(Thethaovanhoa.vn) - 3 năm sau ngày được trao Giải thưởng Lớn (Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 6 năm 2013), hàng ngày, nhiều người vẫn thấy nhà nhiếp ảnh Quang Phùng một tay chống ba toong, một tay nắm chặt chiếc máy ảnh Leica đi dọc, rẽ ngang khắp phố phường Hà Nội để chụp ảnh.
- Gặp lại 'Giải thưởng Lớn' Quang Phùng: Hoàn thành lời hứa với Hà Nội
- Nhiếp ảnh gia Quang Phùng: Hà Nội là cảm hứng vô tận
- Nhiếp ảnh gia Quang Phùng và John Ramsden: Gặp nhau giữa trời Thu Hà Nội...
Nhưng kể từ tháng 5 đến nay, không ai còn thấy ông lão râu tóc bạc phơ như một tiên ông giữa đời thường lang thang nữa...
“Tiên ông nhiếp ảnh” mắc “bệnh nghề nghiệp”
Đến thăm nhà nhiếp ảnh Quang Phùng ở xóm Hạ Hồi, mới hay cụ bị “viêm ruột thừa mủ quặt ngược sau manh tràng”, phải phẫu thuật nội soi. Vì lý do đó nên từ tháng 5 đến nay, cụ không thể la cà đây đó để chụp ảnh Hà Nội như trước.
Nhưng không đi chụp không có nghĩa là cụ không còn dính dáng gì đến ảnh, không còn thiết tha gì đến phố phường Hà Nội xô bồ ngoài kia. Ngược lại, phần lớn thời gian trong ngày cụ vẫn dành cho ảnh.
Bằng chứng là, căn phòng rộng chừng hơn 10 mét vuông của cụ hiện nay chẳng khác gì một tàng kinh bằng ảnh về Thủ đô. Ảnh án ngữ ngay cửa ra vào cả chồng cao ngất, chỉ cần sơ ý kéo cửa mạnh tay, ảnh có thể trườn ngay ra bậc thềm. Và, ảnh treo trên tường, ảnh chồng trên ghế, xếp mé đầu giường, ảnh luồn cầu thang, ảnh tràn lan trên các kệ... Giữa phòng, cụ
Phùng kê một chiếc giường đơn. Chiếc giường ấy vừa là chỗ ngả lưng, vừa là nơi làm việc của cụ. Hàng ngày, cụ ngồi xếp bằng trên đó, bày ảnh xung quanh như trẻ con chơi đồ hàng, âm thầm, lặng lẽ chọn từng tấm ảnh để phân loại theo từng chủ đề, đóng thành từng quyển rất cẩn thận. Đóng thành cuốn xong cụ mới viết chú thích. Mỏi quá thì cụ lại móc cái điều khiển, ngả đầu vào gáy những cuốn sổ lưu ảnh bật TV xem.
Thậm chí, ngay cả khi xem TV cụ cũng “mắc bệnh nghề nghiệp” vì trong tay luôn thủ sẵn chiếc Leica đã bật nguồn để nếu “rình” được hình ảnh, sự kiện nào đó cụ cho là hay, cụ sẽ chụp lại “vì đó là những khoảnh khắc lịch sử, rất đáng để lưu giữ lại, dù ảnh chụp qua màn hình TV không đẹp!”, cụ Phùng nói.
Thói quen ấy là một minh chứng cho thấy dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn dồi dào, nhưng cụ Phùng vẫn mẫn tiệp, vẫn thấm đượm một tình yêu với nghề, vẫn miệt mài, mong mỏi cống hiến những trái ngọt cho mình, cho đời.
Đừng bỏ rơi những tình yêu Hà Nội
Hiện nay, cụ Phùng đang dốc toàn tâm cho một công trình để đời mang tên “101 câu chuyện về Hà Nội” bằng ảnh. Công trình này theo như cụ cho biết chia thành 10 tập, khi có tiền sẽ xuất bản thành sách.
Cụ chỉ vào chồng sổ lưu ảnh chất cao cả mét gần cửa ra vào bảo: “Vốn đầu tư cho mỗi cuốn là 2 triệu đồng, 50 cuốn là 100 triệu đồng. Số tiền giải thưởng Bùi Xuân Phái, Thể thao & Văn hóa “cho” tôi năm 2013 còn chưa đủ để tôi mua sổ lưu ảnh. Thế cơ mà”.
Dừng giây lát, cụ Phùng kể tiếp một câu chuyện mà nghe xong tôi càng thấy rõ hơn cái tôi hoặc cá tính nghệ sĩ trong con người cụ lớn đến nhường nào.
Cụ bảo rằng may mà giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội không phải là một cuộc thi. Bởi nếu là một cuộc thi thì dẫu là giải thưởng lớn cụ cũng... kiếu. Thế nên mới có chuyện mời cụ làm chủ khảo chấm ảnh thì ở đâu cụ cũng có thể tham dự, nhưng mời cụ thi ảnh thì... dẹp!
Cụ cũng dành lời động viên, khích lệ cho cho BTC giải Bùi Xuân Phái tiếp tục tìm tòi, phát hiện trong đời sống những con người, những tác phẩm, những việc làm, ý tưởng “vì tình yêu Hà Nội” để tôn vinh. Và trong mắt “tiên ông” Quang Phùng, Giải Bùi Xuân Phái cũng chính là “một tấm lòng” vì những tấm lòng yêu Hà Nội rất đáng trân trọng.
Cụ nói thêm: “Giải Bùi Xuân Phái đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô thì theo tôi, Thủ đô cũng nên chung tay với Giải Bùi Xuân Phái để hậu trao giải đừng bỏ rơi những tình yêu Hà Nội, mà ngược lại, cần tiếp tục theo dõi, động viên, thậm chí là “bà đỡ” cho những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng ngày càng có tác động, có sức lan tỏa hơn đến cộng đồng”.
Chiếc lá cuối cùng...
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng ví mình giờ như chiếc lá vàng. Không sai, vì cụ năm nay đã 85 tuổi. Ý thức về tuổi già cũng được cụ thể hiện thông qua đặc thù nghề nghiệp của mình. Ít ai ngờ rằng, trong vòng 1 thập kỷ qua, cụ vẫn thường vác máy đi khắp các con đường, các công viên chỉ để chụp... những chiếc lá rơi.
Và trong ngần ấy năm, cụ đã chụp được khoảng 10 bức thể hiện được đầy đủ nhất nội tâm của cụ. Đó là bức chụp một chiếc lá vàng bị gió thổi xuyên qua một cành cây đang đâm chồi. Cụ bảo: “Chiếc lá vàng là tôi. Cái cành khô đâm chồi là lớp trẻ. Nó thương tôi nên đã để tôi nương vào nó”. Bức chụp một chiếc lá vàng đậu hờ trên một tán lá còn non tơ xòe ra như bàn tay đỡ lấy chiếc lá vàng ngang thân cây gỗ tếch thì cụ “chú thích” bằng miệng rằng: “Chiếc lá vàng rơi cũng là tôi đấy. Còn bọn trẻ là cái tán lá xòe ra như bàn tay kia. Trong bức này thì tôi là người được nâng đỡ. Bức này sau 9 năm tôi mới chụp được và nó là sự hoàn chỉnh của nhiếp ảnh!”
Cụ lôi thêm một bức khác ra khoe. Đó là bức chụp một cành cây túa ra nhiều nhánh như một bộ xương khô, ở đầu nhánh thấp nhất chỉ còn lại một chiếc lá đã ngả màu đỏ quạch. Bức này cụ không giải thích về ý nghĩa của nó mà chỉ nói: “Vừa bấm máy xong thì chiếc lá rụng. Bỏ máy nhìn lên thì dường như tất thảy đã tan cả vào hư không”.
Không biết cụ Phùng khi nói về những chiếc lá trong ảnh của cụ là có ý gì muốn gửi gắm đến tôi hay không? Là cụ muốn những “biểu tượng của quá khứ Hà Nội” như cụ được quan tâm, được ghi nhận hay đơn thuần chỉ là tâm sự của một người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm với một kẻ hậu sinh như tôi?
Dẫu có hay không thì qua câu chuyện này, cụ đã khiến tôi xúc động, nhớ đến kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn nổi tiếng người Mỹ O.Henry. Và cũng giống chiếc lá của cụ Behrman, những chiếc lá của Quang Phùng nói riêng, 101 câu chuyện về Hà Nội và về rất nhiều lĩnh vực khác của cụ sẽ còn “đậu lại” mãi với thời gian.
Chỉ khác là, tôi mong cho cụ Quang Phùng luôn khỏe mạnh, để lại tiếp tục tay gậy, tay máy lang thang khắp ngõ, khắp đường vì tình yêu Hà Nội...
Phạm Huy
Tags