(Thethaovanhoa.vn) - Mặt nạ giấy bồi – một trong những đồ chơi Trung Thu mang đậm nét văn hóa truyền thống được vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan gìn giữ trong suốt 40 năm qua.
Đến nay, những chiếc mặt nạ giấy bồi không chỉ là đồ chơi con trẻ, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.
* Những chiếc mặt nạ thấm đẫm hồn Việt
Sạp hàng bán mặt nạ giấy bồi của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa – Đặng Hương Lan nằm nép mình giữa những sạp hàng đồ sộ đồ chơi hiện đại trên phố Hàng Lược (Hà Nội). Nghệ nhân Đặng Hương Lan mải mê với việc sắp xếp những chiếc mặt nạ lên sạp, chào đón khách hỏi mua, còn nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa lại bận rộn với việc kéo dây điện, thắp sáng cho gian hàng, rồi chăng ô phòng trời mưa gió…
- Tự làm bánh Trung thu, làm đèn ông sao tại Hoàng thành Thăng Long
- Lễ hội trung thu lớn nhất cả nước rực rỡ với Ngày hội HABECO
- Xiếc Trung thu: Kịch tính màn biến hóa của Quán quân Ảo thuật gia siêu phàm 2018
- Bé vui Tết Trung thu
Nghệ nhân Đặng Hương Lan kể, từ khoảng hơn 1 tháng trước Tết Trung Thu, ngày nào hai vợ chồng ông bà cũng dậy từ sớm ngồi vẽ, rồi sắp xếp hàng để chuyển cho khách đến mang đi. Đến chiều, ông bà lại đẩy xe chở mặt nạ ra phố Hàng Lược ngồi bán. Những ngày cận kề Tết Trung Thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa thường được các đơn vị, tổ chức mời đi tham gia sự kiện, giới thiệu nghề làm mặt nạ giấy bồi cho lớp trẻ, một mình bà lại ngồi trên phố bán hàng.
Có tận mắt chứng kiến vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan tỉ mỉ, cẩn trọng thực hiện từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi, mới có thể hiểu được tâm huyết của vợ chồng nghệ nhân gửi gắm trong những chiếc mặt nạ giấy bồi ấy.
Đầu tiên phải chế tạo những khuôn đúc hình mặt nạ bằng xi măng. Sau đó, xé từng mảnh giấy nhỏ, dùng hồ dán bồi lên khuôn đúc có sẵn. Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận để mặt nạ căng, mịn và không bị nhăn. Sau khi bồi đủ các lớp giấy, mặt nạ được mang phơi khô dưới nắng để có độ cứng cáp.
Cuối cùng là công đoạn tô sơn. Từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ… Qua đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng nghệ nhân, những chiếc mặt nạ giấy bồi hình Ông Địa, Thị Nở, rồi hình đầu trâu, mặt ngựa, ông hổ - báo, hình thổ dân da đỏ, có cả Tôn Ngộ Không… cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động và thấm đẫm hồn Việt.
Nghệ nhân Đặng Hương Lan cho biết, hiện nay, hai vợ chồng bà có khoảng 30 khuôn mặt nạ khác nhau. Ngoài những chiếc mặt nạ truyền thống như Ông Địa, Thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ, báo… mấy năm gần đây, một số phụ huynh tìm đến đề nghị làm thêm mẫu hình người nhện, siêu nhân… Chiều lòng khách, ông Hòa lại cặm cụi chế tạo thêm những khuôn đúc hình mặt nạ hiện đại cho các cháu chơi đùa.
* Địa chỉ văn hóa của Thủ đô
Nói về lịch sử nghề làm mặt nạ giấy bồi của gia đình, nghệ nhân Đặng Hương Lan kể, bà sinh ra trong một gia đình trí thức. Cha là giáo sư dạy Sinh học, mẹ là bác sỹ. Gia đình bà vốn đông anh chị em, mỗi năm, đến dịp Trung Thu, cha thường hay tự tay làm những chiếc mặt nạ để cho các con vui chơi. Ông rất khéo tay, nên những chiếc mặt nạ ông làm ra rất đẹp.
Nhà đông con, cuộc sống eo hẹp, các cụ làm thêm mặt nạ giấy bồi bán để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Khi bà Lan lấy chồng, thấy con rể khéo tay, lại cẩn thận, cha bà đã truyền lại nghề cho vợ chồng bà Lan. Vậy là, vợ chồng ông Hòa, bà Lan vừa tham gia công tác, vừa làm thêm mặt nạ giấy bồi để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Sau này, ông bà nghỉ hẳn công việc nhà nước, chuyên tâm theo nghề, tính đến nay đã trên 40 năm. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan là những người duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội hiện nay.
Khi được hỏi, lý do gì khiến ông bà giữ nghề cho đến nay, nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ, có lẽ cũng là cái nghiệp. Lúc đầu, ông bà làm nghề chỉ để có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho các con ăn học. Nhưng rồi cùng với thời gian, các con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, ông bà vẫn gắn bó với nghề. Các con thấy bố mẹ vất vả, cứ bắt ông bà bỏ nghề để an hưởng tuổi già, nhưng ông bà không bỏ được.
Nhiều người đến gặp ông bà, nói lời cảm ơn, nhờ ông bà không ngại vất vả, mà nghề truyền thống còn giữ được cho đến ngày nay. Nhiều phụ huynh còn tìm đến gặp và cảm ơn ông bà đã giữ nghề, để con họ biết được ngày xưa bố mẹ đã từng có những đồ chơi như thế. Có bạn trẻ tìm đến tận nhà ông bà để theo học làm mặt nạ giấy bồi… “Chính tình cảm của những người yêu mến chiếc mặt nạ giấy bồi ấy, mà vợ chồng tôi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa với xã hội, để có thêm động lực và quyết tâm giữ nghề”, bà Lan chia sẻ.
Bên cạnh việc làm đồ chơi cho trẻ em trong những dịp Trung Thu, nhiều năm nay, gian nhà nhỏ của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan còn trở thành một địa chỉ văn hóa để du khách nước ngoài đến trải nghiệm. Nhiều công ty du lịch đã liên hệ với ông bà, đưa du khách đến tham quan và trải nghiệm các công đoạn làm mặt nạ giấy bồi. Hầu hết các du khách sau khi được trải nghiệm đều rất thích thú, nhiều người đến tham quan, rồi mua các loại mặt nạ về để làm quà cho người thân.
Gần 40 năm làm nghề, mong muốn lớn nhất của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa – Đặng Hương Lan là tìm được người người yêu nghề, có tâm với nghề để ông bà truyền dạy lại nghề, để có thể giữ lại một nét văn hóa truyền thống của đất Kinh kỳ cho các thế hệ mai sau.
Kỳ cuối: Phục hồi con giống đồ chơi
Phương Lan - TTXVN. Ảnh:Hanoimoi
Tags