên cạnh Audrey Hepburn và Catherine Deneuve.

Thanh niên ngày nay vẫn say sưa nghe Nevermind và si mê chiếc áo tuềnh toàng in hình mặt cười màu vàng của Nirvana. Và cứ mỗi độ tháng 4 về, người hâm mộ trên toàn thế giới lại hướng về Seattle để tưởng nhớ Kurt Cobain, chàng trai có đôi mắt buồn và chơi guitar bằng tay trái.

Thư Vĩ (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›