(Thethaovanhoa.vn) - Nếu chỉ xét về số lượng, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng (sinh 1973, Đại Lộc, Quảng Nam) có lẽ thuộc nhóm số ít các tác giả còn sống có nhiều tác phẩm trong SGK. Hiện anh có 5 bài thơ và trích đoạn thơ - chủ yếu viết cho thiếu nhi - xuất hiện 7 lần trong các SGK. Nguyễn Lãm Thắng nghiên cứu về Hán - Nôm, ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam, hiện giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế.
Nguyễn Lãm Thắng viết hơn 1.000 bài thơ cho thiếu nhi, đã xuất bản tập thơ Giấc mơ buổi sáng, gồm 345 bài. Năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam và các nhóm biên soạn SGK đã dựa vào tập Giấc mơ buổi sáng chọn ra 5 bài thơ hoặc trích đoạn thơ để đưa vào 7 cuốn SGK.
Cụ thể thơ Nguyễn Lãm Thắng trong SGK như sau: sách Tiếng Việt 1, tập 2 (bộ sách Chân trời sáng tạo), bài thơ Dạo phố (trang 116). Sách Tiếng Việt 1, tập 1 (bộ Cùng học để phát triển năng lực), đoạn trích thơ Mưa giông (trang 128). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (bộ Cùng học để phát triển năng lực), đoạn thơ Giờ ra chơi (trang 87). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (thuộc bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục), bài thơ Trong giấc mơ buổi sáng (trang 133). Sách Tiếng Việt 1, tập 1 (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), bài thơ Hoa giấy (trang 180). Sách Tiếng Việt 1, tập 2 (thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), với 2 bài thơ Giờ ra chơi (trang 60) và bài thơ Trong giấc mơ buổi sáng (trang 126-127).
Như kỳ báo trước đã đề cập, một duyên tình cờ, bài thơ Nắng xuân hồng của Nguyễn Sư Giao in ở trang 179, còn bài thơ Hoa giấy của Nguyễn Lãm Thắng in trang 180 - hai cha con tựa lưng vào nhau.
- Gặp lại tác giả được đưa vàoSGK (kỳ 8): Nhà thơ Nguyễn Duy - Mở khung cửa đẹp để thơ 'vào đời'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 7): Nhà văn Tạ Duy Anh - Từ 'Bức tranh…' soi chiếu lòng đố kỵ
Từ những bài thơ làm quà cho con
Nguyễn Lãm Thắng cho biết, anh làm thơ thiếu nhi từ khi còn là sinh viên, đăng rải rác các báo, thường xuyên là báo Nhi đồng TP.HCM. Năm 2002, sau khi lập gia đình, anh càng say sưa viết cho trẻ em, cả thơ lẫn truyện. Anh đã viết hơn 1.000 bài thơ, dự định in thành tập để làm quà cho đứa con đầu lòng khi còn trong bụng mẹ. Nhưng vì không có tiền in, nên mãi đến năm 2012, tức 10 năm sau đó, anh mới in được với số lượng là 333 bài. Đến năm 2016, NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Minh Long cho tái bản, có bổ sung, thành 345 bài.
“Những bài thơ viết cho thiếu nhi là sự hoài niệm về ký ức tuổi thơ của mình, hoặc là những mẩu đối thoại với các cháu nhỏ trong gia đình, hoặc ở đâu đó trong cuộc sống. Những cảm hứng về làng quê, ruộng đồng, sông suối cũng luôn ám ảnh. Tôi luôn hóa thân vào tuổi thơ để viết thật tự nhiên, như sự cảm nhận thế giới chung quanh của con trẻ” - Nguyễn Lãm Thắng chia sẻ.
Nguyễn Lãm Thắng cho biết, khi đọc các bình giảng về thơ của anh trong SGK, anh thấy rất may mắn, vì nó khá gần ý tưởng gốc của tác giả, khá phù hợp với trẻ em. Tất nhiên, trừ vài bài nằm trong mục đọc thì không có câu hỏi gợi ý, hoặc bình giảng. Các bài thơ của anh chú trọng về mặt ngôn từ cho thiếu nhi, nó thật sự trong sáng, dễ hiểu, thi ảnh gần gũi. “Thơ thiếu nhi thì phải có vần điệu, phải có nhạc tính, như vậy các em mới dễ thuộc” - anh nói.
Nguyễn Lãm Thắng nói thêm: “Tôi viết cho thiếu nhi như một nhu cầu cấp thiết của đời mình. Phải làm sao, khi các em đọc, luôn thấy mình trong đó. Cách quan sát và cách nghĩ phải sinh động, hồn nhiên và hóm hỉnh. Có như vậy, mới nói hộ được các em về những cảm nhận của bản thân về thế giới chung quanh bằng tình cảm và ước mơ cuộc sống. Trước cuộc sống hiện đại đầy rẫy những đổi thay, tôi cũng muốn dẫn dắt các em về với cội nguồn văn hóa Việt”.
Đến cuộc thương lượng về chữ
Vì quy định nghiêm ngặt số chữ cho mỗi bài học trong SGK Tiếng Việt 1, nên các tác giả biên soạn đã thương lượng với nhà thơ để làm trích đoạn, nếu bài dài. Đôi khi nhà thơ phải tự sửa, tự cắt ngắn lại cho đủ dung lượng, miễn giữ được ý tứ chung. Chính vì vậy mà đôi khi các bài thơ, trích đoạn thơ đưa vào SGK có khác đôi chút về câu chữ so với nguyên bản.
Với vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh, Nguyễn Lãm Thắng lại khá hiền lành, nhưng không phải vì thế mà thiếu cá tính. Trong sáng tác, học thuật và giảng dạy, Nguyễn Lãm Thắng luôn gìn giữ các nguyên tắc nghề nghiệp. Trong các công việc mà anh theo đuổi, trong đó có chuyện vẽ tranh, có lẽ “quậy” nhất là thơ người lớn, nơi sự du hý về tư tưởng và ngôn ngữ được anh rất dụng công. Nhất là với thể loại lục bát, sự “thương lượng” với câu chữ của anh thật thú vị, bất ngờ. Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc: “Tôi thích, vì ở đó có cách nói như cà rỡn, tưng tửng mà lại thâm trầm, ngậm ngùi trắc ẩn...”.
Ví dụ: “… Bụi đời chất đống a dua/ Bạo tàn khuynh loát, lọc lừa nhân tâm/ Đường khuya sềnh sệch cát lầm/ Tâm như đốt một nén trầm được chăng?” - trích trong bài Máu đỏ bên trời. Hoặc như: “… Nửa đêm, con nhện cởi truồng/ Tơ trinh kéo vội qua buồng tử sinh/ Vòng vo, rồi cũng gặp mình/ Võng đời mỏng lét bóng hình thế gian” - trích trong bài Là thế đó.
Tính đến nay, Nguyễn Lãm Thắng đã tròn 20 năm đứng trên giảng đường Đại học Sư phạm Huế. Anh nói vui: “Đi dạy là đi học một cách bắt buộc. Mình với sinh viên, với trang giáo án, với sách vở, với bài nghiên cứu… cùng làm cuộc thương lượng, chia sẻ để học hỏi lẫn nhau. Trong các cuộc thương lượng đó, tôi tự thấy mình luôn nhận về những câu chữ thú vị cho thơ”.
Sau khi học xong đại học, Nguyễn Lãm Thắng bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, trước khi tự thương lượng lại chính mình: Ừ thôi, về đi dạy. Chính vì vậy, dù tâm tính hiền lành, lại xuất thân trong gia đình có cha là nhà thơ, dành phần nhiều thời gian tuổi nhỏ cho việc học, nhưng thơ của Nguyễn Lãm Thắng vẫn dạt dào chất lang bạt kỳ hồ, vẫn đau đáu chuyện thế sự. Ví dụ: “… Nắng xô lệch ngói Lương Ðình/ Con chim khe khẽ khúc kinh đô sầu/ Tượng gầy đứng ngó gạch nâu/ Ðường vô trong nội bạc màu nước non” - trích trong bài Đường vô thành nội.
Nguyễn Lãm Thắng cho biết, anh sắp in tập thơ thiếu nhi thứ 2 là Trong đôi mắt bé, gồm 207 bài. Thơ thiếu nhi của anh đã được các nhạc sĩ phổ trên 100 ca khúc. Vì không có điều kiện làm album riêng, nên chỉ phổ biến trên truyền hình và trên mạng khoảng 20 ca khúc. Anh cũng sắp in một tập thơ người lớn, trên 300 bài, tên dự kiến là Thương hoài thương hủy, nơi khai thác nhiều thủ pháp ngôn ngữ địa phương xứ Quảng. Ví dụ: “… Nói ông biết, quê chừ, đau rát rạt/ Sông chết rồi, nước cạn xịt, đục câm/ Núi trọc lóc, núi cúi đầu, xơ xác/ Ngó ráng chiều, như ngó rạch dao đâm” - trích trong bài Thương hoài thương hủy.
Về con đường học thuật, Nguyễn Lãm Thắng đang khảo cứu về địa danh làng xã Quảng Nam, với dự kiến sẽ làm luận án tiến sĩ khi đủ điều kiện và ra các cuốn sách.
(Còn tiếp)
Văn Bảy
Tags