(Thethaovanhoa.vn) - “Bóng tối xiêu đổ gục xuống như thân cây sét đánh. Đầu tôi chỉ còn là xương sọ rạn nứt điên mê. Mái tóc hoang biến thành rừng cây chằng chịt. Mỗi cành cây biến thành con trăn lớn, trườn mình khắp mặt đất bốc cháy này quấn lấy chân em…”(trích Vòng tay học trò).
Không chỉ giàu nhạc tính, nếu ai đã từng đến với Nguyễn Thị Hoàng dù chỉ một lần, họ đều sẽ nhận ra một hồn văn dạt dào “thiên tính nữ”.
Vừa qua, tiểu thuyết đình đám một thời Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng chính thức được NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tái bản sau 46 năm.
Bên cạnh Vòng tay học trò, 4 tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng cũng được tái bản bao gồm: Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh.
Sự trở về từ quá khứ
Năm 1964, Vòng tay học trò được in trên tạp chí Bách khoa khiến dư luận xôn xao. Tới năm 1966, tiểu thuyết chính thức xuất bản thành sách và lập tức trở thành “quả bom” trên văn đàn thời bấy giờ. Nếu hình dung sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Thị Hoàng bằng 2cụm từ, chắc hẳn nhiều đọc giả đều đồng tình là “rực rỡ và sóng gió”.
“Tôi không còn nhớ quá nhiều về khoảng thời gian đó. Chỉ biết tiểu thuyết gây nên nhiều mâu thuẫn và bản thân cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Ngoài viết văn, tôi còn có gia đình, những đứa con và một cuộc mưu sinh không ai gồng gánh hộ.
Hồi viết Vòng tay học trò, tôi chỉ viết tay, viết xong đưa nhà xuất bản đi in luôn rồi lại lao vào những ý tưởng mới. Sau này tôi viết bằng máy đánh chữ, hình ảnh quen thuộc của cả nhà là mẹ đánh bản thảo, những đứa nhỏ ngồi bên. Tôi viết liên tục 2, 3 cuốn, khiến bản thân trở nên bận rộn và không quá đặt nặng những sự việc đang diễn ra quanh mình”.
Mặc dù liên tục gặp những chỉ trích dữ dội nhưng Vòng tay học trò vẫn được đông đảo giới trẻ Sài Gòn bấy giờ yêu mến. Theo nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: “Có lẽ Vòng tay học trò được yêu mến bởi ngôn ngữ, cách viết và tư tưởng, cảm xúc mà nó mang lại. Tôi không nhận mình là người có tư tưởng lớn, tôi viết rất hồn nhiên, không nghĩ nhiều và sống trọn với nội tâm của mình”.
Sự hưởng ứng sôi nổi ấy không phải chỉ bởi nó đã kể câu chuyện tình đau đớn của tuổi trẻ “yêu người không nên yêu” một cách dịu dàng, thành thật mà còn vì những vấn đề về lẽ sống, về những vật lộn tinh thần cá nhân giữa đời sống xã hội bình thường. Sau hết thảy, đó là câu chuyện của thanh xuân, câu chuyện “sai với lẽ thường” nhưng lại đúng với những tâm tình có thật của con người.
46 năm là quãng thời gian Vòng tay học trò trở lại với độc giả yêu văn chương Nguyễn Thị Hoàng. Những người mà nữ văn sĩ cho rằng đã đi qua 3/4 cuộc sống, đủ hiểu, đủ trải nghiệm và cũng đủ lãng quên. Nhà văn thú nhận từng có lúc “chạnh lòng” khi thoáng qua những quầy sách ngập tràn sắc màu và tên tuổi mới.
“Nhà xuất bản gõ cửa đề nghị tái bản Vòng tay học trò khiến tôi hơi bất ngờ, sau đó là vui mừng vì từ sâu trong lòng mình, tôi không muốn những “đứa con tinh thần” bị lãng quên. Tôi vốn sống yên tĩnh, luôn hướng về phía trướcnên giờ ai hỏi đã trải qua quãng thời gian sóng gió như thế nào, tôi nghĩ không cần thiết. Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Hoàng nào đó từ rất lâu. Tôi trân trọng những độc giả yêu mến Vòng tay học trò cho đến ngày nay và không biết làm cách nào để đáp đền cho đủ”.
Một hồn văn dạt dào “thiên tính nữ”
Nhận xét về phong cách của Nguyễn Thị Hoàng, nhà văn trẻ Hiền Trang chia sẻ: “Khi tới với những tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, người ta cảm nhận được “nhạc tính” rất rõ trong từng câu từ, lời thoại. Mỗi câu văn đều có vần điệu, nối tiếp, du dương như một bản hòa ca nhiều cung bậc.
Một đặc điểm nữa trong bút pháp của tác giả chính là sự bố trí, sắp đặt các câu văn với dung lượng dài ngắn khác nhau. Có những câu văn rất dài, đỉnh điểm dài tới mấy trang. Ngược lại có những câu cực ngắn - đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tính nhạc trong phong cách Nguyễn Thị Hoàng”.
Chính tác giả Vòng tay học trò cũng vui vẻ thừa nhận: “Tôi không có thói quen lên ý tưởng, viết dàn bài hoặc sắp xếp trước bất kỳ thứ gì. Tôi nghĩ đến đâu viết đến đấy, viết đúng theo mạch cảm xúc, tâm tư của mình cho đến hết thì thôi. Vì vậy, bản thảo truyện của tôi nhiều khi mắc lỗi sai, thậm chí có những lần, độc giả đọc thuộc một đoạn văn yêu thích trước mặt tôi mà tôi cũng không nhớ”.
Không chỉ giàu nhạc tính, nếu ai đã từng đến với Nguyễn Thị Hoàng dù chỉ 1 lần, họ đều sẽ nhận ra một hồn văn dạt dào “thiên tính nữ”. Chất nữ tính ở đây không giống với những nữ sĩ cùng thời. Ở Nguyễn Thị Hoàng, cái “đàn bà” được bộc lộ vừa đằm thắm vừa gai góc, vừa dịu dàng nhưng lại pha chút bất cần. Văn của bà giống như cuộc đời bà, bao chứa đủ, chiêm nghiệm đủ, mang lối suy tư rất đời ẩn sau những ngôn từ chau chuốt và đầy tri thức.
“Còn gì không trong căn phòng nhỏ bé đó? Tất cả lần lượt lách mình ra khỏi cửa đời tôi. Hoặc âm thầm lẩn trốn. Hoặc vang động ồn ào. Ồn ào như em đang bỏ đi. Tiếng động chạm của ghế bàn đồ đạc. Tiếng ầm ầm của một góc địa cầu này sụp đổ lên tôi. Tiếng đá rơi và đất đổ, sóng thét và gió gào giờ nguyệt tận. Tôi biến thành dã thú bị thương quay cuồng điên dại trong cõi đời rộng lớn không còn lối thoát. Hai mắt mở to sâu hút dại khờ trong khoảng trống không này. Bóng tối xiêu đổ gục xuống như thân cây sét đánh. Đầu tôi chỉ còn là xương sọ rạn nứt điên mê. Mái tóc hoang biến thành rừng cây chằng chịt. Mỗi cành cây biến thành con trăn lớn, trườn mình khắp mặt đất bốc cháy này quấn lấy chân em…”. (Trích chương 8, Vòng tay học trò).
- Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt cuốn tiểu thuyết 'Hừng Đông'
- Tiểu thuyết 'đi trốn' của Bình Ca: Cuộc 'sinh tồn' của những đứa trẻ thời chiến
“Viết để làm gì? Viết mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống này?”
Sau 46 năm vắng bóng, việc tái bản Vòng tay học trò cùng 4 tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng được ví như “cầu nối” giúp độc giả trở về, tiếp cận với văn học đô thị miền Nam trước đây.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, phê bình cùng đông đảo nhà văn, nhà thơ đều thống nhất quan điểm: Văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 mang những giá trị đặc sắc, góp phần hoàn thiện bức tranh văn học nước nhà thế kỷ 20. Tuy nhiên, việc tái bản cần có sự chọn lọc chặt chẽ, có tính định hướng nhân văn tới độc giả.
Trả lời câu hỏi: “Sau những gì đã trải qua, liệu Nguyễn Thị Hoàng có có viết một cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của mình không?”, nhà văn bộc bạch:“Có thể có hoặc có thể không. Hơn nữa, tôi cũng không nhận đó là sự nghiệp. Với tôi bây giờ tất cả đều phụ thuộc vào cảm xúc. Tôi thích cuộc sống bình yên, việc viết không còn là “viết”nữa mà là: Viết để làm gì? Viết mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống này?”.
Vài nét về nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán ở Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, thân sinh bà làm Tổng giám thị trường Quốc Học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trung học Đồng Khánh Huế đến 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn theo học Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa rồi dạy học ở Đà Lạt. Năm 1964, bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách khoa, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Từ năm 1965 đến 1975, bà xuất bản gần 30 cuốn gồm tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn. |
Hiền Lương
Tags