(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Phạm Tường Hạnh qua đời lúc 19h30 ngày 9/2/2013, linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng và được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (Thủ Đức) lúc 8h30 ngày hôm qua 17/2. Đương thời, Nguyễn Đình Thi từng nhận xét về ông như sau: “Điều đáng quý ở anh Phạm Tường Hạnh là sự làm việc. Anh làm việc bền bỉ, ngày này qua ngày khác, cứ thế gần như suốt cuộc đời và anh đã để lại dấu ấn ấy trong các văn phẩm...”.
Nhà văn Phạm Tường Hạnh tại lễ thượng thọ 90 tuổi hồi 29/3/2008 |
Tác phẩm của ông mạnh chất ghi chép, nên xét toàn văn nghiệp, ông thành công nhất ở thể loại ký và truyện ký. Lúc gần 80 tuổi, ông đã xuất bản cùng lúc 5 tập sách về thể loại này, trong đó 4 tập Giọt mật cho đời (hoàn thành 1994), Đất Sài Gòn (1995), Bức thư tìm cha (1995), Muôn nẻo đường đời (1996) viết về giai đoạn từ tháng 8/1945 đến 30/4/1975. Cùng thời gian này ông còn tập ký Cất cánh (NXB VHTT), được bạn đọc tin cậy về mức độ chân thực của nó. Những năm cuối đời ông còn có các thiên ký sự dài kỳ như Vua Phật Lưu Công Danh đi kháng chiến, Từ xứ sở Băng Dung nhớ về quê ngoại Việt Nam… Năm 2007, ông in tập ký sự Nhân chứng, viết về các nhà lãnh đạo Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Trước khi định hình phong cách với thể loại ký, Phạm Tường Hạnh từng có các tập truyện như Vợ chồng Bảy Thẹo (truyện ngắn, 1962), Búp bê Đức sang Việt Nam (truyện thiếu nhi), Buổi sáng trên bến Nhà Rồng (truyện thiếu nhi)… Ông cũng từng viết kịch bản phim nhựa Ngọn lửa Krông Jung, do Lê Hoàng Hoa và Hồ Ngọc Xum đạo diễn.
Cùng thế hệ với ông, những người sinh vào thập niên đầu của thế kỷ trước, đa phần đã thành người thiên cổ, hoặc đã gác bút từ lâu, riêng Phạm Tường Hạnh thì vẫn luôn miệt mài viết cho đến hơi thở cuối cùng. Nhìn vào sức làm việc liên tục trong gần 70 năm đã thấy khâm phục.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa