(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Ngọc Trinh được mệnh danh là “người không có tuổi”, bởi cô trẻ lâu lạ lùng, có thể đóng rất nhiều vai nhỏ tuổi từ lúc mới hơn 20 cho tới lúc đã bước sang 45.
Từ nhân vật Bích Hồng (Ngôi nhà của chúng ta) đến Bé Ba (Xóm nhỏ Sài Gòn), Xeo (Tiếng giày đêm), Xàng (Trái tim nhảy múa), Vy (Mùi ngò gai), và sau này là Bé Ba (Đời như ý), vai nào chị cũng để lại nhiều tiếng cười lẫn nước mắt.
Nhưng có lẽ vai khó nhất chính là Bé Ba trong Đời như ý, vì Ngọc Trinh phải “làm xiếc” trên một sợi dây hết sức mỏng manh giữa khôn và dại, giữa tỉnh và mê.
Đời như ý chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, được Sân khấu Thế Giới Trẻ đầu tư sản xuất, đúng chất bi kịch truyền thống lấy bối cảnh là một vùng quê sông nước miền Tây. Tất cả từ câu chuyện cho tới cảnh trí, trang phục đều mang màu sắc xa xưa, thế nhưng lại thu hút ngay cả khán giả trẻ, khiến họ phải khóc sụt sùi. Trong đó, nhân vật Bé Ba đã trôi qua cuộc đời như trôi trên dòng sông đầy sóng gió, và cô đã bám vào một cọng lục bình cũng tả tơi không kém gì mình, để rồi cả 2 cùng dìu nhau tới bến bờ hạnh phúc.
Nhân vật Bé Ba và anh Hai Đời thể hiện được nhân nghĩa của con người phương Nam, sự hồn hậu, lạc quan, trượng nghĩa của người đồng bằng, gieo vào trái tim khán giả những dư âm tuyệt đẹp.
Bé Ba là cô bé thiểu năng bị một gã thế lực trong làng cưỡng bức, có thai, rồi bị hắn vu vạ, đánh đập. Anh Hai Đời bèn nhảy ra nhận đó là cái thai của mình để bảo vệ Bé Ba, rồi cả 2 bỏ làng tha phương cầu thực. Hai Đời bị mù từ nhỏ, ôm theo cây đàn guitar, hát vọng cổ khắp bến bãi ăn xin nuôi cô vợ hờ. Bé Ba thì khờ khạo bám theo anh, buồn vui bất chợt.
NSƯT Ngọc Trinh diễn cực kỳ giỏi một nhân vật nửa dại nửa khôn, có lúc làm người ta bực, nhưng cũng có lúc làm người ta bất ngờ vì sự khôn lanh ngoài sức tưởng tượng.
Gần nhà tôi, có một cô bé thiểu năng, cả xóm đều tức cười lẫn bực mình vì cô bé, cho nên tôi có dịp đối chiếu với Bé Ba của Ngọc Trinh, và khâm phục Ngọc Trinh đã có vốn sống lẫn tài năng khiến người xem phải tin vào nhân vật.
Khó diễn lắm, bởi Ngọc Trinh như đang làm xiếc trên sợi dây nghệ thuật, chỉ cần sơ sẩy là nhân vật trở nên rất giả. Một Bé Ba thiểu năng, nhưng chỉ khờ thôi chứ không hề khùng hoặc ngu. Và cái khôn của một người thiểu năng thì lạ lắm, khôn đến người ta phải giật mình, nhưng không hẳn là cái khôn của người bình thường. Bé Ba trộn lẫn mọi thứ vào nhau, đối đáp, ứng xử đều thú vị, lắc lư giữa 2 bờ khôn dại, tỉnh mê, khán giả có lúc cười như vỡ rạp, có lúc lại nước mắt chan hòa.
Bi kịch của Bé Ba không thể không rơi nước mắt, nhưng với tài nghệ của Ngọc Trinh thì cô lại dám chen vào những lớp diễn hài, những câu thoại hài mà không phá đi nhân vật. Bởi Ngọc Trinh có tài diễn hài rất tỉnh, không hề lạm dụng hình thể, ngôn ngữ cường điệu, diễn cứ như không diễn, chỉ cần thả thoại tỉnh bơ là đủ làm khán giả cười rần rần. Đặc biệt, ngôn ngữ của một Bé Ba thiểu năng lại càng phải cân nhắc. Vậy mà Ngọc Trinh đã “xoay” khán giả suốt mấy tiếng đồng hồ giữa khóc - cười thú vị. Thế mới gọi là “cao thủ”.
Rốt cuộc thì người ta không thể quên hình ảnh Bé Ba quần áo rách rưới, mặt mũi lem luốc, bụng bầu vượt mặt, vừa khổ vừa hồn nhiên đến dễ thương. Rồi Bé Ba và anh Hai Đời dần dần yêu nhau thật sự, nắm lấy chiếc phao tình yêu bơi qua sóng gió. Rồi Bé Ba sinh con cho Hai Đời, trở thành người mẹ trẻ con cực kỳ độc đáo.
Gương mặt Ngọc Trinh đủ hồn nhiên, lém lỉnh, trong trẻo, chân thành để nhập vai như thế. Và lớp diễn quá hay khi Bé Ba tung tăng bán vé số bên cạnh chồng và 2 đứa con, Bé Ba cũng biết chăm sóc con, nhưng lũ con ngược lại chăm sóc Bé Ba như con nít, bởi trong đầu óc người mẹ thiểu năng ấy dường như thời gian không nhích đi là bao nhiêu.
Tuy nhiên, trái tim người mẹ vẫn làm đúng thiên chức yêu thương, khiến khán giả khóc đến nghẹn ngào. Nhất là lớp cuối, khi Hai Đời biết mình bệnh nặng không qua khỏi, bèn bỏ đi để vợ con đừng chứng kiến cảnh đau lòng, thì Bé Ba chèo chiếc xuồng ra sông gọi tên anh trong sương giăng mù mịt. Tình yêu đã đánh thức Bé Ba vào giây phút cuối, tỉnh táo hơn bao giờ hết trước sự mất mát. Bé Ba cứ chèo xuồng đi trong vô vọng, ngọn đèn lắt lay trước gió như một tia hy vọng không bao giờ tắt. Màn nhung khép lại mà khán giả vẫn khóc như mưa.
Ngọc Trinh cứ lần lượt tung hết chiêu này đến chiêu khác, người xem ngỡ ngàng vì không hình dung nổi mảng miếng của chị. Đang rất bi thì thả một câu hài, khán giả cười bể bụng. Đang rất vui thì thả một nốt lặng khiến lòng người ta xao xuyến. Kiểu thay đổi tâm lý khán giả thật nhanh như thế này trong sân khấu dường như chỉ có nghệ sĩ Hồng Nga làm được. Và bây giờ thì có Ngọc Trinh.
Hoàng Kim
Tags