Ba lần biếng… sống
* Mới theo nghề đã trở thành đào chánh, chưa đầy 5 năm đã gặt hái được tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, được gọi bằng mỹ danh “cải lương chi bảo”, được săn đón, chèo kéo với cát sê cao ngất - hiếm người được đời ưu ái như chị…?
- Trong đời tôi, bất hạnh lớn nhất là mất mẹ sớm, từ năm mới 8 tuổi. Nhưng đấy cũng là đại hạnh vì nhờ sự bất hạnh đó mà tôi nhận ra cuộc đời là phù du, mới có đó rồi sẽ mất đó, không có gì là bất biến, là tồn tại vĩnh viễn cả. Vì thế tôi tiếp nhận những thành công, những vinh quang, những lời tán tụng, khen ngợi với sự tỉnh táo, với tâm lý bình thản, cân bằng. Ngày trước, trong đoàn hát, đào kép chánh ít khi chơi với vệ sĩ, vũ nữ (diễn viên quần chúng) nhưng tôi lại chơi thân và học hỏi được nhiều điều từ những nhân vật âm thầm, lặng lẽ ấy…
* Có nghĩa chị không gặp khó khăn khi đối mặt với áp lực của một người đứng trên đỉnh vinh quang?
- Khi nổi tiếng thì cả cuộc đời phải sống với áp lực, phải sẵn sàng chịu mọi tai bay họa gởi thôi, đó là quy luật. Có cái này thì phải mất cái kia. Bạn nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ, kiếm được nhiều tiền… thì ngược lại bạn cũng có thể đánh mất những điều quý giá như cuộc sống bình thường, thời gian bên gia đình, bạn bè, những niềm vui riêng… Tôi hiểu ra điều này là nhờ triết học Phật giáo: không có gì là toàn bích, thiện - ác phải song song tồn tại. Tuy nhiên đó là chuyện về sau chứ hồi trẻ tránh sau khỏi khủng hoảng. Tôi rất thông cảm với làn sóng tự tử của những diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay vì tôi đã từng trải qua, trong 10 năm đầu của sự nghiệp tôi đã tự tử đến ba lần.
* Ba lần tự tử? Tại sao?
- Lúc đó tôi cảm giác mình như cái hỏa tiễn vậy, phóng nhanh quá mà bệ phóng không chắc thì vừa bay lên là bệ nổ tan tành, không có chỗ về nữa. Mặc dù đã làm việc như một cái máy 24/24 nhưng khi bạn quá nổi tiếng thì xã hội lại đòi hỏi ở bạn tới những 48 tiếng và bạn như bị đốt cháy trong cái khoảng thời gian ảo đó. Chỉ có công việc, không có bạn bè. Và thế là không nghĩ ngợi gì sâu xa hết, tôi thấy thế giới này mệt quá, mình làm biếng quá nên muốn nằm xuống và ngủ thôi. Mà trời run rủi sao cả ba lần tôi tìm đến cái chết thì bạn bè đều phát hiện được mà cứu sống. Nghĩ lại thấy mình quá may mắn và thực sự biết ơn họ.
* Vậy lý do gì khiến chị quyết định không chết nữa?
- Ba lần tự tử mà không chết tôi thấy chắc số mình chưa chết được thì phải nghĩ cách sống thôi, mình không tính được thì thôi để ông trời tính vậy. Người nổi tiếng như người lướt ván, phải có kỹ thuật thăng bằng để có thể lướt trên ngọn sóng, xuyên vào lòng con sóng, nếu không biết cách giữ thăng bằng tất phải té, bị hất khỏi ván thôi. Và tôi cũng phải học cách giữ thăng bằng khi đứng trên ván.
Chuyện về những người đàn ông
* Đến tận hôm nay, những khán giả mộ điệu cải lương vẫn dành nhiều tình cảm cho cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Giữa anh chị có chuyện “tuồng giả tình thật” không?
- Ngày đó, những vở tuồng tôi hát với anh Hùng Cường tạo hiệu ứng khán giả rất tốt, khán giả đến lớp lớp như … sóng thần vậy nên báo giới mới gọi là cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Hùng Cường là một người cực kỳ giỏi. Trước khi đến với cải lương anh ấy là ngôi sao tân nhạc, là tài tử điện ảnh. Khi hát cùng anh thì tôi cũng được cả khán giả của anh biết đến và yêu thích, và anh cũng là cơ sở để tôi bước qua điện ảnh. Đó là một con người tài hoa, có tri thức, đam mê nghề, hết sức nghiêm túc. Với một người như vậy, lại làm việc chung thì không cớ gì lại không đem lòng yêu mến được. Nhưng con người tôi lạ lắm. Tôi nhớ có lần nói với anh ấy: “Em rất thương anh, quý anh. Mọi khán giả yêu anh, muốn được gần gũi anh, muốn được anh yêu. Em lại được anh yêu trong nghệ thuật, em muốn mãi giữ những cảm xúc đẹp, thanh khiết này trong tuồng để dâng hiến cho khán giả”. Phải đấu tranh nội tâm và kiềm chế dữ lắm chứ. Rất may là không có chuyện gì xảy ra nếu không chưa chắc cảm xúc và hình ảnh của chúng tôi trong nhau lại đẹp như thế.
* Chị không tự tin về mình sao?
- Anh Hùng Cường rất thương tôi và cũng hỏi không hiểu sao tôi lại cứng rắn như thế, nhiều lần chúng tôi “choảng” nhau mà. Tôi cười nói: “Bồ ông toàn người đẹp mà có ai ông yêu quá sáu tháng đâu. Tui đã không yêu thì thôi, chứ dính rồi thì tôi yêu hết mình. Tui mà yêu ông thiệt rồi lỡ bị ông bỏ chắc chết quá” (cười). Cái duyên của tôi không gắn với người trong nghề mà lại xuất hiện ở bên ngoài.
* Chẳng hạn như trên sân cỏ, cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong một bài báo đã tiết lộ như bị “sét đánh” khi lần đầu nhìn thấy chị...
- Anh ấy chưa bao giờ nói với tôi vụ này cả (cười). Lần đầu gặp tôi chưa biết nhiều về anh ấy, chỉ nghe người trong đoàn nói đấy là một cầu thủ rất lừng lẫy thôi. Ấn tượng ban đầu của tôi đấy là một con người lịch lãm, tài hoa và rất lành. Đến hôm nay vẫn vậy dù xuất hiện ở đâu, ở vị trí nào anh ấy cũng được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ. Thời gian đó, cũng không thiếu những đại gia, những người quyền quý theo đuổi nhưng ở cái tuổi ngồi cửa sổ thấy mình thay đổi được cả thế giới, tôi có những suy nghĩ rất khác: nếu lập gia đình thì tôi sẽ chọn một người tốt, đàng hoàng, không cần nhiều tiền, cả hai sẽ cùng gầy dựng. Nghề đào hát của mình dữ dội, bấp bênh quá, sáng nay ngủ dậy thấy bài báo đẩy mình lên tận mây xanh, vài bữa sau đã đạp mình xuống địa ngục, một nghề chứa quá nhiều sự bất ổn, cuộc sống không bình thường, tôi cần một người bạn đời bình thường “đầu đội trời, chân đụng đất”. Sau lần gặp gỡ với Tam Lang, tôi nghĩ nhiều về anh ấy và khi anh ấy cầu hôn thì tôi nhận lời ngay. Đó thực sự là một đám cưới đẹp trong mắt mọi người.
* Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại không ổn định như chị nghĩ?
- Tôi chỉ thấy đời sống của anh ấy ổn định hơn mình thôi và đấy cũng là sai lầm. Cuộc sống và nghề nghiệp của hai chúng tôi quá khác biệt. 4, 5 giờ sáng anh ấy đã đi tập, rồi về trại, những trận đấu lớn thì phải cắm trại. Mình sáng đi tập tuồng, chiều đi thu đĩa, tối đi hát, khuya vẫn còn đóng phim. Nhiều khi về chỉ nhìn nhau rồi lại đi tiếp. Mình đi lưu diễn ngoài Trung thì chồng đá trong Sài Gòn, mình về Sài Gòn hát thì chồng đi nước ngoài đá. Vợ chồng mà hai đứa cứ như đầu sông, cuối sông vậy, dù có yêu thương nhau thì cũng khó mà chịu đựng mãi tình trạng này. Hơn nữa, bác sĩ nói tôi không thể có con. Tam Lang lại là người con rất có hiếu. Sau 3 năm, chúng tôi chia tay xem như cũng tạo cơ hội cho cả hai. Anh ấy có thể có một gia đình bình thường, một người vợ hiền hết lòng với chồng mà có thể phát triển sự nghiệp hơn nữa.
Chuyện của chúng tôi diễn ra rất lặng lẽ nên đến hôm nay nhiều người gặp tôi còn hỏi Tam Lang khỏe không mà (cười). Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ.
* Cuối cùng chị cũng đã tìm được hạnh phúc?
- Tôi đến với người chồng sau như một sự tình cờ, có thể xem như chuyện đại gia với ngôi sao vậy. Với người bạn này, tôi có lòng biết ơn và tin cậy vì nhờ anh ấy mà tôi đi trọn được con đường học vấn. Anh ấy là một tấm gương, là động lực củng cố quyết tâm học tập của tôi. Sống với một người chồng tri thức đầy quá (anh ấy có 2 bằng tiến sĩ), nếu mình thiếu thì cũng vừa thôi... Và bất ngờ hơn nữa là cuộc hôn nhân này đã cho tôi một đứa con. Con trai tôi hiện đang làm việc cho một công ty lớn của Mỹ. Cháu sưu tầm những trích đoạn cải lương xưa thành băng để nghe trong xe, bạn bè hỏi thì cháu trả lời là “kinh của Việt Nam”.
* Chị hài lòng với những gì mình đã đạt được?
- Tôi hài lòng là đối với cải lương tôi vẫn là một người cần mẫn. Cuộc sống này giống như tuồng hát vậy, lên sân khấu tập cả tháng trời, mở màn ra hát là xong, cũ mèm rồi, nếu đem nó theo nữa thì còn gì là mới, tập tuồng khác thôi. Quan điểm của tôi sống và làm việc mới tồn tại. Bản thân mình không là gì cả cái quan trọng là công việc, sự làm việc của mình kìa.