(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn người Anh Orlando Figes vừa phát hành cuốn sách The Europeans: Three Lives And The Making Of A Cosmopolitan Culture hôm 19/9. Và, một phần lớn dung lượng cuốn sách là câu chuyện về mối tình tuyệt vọng của nhà văn Nga Ivan Turgenev (1818 – 1883) với Pauline Viardot, nữ ca sĩ opera Pháp, người đã khiến ông sống độc thân trong suốt cuộc đời.
Pauline Viardot (1821-1910) bây giờ dường như đã gần như chìm vào quên lãng. Vậy nhưng, bà từng là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong thế giới nghệ thuật vào thế kỷ 19.
“Tiếng sét ái tình”
Pauline sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Cha bà, ông Manuel Garcia có hai vợ nhưng là người rất vũ phu. Chị gái của Pauline, Maria Malibran, ra mắt làng opera từ năm 14 tuổi và nhanh chóng trở thành một siêu sao opera quốc tế. Thế nhưng, sân khấu opera đã hoàn toàn thuộc về Pauline sau cái chết bất ngờ của Maria khi đang lưu diễn ở Manchester.
Chẳng hề ngạc nhiên khi xem Pauline trình diễn, nhiều người đã so sánh bà với chị gái Maria. “Cứ như chị gái của cô ấy sống lại” - một nhà phê bình nhận định khi Pauline thực hiện màn biểu diễn ra mắt ở Paris.
Theo mô tả trong cuốn sách của Orlando Figes, Pauline không có vẻ đẹp lộng lẫy. Giàu có nhưng xấu xí - đó là cách mà những fan đương thời mô tả về bà. Bù lại, Pauline có sức hút và giọng ca tuyệt vời trên sân khấu
Thời điểm đó, những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển nổi tiếng được đối xử chẳng kém gì các ngôi sao nhạc rock ngày nay. Điển hình, trong các chương trình hòa nhạc của mình, Liszt, nghệ sĩ piano kiêm nhà soạn nhạc tài năng, luôn có những người phụ nữ ở hàng ghế đầu tranh nhau nắm lấy chiếc khăn tay hoặc găng tay mà ông thả xuống một cách khéo léo khi ngồi vào cây đàn piano.
Khi Pauline ngoài 20 tuổi, bà cũng nổi tiếng và được ngưỡng mộ chẳng kém gì Liszt. Năm 1843, màn trình diễn của Pauline tại nhà hát Bolshoi ở St. Petersburg đã trở thành chủ đề bàn tán trong thành phố này thời điểm đó. Thậm chí 2 ngày trước khi diễn ra màn hòa nhạc của Pauline, một tờ báo đã đăng tải bài phê bình ca ngợi màn diễn của Pauline hết lời kèm theo mô tả về những tràng pháo tay vang dội chào đón nữ ca sĩ.
Bài báo đó quả như một lời “tiên tri” bởi tràng pháo tay thể hiện sự ngưỡng mộ của khán giả dành cho Pauline tại Nhà hát Bolshoi kéo dài tới 1 tiếng.
Người ngưỡng mộ Pauline nồng nhiệt nhất là Ivan Turgenev, lúc đó là một quý tộc 25 tuổi với sự nghiệp viết văn đang nảy nở.
Mẹ của Turgenev là một chủ đất giàu có với 5.000 nông nô nhưng là một người phụ nữ tàn nhẫn. Bà từng bắt hai người nông nô của mình đi lưu đày ở Siberia vì họ đã không ngả mũ chào đúng cách.
Turgenev rất sợ mẹ. “Tôi chẳng hề có ký ức vui vẻ nào về thời thơ ấu của mình” - Turgenev từng viết. -“Tôi sợ mẹ như sợ lửa. Bà phạt tôi chẳng vì cớ gì, coi tôi như một tân binh trong quân đội. Chẳng bao giờ có chuyện vài ngày trôi qua mà tôi không ăn gậy…”.
Theo mô tả của tác giả Figes trong cuốn sách mới, từ cuộc gặp đầu tiên với Pauline, Turgenev đã yêu nữ ca sĩ. Ông xem tất cả các màn trình diễn của Pauline trong mùa diễn của cô tại Nhà hát Bolshoi và vỗ tay to đến mức làm phiền những người ngồi ghế bên cạnh.
Mối tình tay ba cay đắng
Có điều, dù Turgenev yêu Pauline điên cuồng nhưng nhà văn không thể tiến tới hôn nhân với nữ ca sĩ bởi lúc đó Pauline đã kết hôn với Louis Viardot, người hơn cô tới 20 tuổi. Louis là một chuyên gia nghệ thuật kiêm nhà sưu tập, nhà văn, dịch giả và giám đốc nhà hát.
Nhưng trong thời gian lưu diễn ở Nga, tình trạng hôn nhân của Pauline không hề là ngăn nổi tình yêu của bà với Turgenev. Pauline và Turgenev đã trở thành đôi tình nhân. Người ta vẫn chưa rõ họ đi lại với nhau bao lâu (đứa con thứ tư của cô có thể là của nhà văn), nhưng hai người vẫn duy trì tình cảm khăng khít đến hết đời. Khi Turgenev trở thành nhà văn nổi tiếng, ông đã tới châu Âu gặp gỡ người tình và chồng bà, người mà nhà văn cũng trân trọng.
Ban đầu, Louis không hề biết mối quan hệ của vợ mình với Turgenev, khi nhà văn Nga viết hầu hết những lời lẽ đầy đam mê dành cho Pauline bằng tiếng Đức và Louis chẳng hiểu gì. Sau này, Louis biết mối quan hệ đó nhưng ông làm ngơ.
Có những thời điểm Turgenev cố gắng thoát khỏi nỗi ám ảnh của mình với Pauline. Ông nhận ra tình cảm của mình mạnh mẽ hơn nữ ca sĩ. “Tôi cảm thấy như thể tôi là một chút rác rưởi mà họ quên quét đi” - Turgenev từng chia sẻ với một người bạn.
Để rồi, nhà văn lại phát ốm khi không gặp được Pauline. “Gặp Turgenev, trông anh ta thật đáng thương” - nhà văn Leo Tolstoy viết. “Tôi không nghĩ anh ta có thể yêu đến vậy”.
Sau này, Turgenev luôn đến thăm gia đình Pauline. Có thời điểm ông sống trong căn phòng gác mái trong nhà họ ở Paris hay có lần ông cùng họ đến London một thời gian ngắn.
Danh tiếng của Pauline còn nổi đến mức nhà văn Charles Dickens phải đi từ London tới Paris để gặp cô. Turgenev từng mô tả việc nhìn thấy tiểu thuyết gia người Anh ngồi trong lô nhà hát khi xem Pauline trình diễn: “Hai cánh tay khoanh chặt trước ngực và khuôn mặt ướt đẫm nước mắt”.
Mối quan hệ của Turgenev đã khiến ông phải “trả giá “ đắt. Nhà văn không kết hôn. Ông đành cam chịu mặc dù không bao giờ có được tình yêu đủ đầy từ Pauline như mong ước.
Năm 1883, Ivan Turgenev qua đời tại nhà riêng ở Bougival, gần Paris (Pháp). Hàng chục ngàn người đã tập trung tại các nhà ga tầu ở những thị trấn của nước Nga để tỏ lòng thành kính và đón đoàn tầu chở thi hài ông trở về St. Petersburg. Còn tại Pháp, nơi tiểu thuyết gia nổi tiếng đã sống nhiều năm, Pauline Viardot đã nhảy cửa sổ tự vẫn nhưng bất thành. Vài tháng trước đó, Pauline đã mất chồng.
Năm 1910, Pauline qua đời ở tuổi 88.
Thời gian cuối đời, Turgenev phần nào quay sang những phụ nữ trẻ hơn Pauline. “Anh hôn đôi tay, bàn chân em. Anh hôn tất cả mọi thứ em cho phép” - Turgenev viết cho nữ diễn viên tuổi đôi mươi Maria Savina khi ông đã ngoại lục tuần. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags