(Thethaovanhoa.vn) - Nhà điêu khắc Lê Công Thành - tác giả tượng đài Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) qua đời hôm qua (28/3), hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ viếng ông sẽ được tổ chức vào hồi 13h30 ngày 30/3 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 - Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang sẽ được tổ chức vào 14h30 cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội.
Lê Công Thành (sinh năm 1932 tại Hải Châu, Đà Nẵng) nhưng trải qua phần lớn tuổi thơ tại nhà ngoại ở Quảng Ngãi và thường hay lui tới Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sau này, điêu khắc Chăm đã có ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác của Lê Công Thành như chính ông thừa nhận: “Tôi trở thành một nhà điêu khắc tất cả vì được bao quanh bởi điêu khắc Chăm”.
18 tuổi ông nhập ngũ, vừa viết bài vừa vẽ minh họa cho báo Quân đội Nhân dân cho đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc, được cử tham gia cùng khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và là sinh viên của lớp Điêu khắc Khóa I, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962) dưới sự hướng dẫn của các nhà điêu khắc nổi tiếng đương thời: Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim, và Givi V.Mizandari, giảng viên điêu khắc Liên Xô.
Từ năm 1962, Lê Công Thành làm giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Tại đây ông gặp gỡ Nguyễn Kim Thái - sinh viên năm nhất khoa lụa, sau đó 2 người kết hôn. Thời gian từ 1968 - 1970, Lê Công Thành được cử đi thực tập Điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô).
Từ năm 1975 Lê Công Thành thôi dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật. Năm 1979, ông tham gia triển lãm Điêu khắc Quốc tế tại Riga (Latvia). Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).
Những năm cuối đời ông ở ẩn trong căn nhà ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội, sáng tác tự do, tập trung chủ yếu vào mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ và cho ra đời hàng ngàn tác phẩm có kích thước nhỏ và vừa với ngôn ngữ sáng tác khái quát triệt để và có tính ước lệ cao. Điển hình là phác thảo tượng Mẹ Âu Cơ (hay Người đàn bà và bọc trứng) được phóng lớn dựng tại Công viên Biển Đông (đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng).
Lê Công Thành cũng đầu thử nghiệm với điêu khắc tấm mỏng và cho ra hàng trăm phác thảo sử dụng kim loại nhẹ, bìa carton và dây căng, sau này ông sử dụng thêm một số lá kim loại mỏng có thể cắt tay như đồng, nhôm...
- Nhà điêu khắc Lê Công Thành: 'Mơ ước tác phẩm được phóng to, đặt trong không gian rộng lớn'
- Triển lãm 'Tranh giấy Lê Công Thành'
Là nghệ sĩ luôn nắm giữ một tinh thần nghệ thuật có tính cộng đồng, sáng tác của Lê Công Thành đều có khả năng thu nhỏ hay phóng lớn để đưa vào nhiều dạng thức không gian kiến trúc đô thị hay môi cảnh tự nhiên theo những hình thái, chức năng đa dạng. Điêu khắc của ông là sự tổng hòa học hỏi từ các tác gia điêu khắc lớn trên thế giới như Picasso, Henry Moore, Brancusi… và các đặc điểm truyền thống Việt Nam như điêu khắc Chăm-pa, chạm khắc đình chùa Bắc Bộ, tượng nhà mồ Tây Nguyên… để tạo ra một ngôn ngữ sáng tác vô cùng độc đáo, vừa có tính cá thể, lại vừa mang tính quốc tế cao.
Hoài Thương
Tags