(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin khá thú vị: tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang được xem xét để đưa vào sách giáo khoa (SGK) và giảng dạy trên ghế nhà trường. Thông tin này được cung cấp tại lớp tập huấn Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm trong chương trình ngữ văn (Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 16/7 vừa qua).
- Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Bảo Sinh: Trời sinh Sinh, trời sinh Thiệp
- Nguyễn Huy Thiệp và kịch "Nhà ôsin"
Cụ thể, theo nhà phê bình văn học Văn Giá, tới đây trong chương trình văn học cải cách, truyện ngắn Muối của rừng có thể sẽ xuất hiện trong giáo trình văn học dành cho học sinh THPT.
Và, tại lớp tập huấn này, ngoài các nhà văn, nhà thơ đã có tác phẩm trong SGK như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê..., Nguyễn Huy Thiệp - tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam kể từ 1986 đến nay – cũng có mặt.
Tong buổi “lên lớp” này, nhiều “bí mật” về chuyện đời, chuyện nghề cũng như những quan điểm của ông về chính “đứa con tinh thần” mang tên Muối của rừng, về cách dạy và học văn trong nhà trường... đã được nhà văn chia sẻ một cách thẳng thắn.
“Muối của rừng” ra đời nhờ “Ông già và biển cả”
Muối của rừng được nhà văn viết trong giai đoạn “chân ướt chân ráo” bước vào con đường văn chương (giai đoạn 1986 - 1991) sau khi đã kinh qua rất nhiều nghề. Giai đoạn sung sức ấy, cùng với Muối của rừng, ông còn cho ra đời hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang khác như Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát...
“Giai đoạn ấy tôi viết rất nhiều, viết nhanh và viết rất đa dạng”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể. “Dẫu vậy, Muối của rừng thực ra không phải là truyện mà bản thân tôi thích nhất lúc bấy giờ. Nó chỉ là một tác phẩm rất đẹp. Một tác phẩm mà tôi cẩn thận từng từ, từng câu, rất nuột nà chứ không vạm vỡ tựa những nhát rìu như là Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu...
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn tiết lộ, khởi nguồn cho Muối của rừng chính là tác phẩm Ông già và biển cả của Hemingway. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là đến tận ngày hôm nay, tác giả Muối của rừng vẫn... chưa đọc tác phẩm này. “Tôi chỉ nghe người khác kể lại nội dung của Ông già và biển cả, đại ý có một ông đi câu được một con cá rất to nhưng khi kéo được vào bờ thì chỉ còn trơ bộ xương. Hồi đấy, tôi ở trên Tây Bắc, không phải lúc nào cũng có sách để đọc. Đến giờ tôi cũng chưa có dịp đọc truyện ấy”.
Một thú vị khác được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ với các giáo viên dạy văn là Muối của rừng được ông viết tay rất cẩn thận, chữ nghĩa rất đẹp, gần như không phải sửa bởi “lúc ấy tất cả như trào ra từ trong lòng”, ông nói. “Điều này rất giống với quan điểm của nhà văn Lê Lựu rằng, viết văn cũng giống như là phụ nữ đi đẻ, nếu mà đẻ nhanh, đẻ gọn là rất tốt. Quá trình sáng tạo văn chương nghệ thuật cũng thế, trong lòng anh đầy ắp kiến thức, đầy ắp các ngôn ngữ rồi thì khi ngồi vào viết là viết và gần như không có tẩy xóa”.
Sống tử tế và viết thôi
Được đề nghị “tổng kết” về sự nghiệp lao động văn chương của mình, nhà văn nói rằng, đến nay ông cũng không thể lý giải được quá trình đến với văn chương của mình, thậm chí đôi khi thấy... sợ.
Ông tâm sự: “Không nói duy tâm đâu nhưng mà ngày xưa các cụ sinh ra tôi, nói là tôi đi theo con đường văn chương. Trong tử vi của tôi thậm chí còn "phán" tôi là vua văn chương, điều đó là điều làm tôi rất lo sợ chứ không phải là chuyện hay ho gì. Tôi không sắc sảo, không khéo ăn nói và hiểu biết bằng nhiều nhà văn khác.
Số phận tôi có lẽ như lời Mẹ Teresa, rằng "Tôi chỉ là một người viết trong tay Thượng đế". Tôi chỉ luôn luôn tâm niệm là sống chân thực, thiện tâm, tử tế trong điều kiện của mình và viết thôi. Tôi ở ngay Hà Nội nhưng đồng nghiệp văn chương ông nào mà danh lớn quá hoặc là nhiều tiền quá thì tôi cũng ngại gần vì tôi nghĩ cái nghề văn là cái nghề "độc hành kỳ đạo", tức là cái nghề tu luyện một mình thôi.
Kinh nghiệm về dạy và học văn trong nhà trường
Trả lời những băn khoăn của các giáo viên ngữ văn về việc chiếm lĩnh và giảng dạy tác phẩm văn học trong SGK thế nào cho hiệu quả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm, đó không phải là nghiệp của ông.
Dẫu vậy, từ những gì được chứng kiến ở một số quốc gia mà ông đã từng đến liên quan đến vấn đề này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “mách nước”: “Nhiều nước tôi từng có dịp đến ngoài dạy văn học bằng cách cho học sinh đọc rất nhiều sách văn học, họ gần như là có quy định mỗi tháng học sinh phải đọc được bao nhiêu cuốn sách, sau đó người ta mới kiểm tra lại bằng những câu hỏi để xem nhận thức của các em học sinh ấy như thế nào?! Hay như ở Mỹ, Đức, những cuốn sách văn học giá trị các thầy cô đều có hướng dẫn để lái học sinh đọc những tác phẩm đấy và tìm cách kiểm tra lại học sinh với mục đích là để nuôi dưỡng tình yêu văn học cho các em”.
Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người lớn khi ra hiệu sách cũng cần phải có kinh nghiệp chọn sách, tìm hiểu kỹ về sách trước khi mua hoặc “tư vấn” cho trẻ em tìm đọc những tác phẩm phù hợp.
“Ngay bản thân tôi, có nhiều tác giả có những cuốn sách khi cầm lên tôi thấy ghê tay, không đáng hoặc không nên đọc. Cho nên tôi nghĩ các giáo viên, nhất là giáo viên văn nên có sự hướng dẫn, bằng các kinh nghiệm, hiểu biết, trực giác, cách đọc của mình để hướng cho trẻ thì mới cải thiện được. Đây cũng là kinh nghiệm của giáo viên văn học trên toàn thế giới chứ không phải ở ta hay bây giờ tôi mới nhắc đến” – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói.
Bài và ảnh Huy Thông
Tags