(Thethaovanhoa.vn) - “Cuộc sống thực của chúng ta đầy những điều kỳ diệu và sâu lắng nên người người viết không phải dụng công bịa đặt làm gì. Giờ tôi thấy nhiều thứ văn chương dài lê thê quá. Ta cứ nói đúng nhịp đập và tốc độ cuộc sống của thời 4.0 này là đã thành công rồi. Độc giả bây giờ không cần chúng ta rao giảng đạo đức nữa. Tôi thích đọc những kiểu văn chương như thế, cũng như tôi thích xem phim hành động vậy, nên chắc nó vận vào cuốn sách đầu tay này”!
Đó là những chia sẻ thú vị của tác giả Quân khu Nam Đồng, trong buổi giao lưu hiếm hoi về văn chương mà ông góp mặt mới đây tại quán Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), kể từ khi bút danh Bình Ca xuất hiện trên văn đàn cách đây hơn 4 năm, tạo ra nhiều tò mò và tranh luận cho độc giả và giới sáng tác.
Tự nhận thành công là nhờ… “chó ngáp phải ruồi”
Tác giả Bình Ca (tên thật: Trần Hữu Bình) trưởng thành trong một gia đình có bố là nhà văn quân đội Trần Hữu Mai. Khu tập thể nơi gia đình ông sống cũng có khá nhiều cây bút văn chương nổi tiếng, nên có thể nói từ nhỏ, ông không lạ lẫm gì với sách và giới văn nghệ sĩ. Nhưng Bình Ca quyết định không theo nghiệp viết lách, vì cuộc sống của những văn sĩ như bố ông hồi đó quá nhiều khó khăn.
“Tôi rất tâm đắc với câu “Lập thân tối hạ thị văn chương”, nên từ hồi trẻ tôi luôn giữ vững lập trường không có dây dưa gì với văn chương cả!” - tác giả Quân khu Nam Đồng hài hước chia sẻ với độc giả.
Tưởng như không đội trời chung với văn chương là thế, nhưng có lẽ từ trong sâu thẳm tâm tưởng, cái duyên giữa Bình Ca với con chữ đã được ươm mầm từ bé, chỉ chực chờ cơ hội để “kết trái”.
Năm 2014, nhân một cuộc họp mặt những người từng sống ở khu tập thể Nam Đồng, tác giả Bình Ca thấy nhiều người viết và chia sẻ những kỷ niệm lên mạng xã hội và nhận được nhiều quan tâm hưởng ứng. “Những cảm xúc tuổi trẻ ùa về, tôi nghĩ còn bao chuyện hay nên trong 2 tháng sau đó, tập trung viết lại. Cứ viết cho vui thôi chứ chả có ý tưởng hay thông điệp gì phức tạp cả. Hồi đó vẫn còn đi làm nên tôi tranh thủ viết vào các buổi tối. Nhiều hôm vào… toilet bỗng dưng nhớ ra chuyện gì đó nên ôm máy vào để viết luôn”.
Ban đầu, tác giả Bình Ca cũng chỉ định đăng tải lên Facebook cá nhân, chứ không nghĩ đến việc xuất bản sách. Bởi ông nghĩ đơn giản, những cái mình kể ra cũng nhiều người biết, chả có gì đáng gọi là giá trị văn chương cả.
“Người em ruột của tôi theo nghiệp bố, cũng là một nhà văn, sau khi thức đến 5h sáng để đọc liền một mạch hết bản thảo trong một cơn say rượu, đã bảo tôi in sách. Ban đầu tôi cũng ngại, nhưng rồi ma xui quỷ khiến thế nào lại đồng ý. Nhưng cũng không quên nhắc là in bằng giấy mềm. Để nếu sách có chán quá thì người ta còn dùng làm việc khác được”.
Và từ những câu chuyện tếu táo tưởng như nửa đùa nửa thật ấy, cuốn sách đã được NXB Trẻ xuất bản năm 2015, trở thành một cuốn best-seller, trong sự ngỡ ngàng của chính tác giả. Đến nay, Quân khu Nam Đồng đã được tái bản 15 lần với khoảng 32.000 bản in. Thế nhưng, Bình Ca vẫn khiêm tốn gọi thành công của cuốn sách đầu tay ấy là “chó ngáp phải ruồi”, may mắn được độc giả thích. Và cũng oái ăm, trong suốt một thời gian dài, không ai biết mặt mũi tác giả như thế nào!
Ngại tiếp xúc với độc giả và báo chí vì… chả biết gì về văn chương
Một điều đáng ngạc nhiên là buổi giao lưu với tác giả Bình Ca tại không gian Ơ kìa Hà Nội có rất đông các bạn trẻ. Nhiều độc giả khi được hỏi, đều cho biết, họ đến vì yêu thích cuốn sách từ lâu, nhưng chưa có cơ hội gặp gỡ tác giả.
Rất ngại phải trả lời những câu hỏi về nghệ thuật viết lách bởi không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, tuy nhiên, tác giả Bình Ca vẫn nhiệt tình giải thích những thắc mắc liên quan đến các nhân vật, tình tiết trong cuốn sách. Những trường đoạn đánh nhau là một ví dụ.
Trong cuốn sách của mình, Bình Ca tái hiện chân dung những đứa trẻ trong khu gia binh lớn nhất Hà Nội những năm 1970, liên kết lại để chống chọi sự thách đấu của những nhóm “anh chị” khác, để thỏa chí “yêng hùng” tuổi trẻ, để chứng tỏ mình con nhà lính.
Ông kể lại người biên tập cuốn sách từng bày tỏ lo ngại vì sách có nhiều cảnh “bạo lực”, “ghê rợn” quá. “Tôi có nói rõ quan điểm của mình là truyện chỉ có 4 trận đánh nhau. Nhưng đến trận cuối cùng, tôi đã đưa ra thông điệp là nếu các bạn trẻ ở những bước đi đầu đời đã chọn đánh nhau để giải quyết xung đột thì sẽ trượt ngã. Bạo lực không thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống này được” - Bình Ca chia sẻ.
Nhà làm phim Nguyễn Hoàng Điệp cũng đồng tình với quan điểm này của tác giả Bình Ca. Chị cho biết từng nghe nhiều ý kiến thắc mắc tại sao lại yêu thích và chọn giới thiệu cuốn sách này vì yếu tố bạo lực có thể ảnh hưởng đến giới trẻ.
“Tôi là người làm nghệ thuật và tôi hiểu rằng, không phải cứ viết về đánh nhau nghĩa là người viết cổ vũ việc đánh nhau. Tôi hy vọng những chia sẻ của tác giả Bình Ca hôm nay sẽ giúp độc giả là phụ huynh hay các em nhỏ suy ngẫm và hiểu rõ ý đồ ấy”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, tác giả Đập cánh giữa không trung, cũng tiếc nuối vì dự định chuyển thể Quân khu Nam Đồng thành một bộ phim cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì nhiều lý do khách quan. |
Viết Hùng
Tags