(Thethaovanhoa.vn) - Sau tiểu thuyết đầu tay Sông ra mắt năm 2012, Nguyễn Ngọc Tư cần thêm 8 năm để ra mắt tiểu thuyết Biên sử nước. Dù chỉ dày 125 trang, nhưng “nguyên tố thủy” trong ngũ hành luôn ám ảnh, buộc Nguyễn Ngọc Tư phải trở đi trở lại để khắc họa cho được một biên niên ký về vùng sông nước miền Tây trước những biến đổi kinh hoàng của thiên tai và “nhân tai”.
Văn giới là vô tận. Có những nhà văn đã kể về những cuộc phiêu lưu trên mặt trăng, sao hỏa, dưới biển sâu từ rất lâu trước khi con người có khả năng đến được. Cũng có những nhà văn chọn lựa gắn bó văn nghiệp của mình với một nhánh sông, một xẻo đất, cơi nới nó, tung tẩy trong đó. Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn như thế.
Những kiếp người trơ trụi
Về mặt không gian, Biên sử nước cũng không khác gì các tác phẩm truyện ngắn, tản văn quen thuộc trước đây của chị. Chúng thuộc về một cõi miền Tây sông nước đã đánh mất sự trù mật, chỉ còn trơ trụi những kiếp người, họ vật vã sống.
Ở đó, những kẻ giang hồ vật vờ sống bên bến sông, một người đàn bà truy tầm thuốc quý cứu con, một kẻ mồ côi lưu lạc, người ăn chữ và đứa con đồng tính bị chính mẹ ruột giày vò… Những sinh thể cô đơn cố gắng tồn tại trên cuộc đời, dù sự hiện hữu của họ chỉ như chiếc bóng mờ bị khuất lấp xuyên suốt tác phẩm.
Những mảnh đời ấy bị xé ra, rã rời chỉ có thể chấp dính với nhau bằng một không gian sinh tồn mang những cái tên như Vạn Thủy, Yên Xuyên, cù lao Lẻ… những cái tên ám gợi về nước và nỗi cô đơn muôn đời của những người bị thiên nhiên ruồng rẫy, không còn đất sống. Chúng gợi nhắc ta đến Yoknapatawpha của văn hào William Faulkner và Macondo của văn hào Gabriel Garcia Marquez. Hai địa danh hư cấu lừng danh trong văn học đã trở thành quen thuộc.
Nguyễn Ngọc Tư không cần phổ quát hóa vùng đất của chị, tính hiện thực huyền ảo xuất hiện trong Biên sử nước là sự tục truyền của những huyền tích, những truyện hoang đường vốn dày đặc trong lịch sử vùng sông nước miền Tây. Con người trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư cũng là hậu duệ của những người đi khẩn hoang, những người bắt sấu, chăn trâu, của những lục lâm thảo khấu, của những anh hùng “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”… Nhưng ngày nay, họ chỉ khác tổ tiên mình ở sự vụn vỡ, cô đơn, nhiều người chìm sâu vào vô minh.
Trong sự vô minh đó, Đức Ngài xuất hiện, với những phép nhiệm màu, thu hút niềm tin, như một minh chứng cho sự tuyệt vọng của con người, sự đánh mất khả năng phân biệt thật giả trong khi miền quê truyền thống bị phân hóa và đe dọa. Vào cái thời mà mùi hương cũng có thể làm giả, “rụng là cách duy nhất phân biệt với hoa giả”. Cũng như thế, chỉ có sự tàn phai, hư hoại, nỗi đau mới chứng minh sự tồn tại của con người là thật, rằng sự sống này là thật, rằng cuộc đời này đáng quý cho nên những nhân vật cứ mãi loay hoay tìm kiếm.
Nhưng tìm kiếm điều gì? Hạnh phúc? Một hình bóng? Hay chính mình? Những khắc khoải hiện sinh của nhân vật cũng là câu trả lời mà nhà văn tìm kiếm trong suốt Biên sử nước.
Tinh luyện về mặt ngôn từ
Độc giả sẽ hỏi tiểu thuyết mới này có gì khác so với truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Tìm cái “khác” này thật ra không khó. Đây là sự đúc kết của nhà văn về văn phong, hướng dần đến sự tinh luyện về mặt ngôn từ. Cái buồn, nỗi cô đơn cũng không còn vẩn vơ, mà thâm trầm hơn, đau đáu hơn. Nhân diện con người cũng phức tạp hơn, tất cả đều như ẩn sau một lớp mặt nạ trưng ra trước thế giới hư ngụy.
Nhiều độc giả không chịu được cái ác trong Biên sử nước, nhất là chuyện người mẹ nhẫn tâm nhốt đứa con trai vào kho để cho đám thợ làm nhục, chỉ vì cậu khát khao trở thành phụ nữ. Trong thế giới của tiểu thuyết này, con người tàn nhẫn đến đáng sợ, không giống với hình dung của nhiều độc giả về một miền Tây hồn hậu, chất phác, một sự chất phác mang trong mình rất nhiều ngộ nhận.
Các nhân vật trong Biên sử nước cũng đang “trong cuộc giao chiến với tính ác của mình hay với hoàn cảnh chung quanh”, giữa cái ngắn ngủi, mong manh của kiếp người. Cái mong manh ấy được diễn tả bằng chính dung lượng cuốn tiểu thuyết chỉ 125 trang.
Tiểu thuyết này cũng như một số tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, tạo ra 2 luồng ý kiến. Một bên là những nhận định cho rằng Nguyễn Ngọc Tư lặp lại chính mình, nên đến tiểu thuyết này đã dần sáo mòn. Một bên cho rằng đây là tiểu thuyết mới lạ và xuất sắc.
- Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tập truyện ngắn: Lột xác cả nội dung và bút pháp
- Nguyễn Ngọc Tư và những chuyện đàn bà
- Nhà văn Bích Ngân viết về đồng hương Nguyễn Ngọc Tư
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Mạng xã hội làm nhạt... tình người?
Kỳ thực, đối với một tác phẩm, gây được tranh cãi còn hơn phải an phận, ngay ngắn, ngay từ lúc ra mắt. Bản thân Nguyễn Ngọc Tư có thể lựa chọn lối quen, người cũ, với những tâm tư tình cảm xưa, nhưng an toàn đôi khi cũng nhàm chán. Tiểu thuyết Biên sử nước được hợp thành từ liên truyện ngắn, gắn kết với nhau bằng mối liên hệ đứt gãy.
Quan điểm cầm bút của Nguyễn Ngọc Tư đã định hình từ lâu. Chị từng phát biểu: “Tôi thấy văn chương của mình (và cả bản thân mình) sao giống trái sầu riêng quá trời, có người thích, khen thơm, có người bưng mũi quay đi vì chê nó nặng mùi. Nhưng khi bắt đầu kết trái, sầu riêng đâu định trước sẽ dâng tặng cho riêng ai, nên chẳng bẻ mình bẻ mẩy để lấy lòng người”.
Chung Bảo
Tags