(Thethaovanhoa.vn) - Như cách nói của người trong nghề, năm 2019, Ngày thơ Việt Nam bước vào tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” và chạm mốc trưởng thành. Bởi thế, một câu hỏi khiến họ ưu tư: Sự kiện này có cần được tổ chức theo cách hoàn thiện hơn để nâng giá trị?
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ghi nhận ý kiến các nhà thơ Văn Lê (TP.HCM), Lê Anh Hoài (Hà Nội), Nguyễn Phong Việt (TP.HCM) - những tác giả đã và đang tham gia trực tiếp vào các Ngày thơ Việt Nam.
Nhà thơ Văn Lê: Nên có thêm hình thức trình diễn
Việc đọc thơ, ngâm thơ, phổ thơ hát… là những hình thức khá cơ bản của việc trình diễn thơ. Ta cần thêm các hình thức trình diễn mới. Dân ca, quan họ, cải lương, tuồng, chèo… đều có sẵn những làn điệu, những bài bản phù hợp với việc hát thơ, tại sao chúng ta không kết hợp thêm để công chúng dễ tiếp cận thơ hơn nữa? Nếu bài thơ hay mà tác giả đọc không hay, hoặc đọc nhàm chán, thì công chúng bình thường khó tiếp cận, khó thấy hứng thú. Sự kết hợp này nên đi kèm với việc bài trí sân khấu, múa minh họa, sắp đặt… bởi nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp sẽ dễ làm chủ sân khấu hơn là nhà thơ.
Đặc biệt, tôi thấy một hình thức rất phù hợp với thơ là hát văn - chầu văn, chỉ cần nhà thơ đưa bài thơ, nhất là lục bát, rồi nói ý tưởng của mình, những nghệ sĩ hát văn sẽ thể hiện được ngay. Còn nếu muốn mới hơn nữa, thì rap, hip-hop, nhạc DJ… cũng có thể “chơi” với thơ, đặc biệt là thơ tự do. Có thể được có thể không, nhưng ta phải thử mới biết.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Hãy hỏi độc giả
Sau nhiều năm, độc giả chắc chắc đã có những sự thay đổi nhất định về cách tiếp cận hoặc thưởng ngoạn Ngày thơ. Vì vậy, trước khi tổ chức, ta nên có khảo sát từ phía độc giả, từ đó có thêm ý tưởng để Ngày thơ trở nên độc đáo, thú vị và hấp dẫn nhất có thể. Việc khảo sát này có thể dùng mạng xã hội là phương thức tốt nhất.
Còn lại, những hoạt động thế này mang tính thường niên, mỗi năm diễn ra một theo kiểu đến hẹn lại lên. Tôi vẫn nghĩ nó chỉ mang tính giữ nhịp cho một ngày hội hơn là phát triển. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, độc giả yêu thơ vẫn là một đối tượng rất ít. Để đòi hỏi kiểu rộn ràng đông đúc như những ngày hội về âm nhạc, điện ảnh hoặc thậm chí là hội sách thì thật sự là bất khả thi.
Có thực tế đôi khi cũng phải chấp nhận: Chúng ta rất muốn thay đổi để mọi thứ tốt lên - nhưng khả năng thì có thể có, còn điều kiện và kinh phí tổ chức thì lại không cho phép. Vậy, trước mắt, hãy bằng lòng và xem đó là một ngày vui để những người viết thơ có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhau.
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Cần nhìn thẳng vào các hạn chế
Khi ra đời, Ngày thơ trong những năm đầu tiên, nó rất thu hút công chúng. Về bản chất, người Việt ta rất trọng thơ. Nhiều lãnh đạo thích dùng thơ để đưa ra các thông điệp của mình - trong khi người dân, kể cả người được coi là ít học, cũng thích nói vần, thích nghe thơ, đặc biệt là thể thơ lục bát.
Nhưng qua nhiều lần tổ chức ngày thơ, chính cái tính bình dân này khi bị lạm dụng lại khiến ngày thơ trở nên nhàm chán, yếu về chuyên môn. Thơ ở hội thơ chủ yếu là thứ thơ khá dễ dãi, kể lể, được lồng ghép vào các thể loại diễn xướng. Nghe thì du dương, nhìn thì vui mắt, nhưng sau những ồn ào và sặc sỡ ấy, hầu như không đọng lại nhiều.
Hoặc, một tiết mục trong Ngày thơ được sử dụng liên tục qua các năm: Thả thơ. Thơ được thả mặc định rằng đó là thơ có giá trị. Nhưng việc lựa chọn thơ để thả đã bộc lộ tư duy và thị hiếu cũ mòn. Có biểu hiện “thân hữu” hoặc “vị” cái này cái nọ (mà phi nghệ thuật).
Sân thơ trẻ được kỳ vọng sẽ là nơi các nhà thơ cách tân trong hình thức, mới lạ trong tư duy được hội tụ. Nhưng việc này chỉ le lói trong một số dịp, như ngày thơ đầu năm 2010, có dành cho một số nhà thơ làm tác phẩm sắp đặt. Nhưng những cách tân như vậy nhanh chóng bị loại vào những dịp tương tự. Dường như ban tổ chức muốn an toàn.
Điểm qua vài hạn chế như thế, cũng là để trả lời câu hỏi làm sao để Ngày thơ sâu hơn về chuyên môn? Nếu giải quyết được những vấn đề trên, Ngày thơ của chúng ta không chỉ hấp dẫn hơn về nghệ thuật mà còn có thể trở thành một liên hoan thơ có tầm vóc trong khu vực và quốc tế.
Như Hà (thực hiện)
Tags