(Thethaovanhoa.vn) - Sau bài viết Đỗ Trung Lai - “Cả thế giới quàng khăn quàng đỏ” trên chuyên mục này kỳ trước, bạn đọc rất hào hứng với những câu chuyện xung quanh bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con (SGK Tiếng Việt 5), cũng như những sáng tác cho thiếu nhi của nhà thơ "Êm êm một khúc sông Cầu" (trích Đêm sông Cầu - thơ Đỗ Trung Lai - được Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành Tình yêu trên dòng sông Quan họ).
Như sự khẳng định một chân lý vĩnh cửu rằng trẻ em là tương lai của nhân loại, của mỗi dân tộc, mỗi gia đình… bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con của nhà thơ Đỗ Trung Lai ra đời nằm chính ở ý niệm đó.
Như bài viết kỳ trước đã nêu, Nếu trái đất thiếu trẻ con được sáng tác năm 1983, nhân một lần nhà thơ Đỗ Trung Lai xem buổi triển lãm tranh vẽ của thiếu nhi TP.HCM trong khuôn khổ Liên hoan Thanh niên hữu nghị Việt - Xô, cùng với anh hùng phi công Leonid Popov - nhà du hành vũ trụ Liên Xô. Bài thơ được in trong sách Tiếng Việt 5 (tập 2) cho đến nay đã trải qua gần 40 năm nhưng những thông điệp về trẻ em vẫn vẹn nguyên giá trị trong từng câu chữ.
“Không có trẻ con, mọi việc làm của người lớn đều… vô nghĩa”
Trong cuốn Công việc làm thơ xuất bản năm 1984, tổng kết kinh nghiệm gần một đời làm thơ của mình, Xuân Diệu viết: “Làm thơ, khó nhất là tìm tứ”. Ấy vậy mà cái tứ xuất hiện trong thơ Đỗ Trung Lai lại hết sức tình cờ, ví như trong bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con. Nảy ra tứ thơ từ cuộc đi xem tranh của các cháu thiếu nhi, Nếu như trái đất thiếu trẻ con vì thế cũng được viết một cách tường minh, chỉ cần đọc là hiểu ngay, hiểu hết, hiểu tường tận.
Bài thơ dễ đọc, dễ hiểu với lời thơ là cuộc đối thoại của 2 nhân vật “tôi” và “anh”. Trong đó, nhân vật tôi chính là tác giả - nhà thơ Đỗ Trung Lai - còn nhân vật anh là Leonid Popov - “phi công vũ trụ 2 lần anh hùng Liên Xô”. Cuộc đối thoại xoay quanh những bức tranh vẽ ngộ nghĩnh đến kỳ quặc của các bạn nhỏ khiến những vị khách đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đó là những bức tranh mà đầu của phi công vũ trụ Popov rất to, “đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt” và trong đó có “một nửa số sao trời”; những chú ngựa xanh nằm trên cỏ, ngựa hồng phi trong lửa; cả thế giới đều quàng khăn đỏ; các anh hùng như những đứa trẻ lớn hơn…
Trong bài thơ này, tác giả khéo ở chỗ, đặt để sự mô tả những bức tranh ngộ nghĩnh đến “ghê gớm” trong sự ngạc nhiên, thích thú của nhân vật “anh” chính là phi công Popov. Qua sự mô tả chi tiết các nét vẽ của các em nhỏ để thấy được những nét ngây thơ, đáng yêu, sự thông minh, giàu trí tưởng tượng của trẻ em. Để rồi trong đoạn cuối bài thơ, tác giả đưa ra khẳng định: “Ngộ nghĩnh là các em/ Sáng suốt là các em”.
Theo nhà thơ Đỗ Trung Lai, việc mô tả chi tiết những bức tranh của thiếu nhi ở phần đầu chỉ là cái cớ để đưa thông điệp cốt yếu nhất của bài thơ một cách sinh động và thuyết phục, nằm chính ở 3 câu thơ cuối: “Nếu trên trái đất này, trẻ con biến mất/ Thì bay hay bò/ Cũng vô nghĩa như nhau”. “Ý nghĩa và thông điệp của bài thơ dồn nén tất cả trong câu cuối. Câu cuối nói lên tất cả. Trẻ con là mầm sống của nhân loại, là tương lai của nhân loại, thế nên trên thế giới mới có câu, tất cả những thứ tốt nhất phải dành cho trẻ con. Nếu trái đất mà không còn trẻ con nữa thì mọi việc của người lớn là vô nghĩa, chẳng để làm gì” - nhà thơ Đỗ Trung Lai chia sẻ.
Không chỉ riêng nhà thơ Đỗ Trung Lai mới khẳng định vị trí quan trọng của trẻ em trong sự phát triển của nhân loại, nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn trong bài thơ Lời của bé cũng có những nhận định tương tự qua lời thơ: “Người là hoa đất/ Bé là hoa người/ Có bé cuộc đời / Trẻ như lời bé”. Rõ ràng, việc khẳng định trẻ con là tương lai của nhân loại là một sự thật không thể phủ nhận.
Nhấn mạnh điều này, nhà thơ Đỗ Trung Lai nói thêm: “Đó là một chân lý vĩnh cửu, đời nào cũng vậy. Như người phương Đông vẫn có quan niệm sâu sắc rằng: Nếu anh tuyệt tự là vô phúc hạng nhất, không trẻ con tức là không người nối dõi. Trong đời sống hiện đại từ phương Đông đến phương Tây quan niệm về việc sinh con nối dõi có thể phai nhạt dần, song chân lý trẻ con là tương lai của loài người, của nhân loại, của mỗi một dân tộc, của mỗi một gia đình, của mỗi một dòng họ là vĩnh cửu, không thay đổi”.
Không cầu kỳ, kiểu cách trong lời thơ, không cố cài cắm những triết luận trong ý tứ, Nếu trái đất thiếu trẻ con của nhà thơ Đỗ Trung Lai hiển hiện một chân lý không ai có thể chối bỏ. “Dù xưa hay dù nay, dù Đông hay dù Tây thì lúc nào tuổi trẻ, đặc biệt là trẻ con vẫn là tín hiệu cho thấy rất rõ triển vọng tương lai của nhân loại, của mỗi một quốc gia, dân tộc. Vì tương lai không nằm ở người già” - nhà thơ nhấn mạnh.
Viết cho thiếu nhi phải giản dị nhưng không đơn giản
Tuy không phải là nhà thơ sáng tác nhiều cho trẻ con. Song những tác phẩm thơ, truyện thơ của nhà thơ Đỗ Trung Lai dẫu chỉ thấp thoáng yếu tố thiếu nhi nhưng lại hết sức sâu sắc với nhiều tầng nghĩa. Từ bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con chứa đựng cả một chân lý vĩnh cửu cho đến những bài thơ viết riêng tặng con gái, nhà thơ Đỗ Trung Lai đều dồn nén vào trong từng câu chữ những ý niệm sâu sắc mà hiếm có một nhà cầm bút nào có thể đặt để khéo léo như ông.
Ví như trong bài thơ Tôi ru con gái tôi chỉ là lời ru con gái thôi cũng thấm đẫm lẽ sống, nỗi đời: “Đừng ham ngũ sắc làm chi/ Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu/ Đò đầy, phá rộng, sông sâu/ Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua…”. Gửi vào thơ nhiều lớp nghĩa thế nhưng thơ Đỗ Trung Lai không mất đi vẻ tự nhiên mà dễ dẫn dụ cảm xúc của người đọc, chạm đến tầng sâu của tâm tưởng.
Xưa nay dù là viết thơ hay viết văn xuôi cho thiếu nhi luôn là một thách thức đối với người lớn. Bởi thế, văn đàn lâu nay vắng bóng những tác phẩm văn học thiếu nhi có chất lượng. Muốn viết cho thiếu nhi hay, đơn giản, dễ hiểu thôi chưa đủ, cần phải có thêm cả sự sâu sắc. Bàn luận về điều này, nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng: “Viết cho trẻ con không có nghĩa là bắt chước giọng trẻ con, bởi như vậy không làm được. Trẻ con nói ngộ nghĩnh, dù bắt chước được trong thơ văn nhưng ý nghĩa đem lại không sâu. Phải rất sâu sắc mới có thể viết cho trẻ con, làm sao giản dị nhưng không đơn giản, giản dị để trẻ con hiểu nhưng rất sâu sắc thì không đơn giản”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Có một 'Dàn nhạc mùa Hè' của Dương Kỳ Anh
Qua quan sát và đọc, tác giả của bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con cũng cho rằng nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay là “chuyện người tốt, việc tốt, viết theo kiểu dạy dỗ” mà không có được nhiều ý nghĩa sâu sắc. Dẫn ra những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi hay, có giá trị, nhà thơ cho rằng: “Viết cho thiếu nhi tôi thấy Dế mèn phiêu lưu ký là tuyệt hay, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Thêm một tác phẩm hay khác là truyện Lá cờ thêu 6 chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng viết về Trần Quốc Toản không hề giọng trẻ con”.
Hay những tác phẩm như Không gia đình của nhà văn Pháp Hector Malot; Những tấm lòng cao cả của nhà văn người Italy Edmondo De Amicis cũng đều là những tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi được xếp vào hàng kinh điển trên thế giới.
Thể nghiệm sự viết cho thiếu nhi với nội dung sâu sắc trong vỏ bọc của sự đơn giản, dễ hiểu, nhà thơ Đỗ Trung Lai từng có một tác phẩm truyện thơ dài đến 2 trang đăng trên báo Văn nghệ với tựa đề Chú bé trốn học và cây cột điện. Dù có ít ỏi những tác phẩm viết cho thiếu nhi song không thể phủ nhận, thơ viết cho trẻ con của nhà thơ Đỗ Trung Lai luôn ẩn tồn những giá trị ở tầng sâu tư duy được “cấy trổ” một cách khéo léo trên bề mặt ngôn ngữ tường minh, hợp giọng trẻ thơ.
Những tác phẩm đã xuất bản của Đỗ Trung Lai Nhà thơ Đỗ Trung Lai vào Hội Nhà văn Việt Nam 1991, ông đã xuất bản các tác phẩm: Đêm sông Cầu (1990), Anh em và những người khác (1990), Người chơi đàn Nguyệt ở Hàng Châu (truyện ngắn và ký, 2000), Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng (2008), 100 nhà thơ Đường (2013), Ơ thờ ơ (2013), Kể chuyện rong về những ngày có giặc (trường ca, 2015), Tụng lục bát (trường ca, 2017), Trúc Lâm Tam Tổ thi (2016). |
(Còn nữa)
Công Bắc
Tags