Bao năm nay, người dân Hà Nội vẫn quen thuộc với một lão nghệ sĩ nhiếp ảnh hàng ngày thong dong xung quanh hồ Hoàn Kiếm hay ngõ ngách các con phố cổ, phố cũ, đông cũng như hè, cần mẫn ghi lại những khuôn hình đẹp, giàu ý nghĩa.
Đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng, năm nay vừa tròn 90 tuổi. Ông là người được mệnh danh là cây đa, cây đề trong làng nhiếp ảnh Thủ đô và là tác giả của những bộ ảnh đắt giá về Hà Nội. Với ông, được ghi lại những khoảnh khắc về các góc cạnh đời sống xã hội ở Thủ đô, mang triết lý sâu sắc, trở thành đam mê vô tận của ông.
Dành trọn tình yêu với Hà Nội
Những ngày tháng 10, Hà Nội đang trong không khí rộn rã kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Nghệ sĩ Quang Phùng không giấu được niềm phấn chấn bởi gần một thế kỷ qua, ông đã chứng kiến biết bao thăng trầm của Thủ đô. Ông có hàng vạn bức ảnh được lưu giữ, phần lớn trong số đó ghi lại những khoảnh khắc về Hà Nội, từ thiên nhiên, con người, đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị... Tình yêu Hà Nội trong ông không lúc nào vơi và ông đã chuyển tải tình yêu đó qua những bức ảnh giàu ý nghĩa.
Với nụ cười hiền hậu, giọng nói say sưa, Nghệ sĩ Quang Phùng kể rằng, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên tình yêu Hà Nội ngấm vào ông từ thủa nhỏ. Tình yêu đó được nhen lên từ nếp nhà trên phố Hàng Gai nơi ông sinh sống, từ góc phố thân quen trong khu phố cổ, từ tiếng tàu điện leng keng, từ những buổi nô đùa cùng chúng bạn ở hồ Hoàn Kiếm... Người ta coi Hà Nội là trái tim của cả nước, còn ông lại coi Hà Nội là trái tim của chính mình. Sau này, khi công tác ở Ủy ban Quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Iraq hay ở bất cứ cơ quan nào khác, ông cũng luôn tự hào về Tổ quốc, về Hà Nội, luôn lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cầu nối tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Thời điểm đó, ông có thể chọn nơi sinh sống ở bất cứ quốc gia nào, vùng miền nào nhưng với tình cảm sâu đậm của mình, ông vẫn chọn Hà Nội làm nơi gắn bó.
Đến với nhiếp ảnh rất sớm, từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông là người may mắn ghi lại nhiều khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô trong những ngày chống thực dân Pháp, Ngày Giải phóng Thủ đô, Chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, ngày hòa bình lập lại, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước... Thời gian làm ở Ủy ban Quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam, ông Quang Phùng có nhiều điều kiện đi lại, chụp những bức ảnh quân, dân Thủ đô trong những ngày kháng chiến và cả hoạt động của những người bên kia chiến tuyến. Đặc biệt, bộ ảnh những ngày Giải phóng Thủ đô của Nghệ sĩ Quang Phùng đã ghi lại từ không khí chuẩn bị tiếp quản, khí thế tưng bừng của đoàn quân tiến về Hà Nội sáng 10/10/1954, sự phấn khởi của người dân nô nức ra đường chào đón... Những bức ảnh đó đã trở thành tư liệu quý ghi dấu một thời kỳ lịch sử hào hùng của Hà Nội.
Sau này, khi có nhiều điều kiện chụp ảnh hơn, ông thu vào ống kính của mình tất cả các góc cạnh của cuộc sống, nhất là cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội và các vấn đề bất cập diễn ra xung quanh. Nghệ sĩ Quang Phùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phản biện nhằm giúp Thủ đô thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Lấy hồ Hoàn Kiếm làm không gian sáng tác chính, trong khối tài sản ảnh của ông, đa phần được ghi lại từ khu vực này.
Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, suốt nhiều thập kỷ qua, cảnh vật, cuộc sống xung quanh hồ Hoàn Kiếm là chất liệu dồi dào mang lại nhiều cảm xúc cho nghệ sĩ. Mỗi lần chụp là một khoảnh khắc, một góc độ khác nhau mà không phải người có con mắt tinh tế và một tâm hồn rộng mở sẽ không thể nhìn thấy. Dù đó chỉ là một cành lá, một bông hoa, một trò chơi dân gian, một người bán hàng rong... nhưng ẩn chứa trong đấy là những câu chuyện sinh động, dài vô tận.
Tinh thần lao động nghệ thuật đáng ngưỡng mộ
Nghệ sĩ Quang Phùng kể rằng, từ khi nghỉ hưu (năm 1993), ông mới có thời gian dành trọn niềm đam mê với nhiếp ảnh. Với sự miệt mài, tỷ mỉ, sáng tạo, ông làm việc không biết mệt mỏi. Bao năm qua, ông đều đặn đi, đều đặn chụp, dù thời tiết thất thường, dù nhiều khi sức khỏe không được tốt. Thậm chí nhiều lúc, ông còn đội mưa, chịu ướt sũng để bắt được những khoảnh khắc đẹp của cỏ cây, hoa lá. Người ta có thể chớp lấy khoảnh khắc ở một thời điểm nào đó nhưng ông có thể chờ đợi khoảnh khắc đẹp, hoàn hảo từ mùa này sang mùa khác, từ năm nay sang năm khác.
Ví như bộ ảnh Nước và cuộc sống gồm 12 bức ảnh mới hoàn thành của ông chính là 12 bức ảnh bông hoa dâm bụt đỏ bên hồ Hoàn Kiếm còn đọng giọt nước trên đầu nhụy. Nhìn qua, người ta ngỡ một loạt ảnh thông thường nhưng ông hàm ý trong đó một vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm đó là nhu cầu nguồn nước dành cho cuộc sống. Xung quanh là các chi tiết mang hàm ý của cánh chim hòa bình, của cờ đỏ sao vàng, của khát vọng vươn lên... Để chụp được bộ ảnh độc đáo hoa dâm bụt nở rực rỡ còn đọng giọt nước trong veo trên đó, nghệ sĩ Quang Phùng phải mất tới 60 buổi chụp, kéo dài trong nhiều năm. Ông cứ kiên nhẫn chờ đợi để giọt nước được hình thành đúng như ý tưởng.
Hay bức ảnh Tấm lòng son ghi lại hình ảnh một đoạn thân cây già cỗi, ở đó vươn lên một chiếc lá rơi và một bông hoa giấy màu hồng nhưng ông cũng mất nhiều năm. Cây hoa đó mọc ngay ở đầu phố nhà ông nhưng ngày nào cứ tầm 12 giờ trưa ông mang máy ra "rình". Như ông giải thích, phải căn đúng giờ, ví dụ 12 giờ 5 phút có thể chụp được nhưng qua 12 giờ 10 phút, bóng nắng đi qua sẽ không thể chụp được. Ông phải chờ đợi chiếc lá và bông hoa rơi xuống đúng thời điểm, vị trí để chụp.
Ở bức ảnh đó, ông gửi vào thông điệp phải giữ tấm lòng son của chính mình giữa cuộc đời này. Bởi hoa giấy là loại hoa bình dị, chỗ nào cũng trồng được, xác hoa hay bị người ta dẫm lên nhưng ông coi hoa giấy hồng như tấm lòng ông. Chiếc lá là cuộc đời ông, đoạn thân cây hơi cụt như cái chân không lành của ông nhưng khi ghép lại, bông hoa giấy lại nổi bật trong bức ảnh, mang ý nghĩa nhân văn lớn.
Các câu chuyện đời thường được ông kể tỉ mỉ trong ảnh như: khách nước ngoài cùng chơi ô ăn quan, gõ trống ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; một người nông dân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên bị thu hồi đất làm dự án, không còn đất trồng trọt nên đi bán hàng rong, Tết không về nhà; niềm vui của một du học sinh khi tham quan hồ Hoàn Kiếm;... Khi chụp nhân vật cùng hoạt động của họ, ông thường trò chuyện để hiểu được chuyện đời, tâm tư của họ để chuyển tải vào bức ảnh.
- Triển lãm về những gánh hàng rong cách đây gần 100 năm
- Chiêm ngưỡng những gánh hàng rong Hà Nội của thế kỷ trước
Nghệ sĩ Quang Phùng đặc biệt quan tâm đến ảnh phản biện. Vì theo ông, đó là những bất cập mà Hà Nội cần khắc phục, việc chuyển tải những bất cập đó qua ảnh sẽ góp tiếng nói để thành phố thay đổi. Đó là những bức ảnh chụp bốt điện bị viết vẽ, phun quảng cáo nhem nhuốc; những cây cổ thụ bị mục gốc ở hồ Gươm; những hàng cây phong bị đóng cũi xấu xí quanh hồ; những cây chết khô khẳng khiu... Các bức ảnh về đề tài phòng, chống ma túy của ông đã tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn. Những bức ảnh “Hoa rơi mặt hồ” là lời cảnh báo về ô nhiễm mặt nước hồ Hoàn Kiếm được nhiều người quan tâm.
Ông còn có nhiều những bộ ảnh lớn như: Hà Nội, 36 phố phường với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; Ma túy tuổi học trò với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; Hàng rong Hà Nội với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; Nghị quyết Đảng đi vào đời sống với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm...
Ngoài nhiếp ảnh nghệ thuật - nhiếp ảnh báo chí, ông còn là dịch giả văn học, tác phẩm dịch nổi tiếng Con đường sấm sét năm 1960. Ông vinh dự được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội; Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam; Giải thưởng Văn học nghệ thuật; Giải nhất Liên hoan Ảnh Việt Nam lần thứ XVI… Đặc biệt, với những đóng góp của mình, ông được vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2022.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags