(TT&VH) - Wang Shi (50 tuổi) là một người ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) tới Italia định cư từ năm 1998 với hy vọng kiếm được tiền. Và mặc dù ông đã siêng năng làm rất nhiều công việc, như làm đậu phụ, massage trên bãi biển, “chủ trò” tại các đám cưới và là hướng dẫn viên du lịch, nhưng Wang chưa gặp may mắn cho đến khi bắt đầu hành nghề vẽ tên người. Đó là một nghệ thuật cổ đại của Trung Quốc, có nguồn gốc từ vẽ hoa, nhưng để "trang trí" những chữ ghép thành tên người.
1. Wang là một họa sĩ đường phố "ăn theo" đấu trường cổ đại Colosseum ở Roma. Ở đây có nhiều nghệ sĩ kiếm tiền bằng những công việc khác nhau, nhiều nghệ sĩ Italia thì ăn vận giống như các chiến binh La Mã để chụp ảnh cùng du khách.
Câu chuyện của ông Wang không giống như nhiều Hoa kiều khác. Wang cho biết, ông không thể trở về nhà vì nhiều lý do, một phần vì ông cảm thấy xấu hổ khi thấy mình không kiếm được nhiều tiền và không có được vị trí nhất định giống như nhiều Hoa kiều khác.
Wang là 1 trong số hàng triệu người Trung Quốc đã rời đất nước trong thời “mở cửa” vào cuối những năm 1980. Nhiều người đã tới các nước Tây Âu để tìm kiếm vận may.
Nhưng hành trình của ông Wang không phải là câu chuyện thành công của một người di cư điển hình. Nhiều người đồng hương của ông rất thành đạt. Hiện có khoảng hơn 100.000 người Trung Quốc sống ở Italia, chưa kể người nhập cư bất hợp pháp. Trong những năm 1990, nhiều người đã bắt đầu cuộc sống mới ở Italia trong các xưởng may và đồ da, nhưng họ đã nhanh chóng bứt ra làm riêng và kiếm được lợi nhuận lớn nhờ sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhiều người thậm chí còn rót tiền mặt về cho làng mình và xây dựng những ngôi nhà hiện đại để khoe gia đình ở quê nhà. Nhiều người còn đón được người thân sang Italia và giờ họ đang điều hành những quán ăn gia đình, cửa hàng cho thuê băng video và các dịch vụ nhập cư…
Song may mắn đó không đến với tất cả. Nhiều người vẫn đang chật vật với tình trạng pháp lý của mình hoặc không có đủ kỹ năng để trở thành người lao động chính. Sau nhiều lần thử sức với nhiều công việc khác nhau, ông Wang đã quyết định quay sang nghề vẽ tên người khi đây là công việc phổ biến của người Trung Quốc ở Italia.
“Cách đây 4-5 năm, ở Roma và khắp Italia có tới hàng trăm người Trung Quốc biết vẽ tên người, nhưng giờ đây có lẽ chỉ còn 5-6 người. Nhiều người làm công việc này với mục đích kiếm tiền hơn là vì nghệ thuật. Vì vậy, hầu hết đã bỏ nghề do không đủ kiếm sống” - ông Wang cho biết và tự nhận mình là một “nghệ sĩ rởm”, không phải là một nhân công rẻ mạt nhưng cũng không phải là một người nhập cư giàu có.
Cùng với những họa sĩ Trung Quốc vẽ tên khác, thu nhập của ông Wang chủ yếu dựa vào lượng du khách tới thăm đấu trường Colosseum. Nhưng không giống hầu hết họa sĩ khác, Wang, từ một người học nghề trở thành một họa sĩ vẽ tên bậc thầy trong cộng đồng người Trung Quốc ở Roma. Giờ ông có thể kiếm sống được bằng nghề này, mỗi lần vẽ tên, ông kiếm được khoảng 5-10 euro (6,6-13,2 USD).
Ngày nào ông cũng ngồi bên chiếc bàn gấp nhỏ và vẽ tên người, địa danh bằng tiếng Anh. Ông thường lấy đấu trường Colosseum làm nền và trang trí tác phẩm của mình với những yếu tố truyền thống Trung Hoa, như chim, hoa, cỏ, tre và rồng - biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng. Ông vẽ rất nhanh và khéo, nên vẽ mỗi cái tên có hình trang trí như vậy chỉ mất khoảng 5 phút.
Đấu trường Colosseum
2. Vẽ tên người có nguồn gốc từ vẽ hoa, có niên đại từ cách đây 2.000 năm, nhưng ngày nay ở Trung Quốc không còn nhiều nghệ sĩ dân gian hành nghề vẽ tên nữa.
Khi ở Liêu Ninh, ông Wang đã rất quan tâm tới truyền thống vẽ tên, nhưng phải đến khi rời quê hương và tới Italia ông mới tìm được một người có kinh nghiệm truyền nghề cho mình.
Ông Wang vẽ bằng màu nước, sử dụng nhiều cây cọ và các dụng cụ khác cắt từ đế giày. Ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm với những hoa văn và màu sắc khác nhau. “Tôi đã thực hành vẽ trên hơn 10.000 tờ giấy trước khi dám kiếm tiền bằng công việc này” - ông Wang cho biết.
Trong các bản vẽ tên, ông còn lồng ghép đấu trường Colosseum và nhiều danh thắng châu Âu khác, tùy thuộc vào ý muốn của du khách. Chẳng hạn, một khách hàng có tên là Amelie, thì ông vẽ chữ “A” giống hình tháp Eiffel ở Paris và sau đó trang trí với những biểu tượng khác.
Trước bàn ông Wang là một biển hiệu bằng tiếng Italia, khi được hỏi có bất cứ ai quan tâm tới việc học tiếng Hoa hay vẽ hoa không, ông Wang đáp: “Tôi hạnh phúc được trao đổi quan điểm, kỹ năng ngôn ngữ và mong muốn được kết bạn với mọi người”.
Việt Lâm (lược dịch)