(Thethaovanhoa.vn) - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định: "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là một điển hình về đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì nền văn học, nghệ thuật nước nhà". Trong khi, với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: "Nguyễn Trung Phong mãi mãi sẽ là một huyền thoại Ví, Giặm".
Ngày 24/9 tại Hà Nội, NXB Văn học đã giới thiệu cuốn sách về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - người con ưu tú của mảnh đất xứ Nghệ, cả cuộc đời dành tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hoá Nghệ Tĩnh và nước nhà nói chung.
Cuốn sách Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm có hai phần. Phần 1 giới thiệu cùng bạn đọc 9 tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, trong đó có hai tác phẩm được công chúng xứ Nghệ cũng như cả nước nhớ nhất.
Đó là tác phẩm Cô gái sông Lam ở phiên bản chèo từ năm 1961 và phiên bản kịch hát dân ca Ví Giặm được chuyển thể từ năm 1973. Và tác phẩm Khi ban đội đi vắng là nguồn gốc sinh ra làn điệu Giận mà thương được lan tỏa rộng khắp không những ở trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới, là đề tài nền nhạc cho các nhạc sĩ sáng tác về xứ Nghệ.
Phần 2 với tiêu đề “Nguyễn Trung Phong - Huyền thoại Ví Giặm” là những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày tại hội thảo Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm.
Ở đó, các tác giả đã dành tình cảm chân thành, phân tích, đánh giá vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca Ví Giặm, các bài tham luận đã làm sáng tỏ sự đóng góp to lớn về lĩnh vực sân khấu nước nhà nói chung và sân khấu Nghệ Tĩnh nói riêng, khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Trung Phong đã góp phần lớn để UNESCO vinh danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản phi vật thể của nhân loại.
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ văn chương hiếu học, liên tục 7 đời khoa bảng.
Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật, khi trưởng thành, ông tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952 vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An và bắt đầu sự nghiệp cầm bút với tác phẩm đầu tay là vở chèo Nhắc lại - lúc ông 23 tuổi.
Gần 40 năm với vai trò nhà viết kịch, kể cả lúc đã nghỉ hưu Nguyễn Trung Phong đã để lại hơn 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại chèo, cải lương, kịch hát và hoạt cảnh dân ca Ví Giặm.
Những tác phẩm tiêu biểu còn nguyên bản gốc đã được NXB Văn học in trong cuốn sách Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm, đó là: Ép duyên, Cô gái sông Lam, Cô gái thôn Đông, Khi ban đội đi vắng, Ngọn lửa không bao giờ tắt...
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, chủ biên cuốn sách Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm, chia sẻ: “Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 30-31; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời xây dựng Chủ nghĩa xã hội; trong một số tác phẩm đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu.
Tôi gọi bác Nguyễn Trung Phong là bác ruột. Gia đình bác có 4 anh em trai, bác Phong thứ 2 và bố tôi là út. Bác Nguyễn Trung Phong là một người đam mê nghệ thuật từ bé. Bác hầu như không để ý tới những những việc nhỏ nhặt, khi tiếp xúc với bà con lúc nào cũng đặt nghệ thuật lên hàng đầu. Tôi còn nhớ, mỗi lần sáng tác xong, bác thường biểu diễn, xin ý kiến mọi người để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. Ông cũng là người có khiếu hài hước, nói rất truyền cảm”.
- Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Sân khấu rất giống sân cỏ
- Nhà viết kịch Phạm Văn Quý: “Khép lại” 10 vở diễn về Hà Nội
- Hội thảo về Vũ Đình Long - "nhà viết kịch hiện đại" đầu tiên của VN
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Những tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong có chèo cải lương, dân ca Ví, Giặm… ra đời từ những năm 60 nhưng đến giờ trong mỗi lần xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ đều có bóng dáng của những tác giả nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Trung Phong.
Đặc biệt, bài dân ca Giận mà thương trong vở kịch Khi ban đội đi vắng được nhạc sĩ Vi Phong ký âm và từ đó được lan truyền khắp cả nước, thậm chí vượt qua biên giới chinh phục bạn bè quốc tế”.
Trong bài viết thay cho lời giới thiệu cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư, đã ghi nhận những đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết, tài năng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong ở nhiều góc độ vừa là tác giả, vừa là nhà quản lý ngành văn hóa suốt hơn 30 năm công tác.
“Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, một tài năng đáng nể trọng, người mở đầu và mở đường cho việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ hình thức trình diễn, đối đáp truyền thống thành tác phẩm kịch hát với dung lượng nội dung tư tưởng, nghệ thuật mở rộng, sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nguyễn Trung Phong cũng là một điển hình về thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật của xứ Nghệ và của đất nước ta" - ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã đi xa, giờ chỉ còn lại những ký ức vẻ vang về một thời trên sân khấu, còn lại những tác phẩm sống mãi trong lòng công chúng xứ Nghệ và cả nước. Cuốn sách sẽ mãi mãi là tài sản quý của quê hương, và những tác phẩm, những tâm tư của nhiều tác giả cũng là lời tri ân gửi tới nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong .
Bảo Anh
Tags