(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Lê Quốc Minh (Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) là gương mặt quen thuộc của báo chí Việt Nam, là nhà báo luôn quan tâm sâu sắc đến đời sống báo chí nước nhà, đặc biệt là về những xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Quốc Minh.
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nền báo chí Việt Nam hiện nay vẫn đang vận hành theo kiểu nửa truyền thống, nửa digital, báo chí nói chung không còn theo nguyên tắc: "Nội dung là vua" (Content is King). Là một trong những nhà báo quan tâm sâu sắc đến xu hướng phát triển của báo chí, ông thấy gì ở bức tranh toàn cảnh báo chí nước nhà so với báo chí thế giới và khu vực?
- Khoảng 7-10 năm trước, báo chí quốc tế cũng chạy đua giành lượng truy cập từ độc giả và sản xuất nội dung theo những từ khóa đang được công chúng quan tâm, thậm chí xây dựng những chiến lược nội dung dựa theo thuật toán của Google và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Snapchat… Tuy nhiên, họ đã rút ra nhiều bài học để quay trở lại với giá trị cốt lõi là chú trọng nội dung chất lượng cao (nội dung là vua) và phụng sự độc giả là trên hết (audience-first).
- Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trưng bày hơn 700 hiện vật quý
- TTXVN bàn giao hiện vật tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Các báo điện tử lớn trên thế giới bây giờ không coi lượng pageviews là tiêu chí quan trọng nhất mà chính là sự trung thành của độc giả, bởi chính độc giả trung thành mới là những người đọc nhiều bài viết, dành nhiều thời gian đọc cho mỗi bài viết và thậm chí có thể trở thành những người trả phí dài hạn cho những nội dung mà họ quan tâm.
Trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo báo in sụt giảm trong khi nguồn thu từ quảng cáo digital không bù đắp được phần giảm sút từ báo in, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã chủ động đa dạng hóa các chiến lược nội dung và chiến lược tạo nguồn thu - kể cả từ sản phẩm báo chí lẫn những hoạt động phi báo chí như tổ chức sự kiện, kinh doanh dữ liệu, cấp phép thương hiệu, thậm chí tham gia cả vào hoạt động thương mại điện tử, giáo dục, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư, v.v…
Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam thường có tư duy rằng cái gì diễn ra trên thế giới thì phải mất 4-5 năm mới xảy ra ở Việt Nam, và sự đi xuống cũng sẽ theo hướng từ từ như một con dốc vừa phải. Nhiều người cũng nghĩ khá đơn giản rằng cứ có lượng truy cập cao trên báo điện tử thì sẽ có nhiều tiền quảng cáo. Thực tế lại quá bất ngờ: Quảng cáo hiển thị đã chết, quảng cáo tự động thì chảy phần lớn vào túi Facebook và Google và lượng phát hành với báo in tại Việt Nam thì không giảm từ từ mà đột ngột theo chiều thẳng đứng.
Đại dịch Covid-19 là cú giáng mạnh bất ngờ nữa đối với nền kinh tế nói chung và với báo chí nói riêng. Nhiều cơ quan báo chí cho biết trong 2 quý đầu năm nay, doanh thu quảng cáo bị giảm tới 50% và cao hơn. Vấn đề nằm ở chỗ đa số các cơ quan báo chí chưa có sự chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ này, và vẫn coi quảng cáo là ưu tiên hàng đầu. Trông mong vào quảng cáo nghĩa là phụ thuộc vào sự trồi sụt của nền kinh tế, vào hoạt động của doanh nghiệp, nên khó khăn sẽ còn tiếp diễn với báo chí ngay cả khi dịch trôi qua.
Trong đợt xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, một số đồng nghiệp khoe với tôi rằng bài này bài kia nhờ rút tít như vậy mà rất nhiều người đọc. Nêu trúng vấn đề để thu hút độc giả thì chẳng có gì sai, xét về kỹ năng nghề nghiệp, nhưng lấy tiêu chí pageview để đặt tít thì không nên, và càng không nên lấy pageview làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một sản phẩm báo chí.
* Có ý kiến cho rằng, trong kỷ nguyên số, khi mà báo điện tử mọc lên như những tòa nhà chọc trời, khái niệm về nhà báo đã thay đổi, đó là nhà báo tử tế thì ít, "nhà cắt - dán" thì nhiều, khiến cho nhiều tờ báo như “mặc đồng phục”... Có ý kiến cho rằng với tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền báo chí nhan nhản như hiện nay sẽ phá vỡ nền báo chí của chúng ta. Các nhà báo cắt – dán sẽ tự giết mình, giết chết tờ báo của mình và làm hại đến người khác (bạn đọc). Ông có nghĩ vậy không?
- Tôi đi dự khá nhiều hội thảo quốc tế, và hóa ra tình trạng cắt - dán vi phạm bản quyền xảy ra ở bất kỳ đâu. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng tệ hơn khi nhiều nhà báo cắt - dán luôn thông tin từ thông cáo báo chí, từ báo cáo của các cuộc họp và đưa lên báo. Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ thông tin “đồng phục” mà như vậy thì báo chí không làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Trong thời đại hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có thể đưa thẳng thông tin của họ tới người dân thông qua website hoặc tài khoản mạng xã hội của riêng họ. Nếu nhà báo không có góc nhìn riêng về một vấn đề trên tinh thần bảo vệ những giá trị chuẩn của xã hội thì khác nào tự biến mình thành cơ quan phát ngôn của các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân đó. Vậy làm gì còn lý do để độc giả đến với tờ báo?
Sự nguy hiểm tiếp theo là vi phạm bản quyền báo chí: Một tờ báo phải mất rất nhiều công sức và tài chính để có được một tấm ảnh, đoạn video hay một phóng sự cầu kỳ, nhưng chỉ sau vài phút đăng lên Internet là sẽ bị “nhân bản” ngay lập tức. Và nhiều khi, những bài viết sao chép lại được đọc nhiều hơn cả bài viết gốc, website sao chép nhờ đó còn thu thêm được tiền quảng cáo, trong khi những nhà báo chân chính đổ mồ hôi, nước mắt và cả sự an nguy của bản thân lại không được đền đáp xứng đáng.
Cũng có một tình trạng khá buồn cười và vô lý ở nước ta là các báo xin đăng lại nội dung của nhau và xin miễn phí. Về logic thì mỗi cơ quan báo chí đều phấn đấu để tạo ra sự khác biệt với những sản phẩm riêng mà báo khác không có, như vậy thì mới thu hút được độc giả và khán thính giả. Ở các nước phát triển, các báo chỉ mua tin của các hãng thông tấn để có những thông tin về các khu vực và vấn đề mà họ không có đủ nguồn lực để phụ trách, hoặc hợp tác với một số cơ quan báo chí lớn hoặc nguồn thông tin uy tín theo dạng mua quyền tái xuất bản (syndication).
* Có một nghịch lý là ở ta, báo chí gần như cung cấp thông tin miễn phí cho bạn đọc, nhưng lượng độc giả, nhất là với báo chí chính thống lại càng ngày càng giảm? Trong khi, những áp lực về kinh tế luôn đè nặng lên vai các tòa soạn. Vậy thì bài toán thu phí đọc báo và lớn hơn là “kiếm tiền đều đặn” phải được “giải” như thế nào cho đúng, trúng, thưa ông?
- Báo chí chính thống thì thông tin phải chính thống và tin cậy. Nếu độc giả không tin cậy vào thông tin do báo cung cấp thì họ xa rời báo chí chính thống là điều dễ hiểu. Chúng tay nên đặt câu hỏi ngược lại rằng tại sao trước đây nhiều tờ báo chính thống có những bài phóng sự điều tra hấp dẫn như thế, những bài phân tích - bình luận chuyên sâu như thế mà ngày nay cũng viết báo theo từ khóa “hot,” cũng đầy những nội dung tầm phào và những câu chuyện gây sốc, có cả những thông tin chưa được kiểm chứng. Đương nhiên có cả những lý do khách quan của việc quá nhiều kênh thông tin - giải trí mọc lên như nấm, và phải thừa nhận là nhiều kênh cá nhân rất thú vị, rồi lý do về sự phát triển của mạng xã hội giúp người dùng tiếp cận và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn, nhưng xét cho cùng thì việc không níu chân được độc giả là lỗi của tòa soạn. Và khi không có độc giả thì khó mà thu hút được nhà quảng cáo.
Nhiều cơ quan báo chí thế giới giờ đây đã nhận ra sai lầm của việc tung mọi thông tin lên mạng Internet cho người dùng truy cập miễn phí. Một mặt, nó tạo ra hiệu quả tích cực là thông tin và kiến thức nhanh chóng đến được với mọi đối tượng bất chấp khoảng cách về địa lý và thời gian, giúp nâng cao dân trí, nhưng để làm ra một sản phẩm báo chí thì các tòa soạn phải đầu tư nhân lực - vật lực, nếu nguồn thu quảng cáo không bù đắp được thì tòa soạn sẽ tiếp tục hoạt động bằng cách nào, lấy tiền ở đâu để trả lương cho các nhà báo?
Bây giờ cũng khó trông cậy vào quảng cáo, vì thế báo chí thế giới hướng đến trọng tâm là nguồn thu từ độc giả, mà phí đọc nội dung digital chỉ là một trong số đó. Theo báo cáo về Xu hướng báo chí toàn cầu năm 2019 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA), trong năm 2018, tổng doanh thu từ độc giả của các cơ quan báo chí đạt 66 tỷ USD, tiếp tục vượt doanh thu quảng cáo (57 tỷ USD), với 640 triệu người trả tiền mua tin tức trên báo in và báo điện tử mỗi ngày.
* Xin cảm ơn nhà báo Lê Quốc Minh về cuộc trò chuyện!
“Phải cam kết không sử dụng nội dung của nhau” “Cách đây khá lâu, ở Việt Nam từng có liên minh 5 báo lớn để không cho các báo khác sử dụng tin bài của họ và chỉ 5 báo đó được dùng của nhau. Theo tôi, chiến lược này chưa đúng. Quan điểm từ lâu của tôi là các báo dù lập liên minh hay không thì cần phải cam kết không sử dụng nội dung của nhau và cùng hợp tác bảo vệ bản quyền, không cho các tổ chức, cá nhân khác đăng tải lại một cách trái phép. Chừng nào chưa xử lý được vấn đề bản quyền thì báo chí còn gặp khó khăn bởi sẽ mất đi bản sắc của tờ báo đó, không giữ được những nội dung độc quyền khiến độc giả và khán thính giả nhớ đến” (Phát biểu của nhà báo Lê Quốc Minh). |
Huy Thông (thực hiện)
Tags