“Chúng tôi muốn nghệ sĩ và khán giả đến buổi hòa nhạc để được là chính mình, không cần để ý hay phụ thuộc bất kỳ quy tắc không cần thiết nào mà xã hội hoặc các định kiến đưa ra” - nghệ sĩ piano Lương Tố Như bày tỏ.
Hòa nhạc Như những người bạn - Sống cùng âm nhạc sẽ trở lại vào lúc 20h ngày 27/6 tại Nhà hát TP.HCM, với chủ đề Encounter - Cuộc chạm trán. Nghệ sĩ piano Lương Tố Như chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về chương trình này.
Sống cùng âm nhạc
* Hòa nhạc “Như những người bạn” trở lại lần 2 có điều gì đặc biệt, thưa chị?
- Buổi hòa nhạc sẽ là “cuộc chạm trán” của Lương Tố Như và Trần Gia Quang, với sự tham gia của dàn nhạc Hanoi Saigon Orchestra, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna.
Chương trình được diễn ra trong không khí gần gũi chứ không quá hàn lâm bởi mục tiêu của chúng tôi là kết nối âm nhạc và cuộc sống. Chúng tôi muốn khán giả đến buổi hòa nhạc thì được là chính mình chứ không phải trở thành ai đó, hay phụ thuộc những quy tắc (cười).
Với nhạc cổ điển, quy tắc đối với nghệ sĩ là sự tôn trọng và thành thật đối với tác giả, tác phẩm, còn quy tắc đối với khán giả là sự cởi mở và tình yêu dành cho cuộc sống.
* Chị có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của “cuộc chạm trán”?
- Trong cuộc sống luôn tồn tại những mâu thuẫn, những cuộc chạm trán bất ngờ giữa các tính cách. Và những cuộc chạm trán luôn mang đến những điều bất ngờ không đoán trước được.
Buổi biểu diễn với sự góp mặt của 2 nghệ sĩ với 2 cá tính khác nhau sẽ cho khán giả cảm nhận về sự khác biệt đa dạng trong cuộc sống. Từ đó, khán giả sẽ tự trả lời: Mâu thuẫn là sự cản trở hay là chất xúc tác để phát triển?
* Chị luôn mong tạo điều kiện cho những người trẻ được biểu diễn và phát triển nhạc cổ điển. Đó có phải lý do chị chọn Trần Gia Quang - học trò của mình - biểu diễn chung lần này?
- Chuỗi hòa nhạc chúng tôi dự kiến tổ chức 3 lần/năm, là cơ hội cho nghệ sĩ trẻ biểu diễn và đưa họ đến với công chúng. Ở Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ chưa có nhiều cơ hội biểu diễn, và chương trình hy vọng sẽ kết nối, mở rộng đối tượng khán giả, kết nối những nhà tài trợ, bảo trợ... để cùng phát triển nhạc cổ điển.
Trần Gia Quang được chọn là tình cờ. Quang là học trò của tôi. Trước khi gặp, Quang không thích tôi. Lúc đầu là bị mẹ “ép” đi gặp nhưng sau đó, em chủ động xin mẹ cho học lớp tôi. Đó cũng là mối duyên thú vị, xuất phát từ cuộc gặp gỡ đó, tôi mong muốn qua âm nhạc sẽ thấy được 2 cá tính khác nhau với cách xử lý khác nhau, cách mình chơi thế nào để hòa hợp.
Sau Trần Gia Quang, những chương trình kế tiếp sẽ là những tài năng trẻ khác.
“Tôi bị từ chối nhiều lắm”
* Theo đánh giá của chị, hiện nay khán giả đón nhận những đêm nhạc cổ điển như thế nào?
- Trước đây, mọi người ít tiếp cận nhạc cổ điển nên có sự xa vời nhất định. Nhưng hiện nay xã hội phát triển, nhạc cổ điển ngày càng gần gũi với khán giả. Ngày càng có nhiều đêm nhạc cổ điển và có nhiều bạn trẻ được gia đình ủng hộ theo đuổi âm nhạc cổ điển, đó cũng là sự phát triển tự nhiên.
Nhiệm vụ của các nghệ sĩ biểu diễn như chúng tôi là đưa nhạc cổ điển đến gần khán giả hơn, khi họ ngày càng cởi mở với nhạc cổ điển.
* Vậy chị có gặp khó khăn nào khi tổ chức những đêm hòa nhạc?
- Khó khăn cũng nhiều đấy! (Cười). Chi phí tổ chức chương trình rất lớn, cát-xê nghệ sĩ không cao nhưng tiền thuê khán phòng, đàn, di chuyển… đều rất đắt. Dự án này chúng tôi có nhà tổ chức là một công ty của hệ thống nông nghiệp sạch, họ rất yêu âm nhạc và giúp nhiều cho dự án từ thiện âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Nhờ vậy, chúng tôi có một ê-kíp tổ chức hòa nhạc chuyên nghiệp.
Việc đi tìm những nhà bảo trợ âm nhạc cổ điển còn rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và phải tin vào những điều mình làm, nếu không thì sẽ không có dự án nào tồn tại.
Giá vé đêm hòa nhạc thấp so với dòng nhạc khác nhưng việc bán vé không hề dễ. Buổi đầu tiên mình tôi diễn thì may mắn là “sold out” (hết vé), lần này thì chưa biết (cười).
- Đêm nhạc cổ điển Toyota 2019 gây quỹ 'Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam'
- Tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam toả sáng tại đấu trường quốc tế
- Nhạc cổ điển - ‘món ăn’ mới của truyền hình thực tế
* Khi lời mời hợp tác, đầu tư cho những dự án âm nhạc cổ điển bị từ chối, chị suy nghĩ gì?
- Tôi bị từ chối nhiều lắm nhưng tính tôi thuận theo tự nhiên. Tôi nghĩ việc mình bị từ chối cũng là lẽ thường, bởi khi đó đối tác chưa hiểu. Tôi thường mời họ đến nghe để họ tự cảm nhận có tiềm năng hay không, có phù hợp với định hướng phát triển doanh nghiệp của họ hay không.
Sau đó, họ quan tâm tới nhạc cổ điển bằng cách này hay cách khác, có thể không phải bằng tiền mặt, mà góp phần lan tỏa tình yêu với nhạc cổ điển, vậy cũng đáng quý rồi.
Chúng tôi không đơn thuần đi tìm nhà tài trợ dự án. Đúng nghĩa, chúng tôi kết nối và lan tỏa tình yêu với nhạc cổ điển để mọi người tiếp xúc nhiều, hiểu hơn về nhạc cổ điển. Như những người bạn là sự kết nối những người bạn đúng nghĩa.
Dù khó nhưng tôi nghĩ, khi có mục tiêu và quyết tâm thì mình cứ bình tĩnh làm từng bước. Tôi chỉ mong mọi người không còn ngần ngại gì khi tới thưởng thức nhạc cổ điển.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nghệ sĩ piano Lương Tố Như Nghệ sĩ piano Lương Tố Như (1987) sinh ra tại Hà Nội, được biết đến là hậu duệ của 2 danh nhân Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến. Sau khi nhận được học bổng toàn phần tại Royal College of Music, Vương quốc Anh, cô chuyển sang Pháp học tập, tốt nghiệp tại Nhạc viện Boulogne - Billancourt và giành giải Nhất tại một số cuộc thi quốc tế khác nhau. Ngoài các hoạt động trong các dự án biểu diễn, thu âm đa dạng trong lĩnh vực âm nhạc, Tố Như được coi là một trong những gương mặt rất tích cực trong việc tham gia xây dựng và phát triển nhạc cổ điển một cách bền vững tại Việt Nam. |
Tiểu Phong (thực hiện)
Tags