(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 15/6 tới đây, tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện nghệ thuật 13 và…, ra mắt bộ sách 13 cuốn của nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha với tên chung Những tài danh âm nhạc Việt Nam.
- Huyền thoại bán hàng số 1 nước Mỹ có mặt tại Đường sách TP.HCM
- Lần đầu phát hành cuốn sách J.R.R. Tolkien viết cách đây 100 năm
- Đường sách TP.HCM khai hội sách mùa Hè
- Nhà sách Cá Chép tại Hà Nội: Địa chỉ mới cho người yêu sách
- Khai trương 'Thành phố sách lớn nhất Việt Nam' tại Bình Dương
Đây là lần đầu tiên, một tác giả cùng lúc ra mắt bộ sách tới… 13 cuốn. Bộ sách đồ sộ khiến độc giả ngỡ ngàng về sức sáng tạo miệt mài bền bỉ của nhà thơ - nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha.
Trong bộ sách có 7 quyển thuộc loạt Những tài danh âm nhạc Việt Nam gồm các chân dung nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao. Bên cạnh đó là các quyển: Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời hòa bình, Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời đạn bom, Nguyễn Văn Huyên - bản giao hưởng văn hóa, Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh, Lời quê góp nhặt, Thuở bình minh tân nhạc.
Nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Thuỵ Kha cho biết, bộ sách của ông không chỉ là kiểu trích ngang mà là những chân dung nghệ thuật của những nhạc sĩ tài danh, bởi điều này mới làm nên bức chân dung chính xác nhất về họ. Dù là thể loại chân dung, phê bình tiểu luận đòi hỏi phải chính xác về thông tin nhưng vẫn có văn, vẫn có cảm xúc, tình cảm của người viết đã một đời chiêm nghiệm, nghiên cứu cho một công trình, 13 cuốn sách.
Kể về cảm hứng cho bộ tác phẩm đồ sộ này, Nguyễn Thụy Kha cho biết: “Ngày 1/1/1990, tôi nhận quyết định phục viên với quân hàm thiếu tá. Ông bạn Thanh Thảo ở Quảng Ngãi thấy thế, rủ tôi cùng làm tạp chí Sông Trà – một tạp chí văn nghệ của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi nhận lời làm đại diện cho tạp chí ở Hà Nội. Để chuẩn bị ra mắt số đầu tiên vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, tôi được ủy nhiệm là đến gặp bác Phạm Văn Đồng – một người con lớn của Quảng Ngãi, để xin lời chúc mừng sự ra mắt của tạp chí. Sau khi hỏi về công việc của tôi, bác có một lời khuyên mà tôi nhớ đời: “Cháu hãy tập trung sức lực và khả năng làm dân trí, dân trí mà lên thì xã hội mới tiến bộ được”.
Cũng thời gian đó, tôi được đọc nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do chị Hiền – con gái đầu của nhà văn cho mượn. Một câu tự nhủ mình của ông, trở thành kỷ luật lao động của tôi: “Mỗi ngày hãy viết hai trang. Ngày nào có chuyện không viết được, thì ngày sau phải viết bù”.
Lời khuyên của bác Phạm Văn Đồng hướng cho tôi mục tiêu viết. Còn lời trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì trở thành phương châm hành động của tôi. Và cứ vậy cho đến nay, đã 27 năm trôi qua, nếu nhân lên trang viết của mình theo thời gian, thì tôi đã viết được ít nhất là gần 2 vạn trang. Đúng là có công mài chữ… mỗi ngày 2 trang”.
Suốt 27 năm qua, vừa viết báo kiếm sống, vừa cặm cụi viết tiểu thuyết chân dung và làm thơ, ông không nghĩ có một ngày Nhà xuất bản Văn học và công ty Vinabook yêu cầu cùng một lúc tái bản cùng xuất bản mới 13 cuốn sách.
"Vậy là công mài chữ của tôi đã được ghi nhận. Tất cả khó khăn của cuộc đời làm nhà báo tự do mà tôi đã trải qua bỗng tan biến trong khoảnh khắc. Chỉ còn lại niềm vui được cống hiến tận cùng. Con số 13 là con số xui của châu Âu, nhưng với tôi nó lại như con số định mệnh...
Có người hỏi, ông ra cùng lúc 13 cuốn sách của mình để làm gì? Có phải là muốn tạo ra một kỷ lục xuất bản? Thưa không. Ngàn lần không. Tôi chỉ muốn trong công việc “mài chữ” của mình suốt 27 năm qua, với những gì tôi đã gắng gỏi hết sức, xin gửi lại thế hệ sau một bộ tài liệu chân xác về những văn nghệ sĩ Việt Nam đã đau khổ, đã dâng hiến cho nền văn nghệ nước nhà đến hơi thở cuối cùng của họ. Nếu không, các thế hệ sẽ bị đứt đoạn trong việc nhìn nhận về nhau.
Bởi thế, bao năm qua bạn bè vẫn trách: “Ông chỉ là thằng áo gấm đi đêm. Ông còn để họ ăn gian ông đến bao giờ nữa?”. Với ý nghĩ trên, tôi xin được một lần “áo gấm đi ngày”, những mong ai phê phán rằng tôi “làm reo về mình”, thì hãy thật sự thông cảm - tôi vẫn là Nguyễn Thụy Kha âm thầm, lặng lẽ dâng hiến" - Thụy Kha trần tình.
Bộ sách sẽ được đích thân tác giả giới thiệu đến báo giới trong buổi gặp gỡ vào ngày 15/6 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ này, các sáng tác nổi tiếng của các tác giả mà Thụy Kha vinh danh trong sách sẽ được các ca sĩ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Quỳnh Hoa, NSƯT Sao Mai, Lộc Vàng, Ngọc Châm, Minh Thu, Mai Trang... thể hiện.
Hỗ trợ đặc biệt và hết mình cho sự kiện ra mắt bộ sách tại Nhà hát lớn của nhạc sĩ Thuỵ Kha chính là người bạn vô cùng thân thiết với ông, hoạ sĩ Lê Thiết Cương. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương là người giúp nhạc sĩ Thuỵ Kha toàn bộ phần thiết kế mỹ thuật cho sự kiện, có thể nói đây là sự kiện ra mắt sách được tổ chức trọng thể và tỉ mỉ hiếm có.
Cảm kích trước công trình đồ sộ của bộ sách này, chuỗi chương trình Vàng son một thuở tôn vinh tác giả tác phẩm do ca sĩ Ngọc Châm làm giám đốc sản xuất cũng đã góp sức tổ chức chương trình ra mắt.
Ca sĩ Ngọc Châm chia sẻ, cô rất bất ngờ trước bộ sách đồ sộ của nhạc sĩ Thụy Kha. Trên con đường tìm kiếm, tôn vinh các nhạc sĩ Việt Nam mà cô và chuỗi chương trình của mình theo đuổi nhiều năm nay, thì bộ sách là một tài sản quý giá giúp cho cô có thêm nhiều tư liệu, góc nhìn về các nhạc sĩ Việt Nam thế kỷ XX phục vụ hữu ích cho chuỗi chương trình. Nhạc sĩ Thụy Kha cũng chính là một tác giả mà Vàng son một thuở thấy cần phải tôn vinh với bộ sách của ông.
Anh Tuấn
Tags