(Thethaovanhoa.vn) - Sinh 1949 tại Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM, Trần Quốc Toàn là tác giả của khoảng 35 đầu sách, thì có đến 25 cuốn viết cho thiếu nhi. Bài thơ Mẹ và cô mà ông viết cách đây chừng 40 năm đã được chọn in trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 (tập 2) từ hơn 20 năm trước. Bài thơ 40 chữ này còn trở thành bích họa mười mấy mét vuông tại khuôn viên một trường điểm ở quận 1, TP.HCM.
Bài thơ Mẹ và cô từng in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ai đó trong nhóm tác giả sách giáo khoa đã lấy bài trên báo này đưa vào sách.
“Ai, đến giờ tôi cũng chưa biết. Nếu dùng chữ cơ duyên thì đó duyên văn. Với tôi, được góp phần dạy trẻ Việt nói đúng, viết đúng, rồi nói hay, viết hay bằng tiếng mẹ đẻ là một việc thật nghiêm cẩn và cũng rất lý thú. Vừa như là trách nhiệm công dân nên làm, vừa như là thách thức người cầm bút” - Trần Quốc Toàn chia sẻ.
Bài thơ này được vài nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng thành công nhất có lẽ là Mẹ yêu cô yêu của Khánh Vinh, bé Bào Ngư hát, được nhiều trẻ em rất thích.
- Gặp lại tác giả được đưa vàoSGK (kỳ 8): Nhà thơ Nguyễn Duy - Mở khung cửa đẹp để thơ 'vào đời'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 7): Nhà văn Tạ Duy Anh - Từ 'Bức tranh…' soi chiếu lòng đố kỵ
Từ một lần đi đón đứa cháu...
Sự ra đời của bài thơ rất ngẫu nhiên. Ông kể: “Bà chị ruột nhờ tôi tới trường mẫu giáo Kim Liên (Hà Nội) đón cháu. Cháu chạy lại với tôi, cô giáo của cháu mỉm cười với tôi, thật chan hòa, tin tưởng. Và gã nhà văn trong tôi đủ hứng để kể chuyện: Buổi sáng bé chào mẹ/ Chạy tới ôm cổ cô/ Buổi chiều bé chào cô/ Chạy ào vào lòng mẹ/ /Mặt trời lặn rồi mọc/ Trên đôi chân lon ton/ Hai chân trời của con/ Là mẹ và cô giáo”.
Chỉ khi sách giáo khoa đã phát hành thì tác giả mới biết, vì nhận được một thư cảm ơn gửi qua đường bưu điện, trong thư có kẹp tờ giấy bạc 50.000 đồng. Chỉ một lần ấy. Rồi khoảng 5, 6 năm gần đây, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam tìm cách để những người có tác phẩm in trong sách giáo khoa được thêm quyền lợi vật chất, cơ quan này tính toán sao đó, Trần Quốc Toàn nhận một số tiền nữa, từ đơn vị kinh doanh sách này, số tiền khoảng vài ba triệu đồng.
“Về chuyện này, tôi muốn mọi sự thật rành mạch, nếu sách giáo khoa còn là một thương phẩm, thứ thương phẩm khủng, bán chạy, luôn phái sinh nhiều thương phẩm ăn theo và ăn khách khác như các sách bài tập, sách tập viết, sách để học tốt… thì cần phải khoa học hơn trong việc tính nhuận bút. Nhưng rồi tôi cũng nghĩ thêm, nếu nhuận bút các trang sách ấy mà nhiều tiền, thì đã chẳng tới lượt mình. Thật lòng mà nói, giá như sách giáo khoa là miễn phí, các tác giả cũng miễn phí nhuận bút luôn, tôi nghĩ việc biên soạn lúc ấy sẽ hợp lý và khoa học hơn nữa”.
Vì tôn chỉ và mục đích viết cho trẻ em của Trần Quốc Toàn khá rõ. Ông nói: “Viết cho thiếu nhi rất thích! Vì thiếu nhi còn hồn nhiên, đọc sách chứ không đọc uy tín, uy quyền tác giả. Các em không bị cái tên trên bìa sách lung lạc như nó đã từng và vẫn đang lung lạc người lớn. Các em chỉ đọc từng chữ trong phần chính văn. Thậm chí bỏ qua lời tựa và dừng lại trước lời bạt, nếu có. Sách dở thì dù của ai cũng không đọc! Tôi tự nhủ, hãy viết như làm đồ chơi cho con, cho cháu mình. Phải chơi đã, dù là chơi chữ, như đồng dao ngày nào”.
Trước khi vào sách giáo khoa, bài thơ Mẹ và cô này từng được nhà sư phạm danh tiếng Lê Trí Viễn (1918-2018) chọn đưa vào sách Thơ văn Đồng Tháp trong nhà trường (1996). Sở dĩ vậy là vì Trần Quốc Toàn có một thời gian dài làm việc và dạy học tại Đồng Tháp. Trong sách này có đoạn bình nhằm củng cố thêm cảm thụ cho giáo viên, do chính GS Lê Trí Viễn viết: “Hình ảnh em bé đi mẫu giáo rất dễ thương. Em mới chỉ biết chào mẹ, chào cô, ôm cổ cô và sà vào lòng mẹ. Đôi chân lon ton của em mới đi từ “chân trời mẹ” đến “chân trời cô”. Thế mà cũng giống ông mặt trời đi từ chân trời mọc đến chân trời lặn”.
Thích Tô Hoài và còn hơn thế nữa
Trần Quốc Toàn cho biết các tiền bối như Tô Hoài và Trần Hoài Dương là các bậc thầy trong lĩnh vực này. Ông nói: “Tô Hoài kỹ lưỡng tới từng chữ khi viết cho các em. Trong bài văn tả cảnh rất ngắn, có đưa vào sách giáo khoa tiểu học, khi viết về màu vàng, Tô Hoài đã giúp bạn đọc nhận ra những 10 sắc độ khác nhau, như vàng xuộm, vàng hoe, vàng lịm, vàng ối, vàng tươi, vàng xọng, vàng giòn, vàng mượt, vàng mới, vàng trù phú... Viết cho các em cần tài hoa cỡ đó! Trần Hoài Dương không chỉ viết hay, viết nhiều cho các em, mà con vì các em mà đọc thiên kinh vạn quyển, để làm ra những tuyển tập văn học thiếu nhi Việt Nam và thế giới, thật chất! Vất vả đến thế mới là viết vì các em”.
Ông kể thêm: “Tôi còn yêu thích Nguyễn Nhật Ánh, với sức viết đang là vô đối, tôi thán phục tài lôi kéo, hấp dẫn bạn đọc của anh. Nhưng tôi cũng rất thích Bình Ca dù cách viết thật khác, khác hẳn Nguyễn Nhật Ánh. Với tôi Quân khu Nam Đồng của Bình Ca nên được coi là một tác phẩm văn học thiếu nhi và cả tuổi mới lớn xuất sắc ở mức quý hiếm. Còn nhiều người tài trong lĩnh vực này, ví dụ Nguyễn Ngọc Thuần có Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Thế Hoàng Linh có Ra vườn nhặt nắng”.
Trần Quốc Toàn nói rằng ông thường có nhiều dịp giao lưu với bạn đọc từ tiểu học tới đại học. Ở mỗi cấp, biểu cảm của người giao lưu mỗi khác. Khi giao lưu với học sinh tiểu học, tức là với tuổi nhi đồng, như đã nói trên, các em không để ý tới tác giả, có để ý cũng khó mà phân biệt ai với ai trong cả trăm, nhiều trăm tác giả có trong sách.
Ông kể, vì thế các em thích giao lưu với một tay ảo thuật vô danh hơn là với một nhà văn có ghi tên trong sách giáo khoa, vì người vô danh kia có nhiều trò hay. Nên một nhà văn khi có cơ hội giao lưu thì phải lập tức nghĩ ra trò gì vui để cùng các em chơi với chính tác phẩm của mình. Chơi đã, rồi tới lúc các em sẽ hỏi. Hỏi rằng còn trò chơi - tức còn tác phẩm - nào nữa không? Hỏi muốn làm thứ đồ chơi - tức muốn sáng tác văn học - như thế này, phải làm sao? Thế là nhập cuộc, các em hỏi những chuyện cốt lõi nhất của văn học, khó bị lạc đề.
Với nhà văn Trần Quốc Toàn thì cầm bút cũng giống như người đầu bếp cầm đũa đứng chảo, hoặc như cầu thủ cầm trái banh bước ra sân cỏ. Vào cuộc thì nhiều, nhưng sẽ có rất ít các vua bếp, có rất ít những hoàng tử của môn thể thao vua. Viết văn khó như làm ra những món ngon, ăn từng bữa, khó như tạo ra một trận đấu hay, giàu kịch tính, chẳng trận nào giống trận nào.
Trần Quốc Toàn có các tác phẩm tiêu biểu như Thưởng trăm roi (1985), Trái đất này có nhiều chuyện lạ (1987), Nhà có đội xiếc thú (1989), Tháp Mười nhỏ (1988), Sở thú mười hai con giáp (1994), Cây me nước đeo vòng cẩm thạch (1999), Vườn cây cổ tích (2008), Đội hiệp sĩ @ (2008), Học trong bụng mẹ (2010)…
"Với tôi Quân khu Nam Đồng của Bình Ca nên được coi là một tác phẩm văn học thiếu nhi và cả tuổi mới lớn xuất sắc ở mức quý hiếm. Còn nhiều người tài trong lĩnh vực này, ví dụ Nguyễn Ngọc Thuần có Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Thế Hoàng Linh có Ra vườn nhặt nắng”. (Phát biểu của nhà văn Trần Quốc Toàn) |
(Còn nữa)
Văn Bảy
Tags