(TT&VH Cuối tuần) - Bỏ làm báo (một tờ báo lớn), hình như quên cả viết văn (từng đoạt giải Văn học tuổi 20), giờ là bà chủ cửa hàng “chăm sóc vẻ đẹp” (shop thời trang). Cuộc trò chuyện cuối tuần giữa TT&VH với (cựu) nhà báo, nhà văn Hải Miên bắt đầu từ “điểm nóng dư luận” gần đây : chuyện cái đẹp “lên tiếng”.
* Cuộc tranh cãi về quan điểm “phụ nữ chỉ cần đẹp với ngoan thôi, không cần thông minh” của người đẹp Ngọc Trinh đã khiến vài nhà văn phải lên tiếng,chị thấy quan điểm này thế nào?
- Câu nói của cô ấy phản ánh đúng tâm lý của cô ấy, nhưng cũng nói lên cả một lịch sử nhận thức của loài người về việc phụ nữ có cần có trí tuệ không. Cuộc tranh cãi ấy đã ngã ngũ từ lâu, nhưng với người Việt Nam thì hình như không phải thế. Người ta ngại phụ nữ thông minh, đàn ông ngại, các phụ huynh đi tuyển dâu còn ngại hơn. Vì người phụ nữ thông minh dễ làm cho người ta thấy bị lép vế, bị ức chế, người ta nghĩ cái thông minh ấy được dùng để lấn lướt người khác hơn là để mang lại cái gì đó tốt đẹp.
* Còn quan điểm của chị?
- Việc ai coi trọng cái gì mang tính cá nhân rất cao. Cuộc sống người này cần sắc đẹp, họ sẽ chọn sắc đẹp, cuộc sống người kia cần sự thông minh, họ sẽ chọn sự thông minh. Tuy nhiên, không nên vin vào lựa chọn ấy để nói kẻ kia là sang hay hèn.
* Tôi thì nghĩ là cả sự thông minh và nhan sắc mình đều không chọn được.
- Đúng như vậy, con người không thể lựa chọn cái đẹp hay trí thông minh cho mình, bởi đấy là di truyền, là di sản. Nhưng trí thông minh hay nhan sắc đều có thể gia tăng hoặc làm kém đi so với cái vốn mình có ban đầu.
* Đặt giả thiết là chị được phép chọn cho mình một trong hai thứ, chị sẽ chọn gì?
- Việc mong muốn gì tùy thuộc vào đời sống cá nhân của mỗi người. Tôi thì cần sự thông minh hơn là sắc đẹp. Trước hết do công việc của tôi, trí thông minh, sự hiểu biết và kinh nghiệm sống giúp tôi có thể phán đoán, nắm bắt vấn đề và ra quyết định. Từ bé tôi đã quen với chữ nghĩa, sách vở, đời sống phát triển mạnh về hướng tinh thần, nên càng có thêm chút thông minh nào thì tốt hơn chừng ấy. Hình thức tôi thuộc loại trung bình yếu, nhưng cũng chưa gặp rắc rối, bất lợi nào vì mình không đủ xinh cả.
* Nếu chị được sinh ra là người xinh đẹp thì sao? Chị có bao giờ đặt giả thiết như vậy không?
- Đấy từng là giấc mơ hằng đêm của tôi. Thật ra xinh đẹp là mơ ước thường trực nhất của mọi cô gái khi ở tuổi thiếu nữ. Lúc đó, chỉ có xinh đẹp mới khiến các chàng trai chú ý và say mê. Chưa từng đọc ở đâu một hoàng tử tương tư cô gái xấu. Ở tuổi ấy tôi chỉ nhìn thấy một vẻ đẹp duy nhất, đấy là vẻ đẹp hình thức. Nhưng chỉ cần sống thêm ít năm nữa, là nhận ra người ta có thể đắm đuối, mê mẩn một người vì những vẻ đẹp rất khác, chả liên quan gì đến sống mũi thanh tú hay làn da nhung lụa.
* Lúc thiếu nữ, chị thấy vẻ đẹp bề ngoài so với ước mơ của chị được bao nhiêu phần trăm?
- Tôi thấy bản thân tôi phản bội hoàn toàn cái chuẩn thẩm mỹ về vẻ đẹp phụ nữ của tôi. Nhưng rồi sau đó phải thu xếp với bản thân mình cho ổn thỏa giữa cái mình đang có với cái mình mơ ước. Thỏa hiệp với chính mình là vậy.
* Trước đây hoa hậu Thu Thủy từng tạo ra dư luận khi nói rằng “đẹp là một tài năng”…
- Đẹp và tài năng có thể hoán đổi cho nhau ở một mức độ nào đấy, trong một vài nghề nghiệp. Trong lịch sử từng có những diễn viên được ca ngợi cả về tài năng dù trên thực tế chỉ vì cô ấy quá duyên dáng, quá quyến rũ. Lại có những người cứ càng sống chúng ta càng thấy họ đẹp hơn chỉ vì họ tài năng. Tôi nghĩ câu nói ấy bị người ta phản đối về mặt từ ngữ là chính. Người ta vẫn nghĩ tài năng mới có ích cho cộng đồng còn cái đẹp thì không, nhưng trong thực tế, dù bản chất của cái đẹp là phù phiếm, thì sự phù phiếm ấy vẫn cần thiết và có ích cho đời sống của chúng ta.
* Có ích?
- Không phải con người luôn mơ ước và theo đuổi sự hoàn thiện đấy sao. Những con người có hình thức đẹp hoàn hảo như vậy là những tạo vật vô giá, nó là bằng chứng cho thấy cuộc theo đuổi ấy của loài người là không vô vọng. Nó khiến chúng ta yêu mến và tự hào hơn về giống loài của mình. Như vậy là có ích chứ.
* Với trường hợp của Ngọc Trinh, khi cô ấy dùng sắc đẹp để có tiền lo cho gia đình cũng được đánh giá là có ích. Sự có ích mà chị nói đến là gì?
- Angelina Jolie dùng sắc đẹp và danh tiếng của mình để tạo ảnh hưởng lên cả thế giới và làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. Ngọc Trinh chỉ dừng lại ở việc mang lại lợi ích vật chất cho bản thân và gia đình. Cái giống mà khác ấy là do tầm trí tuệ của mỗi người.
* Từ nhỏ tôi, có lẽ là tất cả những đứa trẻ như tôi và chị, được bố mẹ dạy bảo là phải nghe lời, sống tốt, trung thực, chịu khó học, chăm làm… và chẳng ai dạy con cách làm đẹp hay bảo con phải biết trân trọng thân thể. Còn bây giờ một người bạn của tôi còn cổ vũ con đi bơm ngực để “cho đỡ thiệt thòi”.
- Tôi thấy thời nào cũng có cái cực đoan xuất phát từ bối cảnh xã hội và có thể lý giải được. Thời trước sự cực đoan trong cách giáo dục của bố mẹ mình xuất phát từ sự khó khăn của việc kiếm sống cũng như phương thức kiếm sống quá đơn điệu, chủ yếu trông vào lao động chân tay, một số ít là lao động trí óc, các ngành dịch vụ, nghệ thuật kém phát triển và còn bị kỳ thị. Bây giờ, chủ nghĩa hình thức bùng phát, cũng bởi cơ cấu ngành nghề và hướng phát triển kinh tế của chúng ta thay đổi quá nhanh, đột ngột, hễ nhân tố nào giúp người ta kiếm tiền được dễ, được nhanh là người ta quay sang coi trọng nó. Tôn vinh quá mức một thứ dễ dẫn đến độc tôn là vậy. Làm thế nào để cân bằng giữa trí tuệ và sắc đẹp mới là chuyện đáng nói. Làm sao một cô gái có thể dành một ngày mấy tiếng đồng hồ để điểm trang nhưng cũng dành mấy tiếng đồng hồ để đọc sách? Thông thường người ta hay bị trượt vào điểm này hoặc điểm kia. Chẳng hạn tôi có thể đọc sách hết tuần này đến tuần khác, nhưng đi làm đẹp thì rất ngại. Nhưng người say mê làm đẹp thì lại rất ngại dành thời gian cho sách vở. Rất hiếm gặp những trường hợp có thể dung hòa được hai việc này.
* Tôi thấy chị là người say mê việc làm đẹp đấy chứ, chị mở tới 2 cửa hàng bán đồ thời trang và rất bận rộn với việc đi tìm những thứ đẹp đẽ về để bán cơ mà.
- Khuynh hướng của tôi là say mê nhìn ngắm thôi chứ ít khi muốn biến mình thành đối tượng được nhìn ngắm.
* Tôi có người bạn, vợ chồng anh yêu nhau từ thời mới lớn rồi thành vợ thành chồng, chị vợ khi chưa cưới rất xinh đẹp, năng động. Nhưng sau khi sinh con, chị không đi làm nữa, ở nhà nuôi con. Mười mấy năm trôi qua, chị thay đổi hẳn, mặc dù vẫn xinh đẹp, nhưng đã trở nên “tụt hậu” so với chồng, lúc này đã là một doanh nhân thành đạt. Khi cùng chồng đến các buổi gặp gỡ, chị thường khiến chồng phải xấu hổ vì cách ăn nói, cư xử. Anh chồng thì liên tục cặp bồ với những phụ nữ không xinh đẹp như vợ mình nhưng rất thông minh và tự chủ trong cuộc sống. Cảm nhận của chị về việc này ra sao?
- Ở đây chúng ta nên sòng phẳng rằng không phải hễ cứ ông chồng có bồ thì đó là do lỗi của bà vợ, không thể nói vì cô thiếu cái ấy nên tôi đi tìm người có để bổ khuyết. Ta vẫn gặp những người phụ nữ vừa thông minh, xinh đẹp, chu toàn nhưng chồng vẫn có bồ. Tôi cho rằng mỗi vẻ đẹp đều đáp ứng một khía cạnh nào đó về mặt cảm giác. Vẻ đẹp cuốn hút của hình thức, sự lấp lánh của trí thông minh, sự ấm áp của một tâm hồn cao cả, ngay cả sự đanh đá sắc sảo cũng đem lại sự thú vị nào đó. Vấn đề là chúng ta có được phép đối xử với con người theo kiểu gọi món ăn trong nhà hàng không, gọi 3-4 món một lúc, mỗi món đáp ứng một vị giác khác nhau. Nếu ai có quan niệm như vậy, thì người đó có vấn đề về đạo đức chứ không còn là chuyện thẩm mỹ nữa.
* Chị có thể “đo” sức hút của bản thân với người đàn ông của mình?
- Mỗi con người, dù đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ đều tỏa ra xung quanh mình một từ trường, hấp dẫn các mạt sắt là những người xung quanh. Lực từ trường ấy mạnh hay yếu không đơn thuần do nơi hình thức. Tôi nhận thấy người đàn ông của tôi thích ở gần tôi, thích trò chuyện với tôi, thích rủ tôi đi cùng trong những chuyến đi của anh ấy. Có thể tình cảm của chúng tôi được xây dựng trên một cơ sở lâu bền, trong đó tình bạn rất nhiều, có sự gần gũi, chia sẻ với nhau, mang tính đồng hành và cộng sự. Chứ tôi nghĩ tách riêng vẻ bề ngoài của tôi ra thì không đủ để hấp dẫn bất cứ người đàn ông nào. Cứ mang ảnh của tôi mà dán ngoài cột điện rồi ghi là cô này cần kiếm chồng thì sẽ không bao giờ kiếm được (cười). Nhưng khi cho tôi một cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện và chơi bời với nhau thì kiểu gì tôi cũng xoay xở được! (cười)
* Vậy chị có tự hào vì mình có thể hấp dẫn người đàn ông không phải bằng hình thức?
- Không. Tôi vẫn cảm thấy nếu tự nhiên sinh ra người đàn bà đơn thuần chỉ bằng vẻ đẹp cơ thể, sự duyên dáng bẩm sinh mà đã thu hút nam giới rồi thì đó là điều tốt nhất. Ngoài ra, những cái khác phải bằng sự nỗ lực cố gắng để thu hút, tôi lại thấy thương thương.
* Chị thương mình à?
- Không. Trời cho tôi cái khí chất tự nhiên có thể thu hút người khác phái lẫn cùng phái mà không phải cố cái gì cả. Tự thích thì tự đến. Bản thân tôi trong cuộc sống không cố để thu hút, đàn ông, không đặt việc thu hút đàn ông là việc gì đó giống như một nhiệm vụ hay sở thích. Tôi lớn lên rất bình thường, đến tuổi yêu đương gặp được người như ý rồi thì lấy nhau và hài lòng với người đàn ông của mình nên không có áp lực về việc chinh phục nam giới. Tôi tự đảm đương được công việc, tự đứng vững trong cuộc sống, tự “thiết kế” những giấc mơ và hiện thực một vài giấc mơ trong chúng mà không cần phải nương tựa hay thông qua những người đàn ông để có được chúng. Phụ nữ muốn được tự chủ thì phải tự lập thôi. Những người đàn bà say mê việc chinh phục đàn ông trong khi tuổi trẻ, sắc đẹp, sự hấp dẫn đã mất đi mới thật là khổ, tôi nhìn mà hãi lắm.
* Tôi thấy trong cuộc sống hiện nay, vẻ đẹp bề ngoài rất quan trọng với tất cả mọi người.
- Tôi nghĩ rằng vẻ đẹp hình thức lên ngôi một phần vì chúng ta ngày càng hời hợt, vội vã hơn và ít khả năng cảm nhận những vẻ đẹp khác bên cạnh vẻ đẹp hình thức. Nó là một biểu hiện của xã hội tiêu thụ, cái gì cũng phải nhanh chóng, tức thời. Khi xuất hiện là phải gây hiệu ứng tức thời chứ không ai cho mình thời gian để mà khám phá những vẻ đẹp lặng lẽ, âm thầm khác.
* Thế nên mới có những khóa học dạy cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện… để có thể gây ấn tượng khi mới gặp trong vòng 11 giây đầu tiên (theo một nghiên cứu nào đó).
- Người ta dạy như thế không sai, vấn đề ở đây là mình đang quá thu hẹp phạm vi của ấn tượng đầu tiên. Cái nhìn đầu tiên với một người trẻ, ít kinh nghiệm thì chỉ bao gồm: cô/anh này có xinh không, quần áo cô/anh ấy mặc hiệu gì. Nhưng một người sâu sắc và nhiều kinh nghiệm lại nhìn thấy: người này có học hay vô học, chân thật hay giả dối, tình trạng kinh tế thế nào, có đáng tin không, có chơi được không v.v…
Suy cho cùng, sắc đẹp hay trí tuệ đều là tài sản của một người và đương nhiên là không ai muốn phá sản. Người coi sắc đẹp là tài sản lớn nhất sẽ đầu tư thời gian, tâm trí để bảo toàn sắc đẹp. Người coi trí tuệ là tài sản lớn sẽ ưu tiên chăm chút cho trí tuệ. Nếu tài sản lớn nhất của bạn là những đứa con thì mọi sự chú ý của bạn sẽ hướng vào con. Không có mẫu số chung cho mọi phụ nữ. Đàn ông cũng vậy, mỗi người mỗi gu và họ sẽ tìm đến người phụ nữ hợp gu mình. Bản thân mình thấy ổn thỏa với mình, với người quan tâm đến mình là được, còn chuyện ai ưu tiên cho điều gì nhất trong cuộc sống cũng chỉ là chuyện để bàn tán cho đỡ nhạt miệng, ngoài ra rất ít giá trị tham khảo.
Đọc sách mới còn nhanh lạc hậu hơn * Chị nghỉ làm báo để viết văn cách đây 3 năm. Bây giờ chị đang viết gì? - Bây giờ tôi chỉ viết hóa đơn bán hàng, và mong là viết được càng nhiều càng tốt. (Cười). * Tại sao lúc trước chị nghỉ làm báo để viết văn để rồi bây giờ văn cũng chẳng viết mà lại đi mở cửa hàng thời trang? - Tôi quyết định nghỉ làm báo để viết văn vì đến lúc phải làm thế, tôi chỉ có thể tập trung vào một việc. Bây giờ viết xong rồi tôi lại chuyển sang làm việc khác. Cửa hàng thời trang là ước mơ của tôi từ lâu nhưng đến giờ mới thực hiện được vì nhiều lý do. Xuất phát từ việc tôi ghiền mua sắm, cũng có những nguyên do sau xa khác từ thời thơ ấu mà tôi không lý giải được hết. Nhưng được làm cái mình muốn là sướng nhất. * Vậy là chị đang thấy sung sướng? - Bên cạnh sự sung sướng cũng có những cái vất vả, nhưng cũng như yêu thôi, nếu phải vất vả vì người mình yêu thì thấy hạnh phúc. * Chị còn đọc sách chứ? - Tôi vẫn đọc thường xuyên. * Chị đang đọc gì vậy? - Văn học cổ điển Nga. Tôi đang đọc tới cuốn Anh em nhà Caramazov của Dostoyepxky. * Tại sao lại là văn học cổ điển Nga chứ không phải những cuốn sách mới? - Vì văn học cổ điển Nga tôi đọc từ khi còn rất nhỏ, hồi cuối cấp 1, cùng với văn học cổ điển Pháp. Sau này cứ cho rằng mình đã “thanh toán” xong hết những thứ này rồi nhưng thực ra là chưa vì lúc đó đọc mình không hiểu gì lắm và cũng quên gần hết rồi. Nên bây giờ đọc lại rất thích. Nhiều người nói tôi lạc hậu mới đi đọc lại cái cũ, nhưng tôi lại thấy đọc sách mới mới là nhanh lạc hậu. * Tại sao? - Vì sách mới sau vài tháng hoặc vài năm sau sẽ thành cái cũ. Còn những cuốn kinh điển sẽ không bao giờ lạc hậu. Chính những người đọc sách mới mới nhanh lạc hậu hơn tôi. (Cười). |
Dương Vân Anh (thực hiện)