Nhà văn Bích Ngân: 'Nối nghiệp' Bác Ba Phi

Thứ Hai, 01/07/2013 14:51 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống này suy cho cùng cũng là những chuyện của đàn ông và đàn bà, hai “phái mạnh”, “phái yếu” hợp lại mà tạo ra thế giới, tạo ra cuộc đời và tạo ra khóc cười. NXB Trẻ vừa ấn hành tập truyện Cái đầu siêu định vị được nhà văn Bích Ngân “luận bàn” giới tính, hay đúng hơn là thế giới con người bằng góc nhìn hài hước.

Ở ta hiện nay có rất nhiều đấng mày râu viết truyện trào phúng hoặc tiểu phẩm hài, như: Lê Văn Nghĩa, Tạ Duy Anh, Lê Hoàng, Trần Nhã Thụy... nhưng phụ nữ viết thể loại này dường như quá hiếm. Có thể ví von nhà văn Bích Ngân như “hoa giữa rừng gươm” giữa các nam đồng nghiệp khi sáng tác thể loại này.

Luận giới tính bằng truyện hài hước

Người chồng trong mắt người vợ, theo miêu tả trào lộng của nhà văn Bích Ngân: “Lúc nào nàng cũng có 1.001 lý do để chê chồng: Tôi có cái mùi hăng hăng như mùi gián. Râu ria tôi mọc loạn xạ, không theo trật tự kỷ cương nào, báo hại mỗi khi mớ râu rồng chạm vào nàng, nàng rùng mình như bị gai đâm. Ăn uống không chút ý tứ, nhai nhồm nhoàm, nuốt ừng ực như kẻ lúc nào cũng đói khát, ngay cả khi no, cũng là no... cục bộ. Nói chẳng khác gì vô-luym mở quá cỡ, cứ oang oang như sống giữa đồng không mông quạnh. Còn khoản ái ân, chồng nàng đích thị là một gã nhà quê...”.

Nhà văn Bích Ngân
Nhà văn Bích Ngân hẳn nhiên là phụ nữ, cũng theo chị thì “đàn bà nói dzậy mà không phải dzậy!”. Trong thực tế, các bà lúc nào cũng có lý do để chê chồng, nhưng như một câu ca dao: “Chồng là củi mục gầm giường/ Đứa nào đụng đến... trầm hương của bà”. Theo Bích Ngân, phụ nữ chê các đấng lang quân là vậy, song có ai đụng đến lập tức các bà lồng lộn lên ngay.

Chẳng hạn trong truyện Đàn ông nông nổi, ông chồng làm nhà giáo “có lương tâm” nên suốt ngày bứt rứt, rị mọ với đống sách giáo khoa be bét lỗi sai. Ông nhiệt tình với sách giáo khoa là thế, nhưng khi “lên giường” với vợ thì cứ ngất nga ngất ngứ như học trò trả bài không thuộc. Vợ ông cứ nghĩ do nhan sắc của bà không còn hấp dẫn được chồng nên tìm đến thẩm mỹ viện. Hóa ra, người chồng không vì sách giáo khoa mà yếu thế đàn ông, cũng không vì nhan sắc người vợ thiếu “hóa chất” bơm vào, đơn giản vì tình cảm đã cạn nên mọi thứ khó cứu vãn. “Đàn bà sâu sắc” vì nghĩ rằng “bơm vá” là hấp dẫn chồng, còn “đàn ông nông nổi” khi cho rằng “đồng khô hồ cạn” không cái gì có thể bơm... cảm hứng vụt trào lên được.

Hồng nhan tán chuyện ba đào

Gặp Bích Ngân bên ngoài với dáng vẻ nghiêm nghị, khó nghĩ rằng chị có thể quan sát mọi sự xung quanh với nhãn quan trào lộng. Có lẽ Bích Ngân sinh ra ở Cà Mau - quê hương của Bác Ba Phi - nên chị thừa hưởng được các tố chất hài hước của người dân miệt vườn tận cùng tổ quốc, hay nói cách khác là “nối nghiệp” Bác Ba Phi. Nhà văn Bích Ngân “thanh minh”: “Văn sao người vậy, câu này vẫn đúng nếu đừng đánh giá con người bằng vẻ ngoài. Tôi chỉ “có vẻ” nghiêm túc đối với những ai chưa thật hiểu mình”.

Cái đầu siêu định vị
Các truyện hài hước trong Cái đầu siêu định vị, như nhận định của nhà báo Dương Thành Truyền (Chủ tịch HĐTV NXB Trẻ), “cái giường” là một nhân vật chứng kiến các trò đời giữa đàn ông và đàn bà, giữa đàn ông và bồ nhí. “Cái giường” chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt để rồi đọc xong một truyện còn lại cái dư vị... ngậm ngùi. Từ “cái giường” - nơi gắn kết hai giới tính nam, nữ - biết bao câu chuyện thế sự liên quan đến từng gia đình, được nhà văn diễn lại bằng ngôn từ trào lộng.

Mới đây, các hoa hậu, người mẫu phải ra tòa nhận án tù vì “kinh doanh trái phép vốn tự có” kiếm hàng ngàn đô - việc này cũng là chuyện liên quan đến “cái giường”. Khi vụ án này vừa phơi trên mặt báo, Bích Ngân đã viết truyện hài Thình lình giàu. Đọc truyện này không phải để cười các cô chân dài lỡ dại làm cái “nghề rất cổ xưa” rơi vào vòng lao lý. Đọc để cười cái sự đời về những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, nhởn nhơ không sợ lộ hàng. “Nói trắng phớ ra, đó mới là điếm trùm, loại điếm moi tiền lẹ nhất, nhiều nhất” - nhà văn mượn lời nhân vật bày tỏ.

Chuyện thế sự ba đào trong cuộc sống này có quá nhiều điều khiến người ta không biết làm gì ngoài... cười. Nhưng để người đọc cười được lại là việc làm không dễ. Nữ nhà văn Bích Ngân, chia sẻ: “Viết theo phong thái hài hước không dễ chút nào, nếu không nói là quá khó. Một gương mặt có một nụ cười duyên nhưng vẫn cứ nụ cười đó, đôi môi đó, ánh mắt đó vẫn gắn lên khuôn mặt quen thuộc đó thì dễ làm người ngắm nhìn đâm chán. Tôi sẽ không xăm xăm đi theo mà cũng không quay mặt rẽ lối. Tôi vẫn sẽ viết thể loại này khi nắm bắt được tình tiết hay tình huống có thể viết nên truyện hài hước hay vở kịch chứa nhiều trữ lượng hài hước”.

Hy vọng người thích truyện trào phúng vẫn tiếp tục đón nhận những câu chuyện “ba đào” được “tán” bởi “hồng nhan” Bích Ngân.

Cảm ơn “bà đỡ” của nhiều truyện hài hước

Nhà văn Bích Ngân sinh năm 1960 tại Đầm Dơi, Cà Mau, tốt nghiệp khoa văn ĐH Tổng hợp TP.HCM và Trường Viết văn Nguyễn Du. Hiện đang làm Phó Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ, hội viên các Hội: Nhà báo Việt Nam, Nhà văn Việt Nam, Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đã in 6 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, nhiều kịch bản sân khấu... nhận nhiều giải thưởng văn học, sân khấu của các báo và các hội nghề nghiệp.

Cái đầu siêu định vị là tập truyện hài hước thứ hai của chị sau Trăng mật ở đảo. Nói về cơ duyên trình làng truyện hài hước, Bích Ngân cho biết: “Để ra mắt được hai tập truyện hài hước, tôi muốn nói lời cảm ơn bán nguyệt san Tuổi Trẻ cười và người đồng nghiệp luôn xét nét câu chữ nhưng hết sức tận tâm giúp đỡ là nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa - Chủ biên bán nguyệt san này. Nếu không có Lê Văn Nghĩa và Tuổi Trẻ cười, có lẽ tôi đã không có điều kiện để biết mình có khả năng viết được truyện hài hước”.


Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›