(Thethaovanhoa.vn) - Đến điểm hẹn lần này, “trai phố cổ” Nguyễn Cường không đội mũ cao bồi như mọi khi. Ông chọn một chiếc mũ lưỡi trai và giải thích: thay đổi tí, miễn vẫn cứ đẹp trai là được! (Song, ông đề nghị không được chụp hình trong “bộ dạng” này vì sợ làm mất “hình ảnh” bấy lâu).
- Làm show ở tuổi 70, nhạc sĩ Nguyễn Cường bảo 'tôi nào có tuổi'
- Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 'Giọng ca Y Moan là sự bí hiểm của tạo hóa'
Thích nhạc của mình có mùi mắm tôm, nước mắm…
Vâng, nhạc sĩ Nguyễn Cường ở tuổi 73 vẫn rất phong độ, trẻ trung là thế. Nhưng trong câu chuyện kể của ông, nhất là khi nhắc đến từng đứa con tinh thần của mình, đều có thể thấy được sự tự hào, sự tự tôn về văn hóa dân tộc của nhạc sĩ. Mặc dù ông bảo, những “đứa con” ấy, cứ 18 tuổi là tôi “cho ra khỏi nhà”, không quan tâm đến đời sống của chúng, nhưng thực sự, ông đã gửi gắm một tình yêu sâu sắc ở mỗi đứa con. Và đó là tình yêu mà ông không chỉ dành cho Hà Nội hay Tây Nguyên nói riêng.
* Tôi nhớ, cách đây 2 năm, ông đã từng có một show diễn gần là “của riêng”: đêm “Tình yêu Hà Nội” với hai ông bạn Phó Đức Phương và Trương Ngọc Ninh. Nhưng chắc hẳn không phải chỉ chờ có 2 năm nhạc sĩ mới làm được show mà có khi còn phải lâu hơn thế?
- Không. Tôi không quan tâm bao giờ kiểu khi nào thì sẽ có cái này, sẽ có cái kia. Tôi sống và chấp nhận định mệnh. Tôi không thích Khổng Tử, tôi thích Lão Tử là thuận theo tự nhiên. Việc gì đến sẽ đến, tôi không ép.
Nên chuyện làm show lần này cũng vậy. Một ngày đẹp trời, ca sĩ Ngọc Châm dịu dàng xinh xắn đến bảo tôi: “Chú ơi, làm chương trình!” Ờ thì làm thôi! Và lúc đầu định làm một đêm, sau thấy phải làm thêm đêm nữa mới đã!
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
* Với chủ đề Tuổi thơ tôi Hà Nội – có thể hiểu ông sẽ chia sẻ nhiều về quá khứ một thời của mình trong đêm nhạc? Thực sự thì ông ám ảnh nhất điều gì về tuổi thơ của mình?
-Thời thơ ấu, tôi không nghĩ mình trắc trở dù thực tế có là vậy. Nhưng tôi nghĩ đến mẹ mình nhiều. Một người mẹ nuôi năm 5 đứa con, đứa bé vài tuổi, khi đó tôi 13 tuổi. Tài sản chỉ là sự đền bù vì người chồng quá cố. Rồi bà đi làm đại lý mậu dịch, bán giầy dép, quần áo. Bỗng tự nhiên thành tư sản, rồi cho thuê nhà. Có 7 buồng, cho thuê 4 buồng. Rồi mất sạch. Mẹ tôi là người mẹ vĩ đại. Bà bươn trải để cho chúng tôi có được bữa cơm rau, bát nước mắm với vài viên lạc là thấy hạnh phúc rồi.
Ở hoàn cảnh đó, nhiều người oán hận nhưng tôi chấp nhận. Tôi không thích buồn, sinh ra trên đời còn nhiều người buồn khổ, nên chúng ta hãy nhìn vào cái đẹp.
Tôi nhớ, mình viết ca khúc Lời chào mùa Hạ năm 1971 - là cả tuổi trẻ, khát vọng của đời tôi. Thời điểm đó, cả dân tộc oằn mình trong chiến tranh, mình vẫn nghĩ đến tương lai để viết những câu hát: “Những cánh diều nào gọi gió thời học trò/ Diều say đôi cánh tự do/ Lòng ta say những chân trời/ Một ngày mới chờ ta vươn mình trong tiếng hát...”.
Còn ám ảnh tôi ư? Có lẽ không đến mức ấy nhưng tôi nhớ cái không gian của gác xép. Thời của tôi, nhà nào cũng phải cơi nới vì chật hẹp nên cái gác xép mới thân thuộc đến thế. Đó là một kỉ niệm mà kỉ niệm của giàu có, điều kiện đầy đủ bây giờ chưa chắc đã bằng kỉ niệm nghèo, kỉ niệm ở thuở hàn vi ấy.
Chính vì vậy, tôi gửi gắm tình cảm của mình với Hà Nội xa xăm cách đây hàng chục năm trong ca khúc Mẹ ơi, gác xép nhà xưa trong phần một của chương trình.
* Dù ông là trai phố cổ, yêu Hà Nội bằng bản năng nhưng người ta vẫn cứ nhắc đến ông với hình ảnh của Tây Nguyên. Ông nghĩ sao về mối duyên này?
-Vậy chắc Hà Nội mà là “vợ” thì Tây Nguyên là “người tình”!
* Cũng vì thế, không khó đoán khi ông sẽ đem cả “vợ” và “người tình” xuất hiện trong đêm “tự họa chân dung” của mình. Song, chẳng lẽ ngoài Hà Nội và Tây Nguyên, Nguyễn Cường “hết vốn” rồi sao?
- Viết về Hà Nội, Tây Nguyên hay thêm những vùng đất khác nữa như Tây Bắc chẳng hạn, tôi vẫn luôn muốn đặt tình yêu những mảnh đất ấy trong một nền văn hóa chung.
Âm nhạc của tôi như vậy mới có “cớ” để phát triển dân ca. Mà quan điểm sáng tác của tôi là viết nhạc không có dân ca không phải bài hát. Tôi thích bài hát của tôi có mùi mắm tôm, mùi nước mắm... đại loại là những gì đặc biệt của Việt Nam.
Như ca khúc Thị Màu lên chùa – với tôi đây là một “tuyên ngôn” ghê gớm đấy. Bạn hãy nghe xem những câu hát được viết trên chất chèo: “Thị Màu ơi, cái lẳng lơ cái mởn mơ chính trời cho em/ Trong thiên hạ khối thằng thèm/ Và tôi cũng muốn theo em lên chùa”.
Và tôi cũng xin khẳng định luôn, Thị Màu chính là người phụ nữ đẹp nhất Việt Nam cho đến bây giờ. Và người yêu Thị Màu không phải là Nô mà là một chàng trai đẹp trai.
Ngoài ra, tôi sẽ giới thiệu một tác phẩm viết về Romeo và Juliet Việt Nam: Khúc Bi ca Trọng Thụy. Cha ông đã kí tác về câu chuyện này với hình ảnh vô cùng đẹp: Trọng Thủy chỉ có nhảy xuống giếng mới làm sáng viên ngọc là Mỵ Châu. Giới thiệu tác phẩm này với công chúng, tôi biết ít nhiều có thể sẽ gây tranh cãi nhưng tôi đã gạt bỏ mọi vấn đề “tư tưởng” để viết bằng tình yêu dành cho câu chuyện tình đẹp này.
Đau đáu về giấc mơ “gãy cánh”
* Và còn cả một giấc mơ “gãy cánh” nữa may ra mới đủ phác họa chân dung nhạc sĩ Nguyễn Cường nữa phải không ạ?
- Đó là một câu chuyện khác – câu chuyện khát vọng của tuổi trẻ một thời. Thế hệ chúng tôi, khi đi vào trường nhạc, không phải mơ ước viết ca khúc mà mơ những giấc mơ Beethoven, Chopin, Tchaikovsky với những tác phẩm khí nhạc cho giao hưởng... Đó là giấc mơ từ thuở 18 tuổi và có lẽ đến giờ, dù mỗi khi có điều kiện, tôi vẫn viết những tác phẩm thể loại này. Nhưng ở một “góc khuất” của tâm hồn, tôi vẫn đau đáu về giấc mơ “gãy cánh” ấy!
Chứ sáng tác ca khúc, không cần học nhiều lắm đâu. Nên tôi vẫn gọi đây là những hoạt động bề “nổi” của mình thôi. Nhưng… biết làm sao được, trước cuộc sống với một nền kinh tế, dân trí như hiện nay…
*Như ông từng chia sẻ, nhạc sĩ và ca sĩ là một cặp “bài trùng” bởi thường thì khi gặp ca sĩ, người ta sẽ hỏi anh hát bài của nhạc sĩ nào cũng như khi gặp nhạc sĩ, người ta sẽ hỏi ai hát ca khúc này của anh. Và nhắc đến Nguyễn Cường, người ta nhớ đến Y Moan, Siu Black. Với hai giọng ca này, cho đến giờ, người không còn, người thì đã lâu vắng bóng sân khấu vì vướng vào nợ nần “cơm áo gạo tiền”. Nhưng không vì thế mà họ vắng bóng trong đêm nhạc “tự họa” của ông. Điều này, chắc hẳn không phải là ông ưu ái họ?
- Cho đến lúc này, Y Moan và Siu Black đều là những giọng hát đặc biệt không giống ai. Đất nước chúng ta có nhiều vùng dân ca nhưng Tây Nguyên chỉ có Siu Black và Y Moan là phú xuất, là hai ngọn núi lửa “phun” một cách bản năng và tinh tế mãnh liệt.
Tôi còn nhớ năm 1984, khi đoàn ca múa Đắk Lắk có tuyển người. Khi đó, trưởng đoàn có nhờ tôi kiểm tra trình độ thí sinh. Sau khi nghe Siu Black hát Without you, tôi bảo: Thế này mà các anh vẫn còn phân vân à? 10 năm nữa, giọng ca này sẽ lan tỏa ra cả nước ngoài đấy, mà không phải đi theo danh nghĩa của đoàn đâu, là tự thân đấy. Và chưa đầy 10 năm sau, giọng ca của Siu Black đã ra khỏi biên giới Việt Nam từ năm 1991.
Còn sự xuất hiện của Siu Black trong chương trình của tôi, là tôi nghĩ mình phải góp phần giúp cô ấy trở lại sau những sóng gió.
* Quay trở lại câu chuyện làm show. Ông chắc hẳn đã chuẩn bị tinh thần để kể chuyện về đời mình qua âm nhạc dài đến tận … 2 đêm? Ông có sợ khả năng hoạt ngôn của mình sẽ làm cháy chương trình không?
- Chương trình muốn cháy thì cho nó cháy luôn!(cười sảng khoải).
Hai đêm nhạc có concept khác nhau nên tôi không ngại. Mà tôi có nói nhiều đến mấy cũng không nói theo kiểu như ông Dương Thụ đâu! Tôi nhớ, đêm nhạc của ông ấy, chỉ có phần cảm ơn thôi mà ông ấy nói “khủng khiếp”. Chàng là thầy giáo mà.
Tôi thì khác. Có khi lên sân khấu, tôi lại không nói được như vậy. Mà nói sâu sắc, ghê gớm như ông Thụ ấy thì tôi còn… chịu nữa. Bọn tôi vẫn gọi Dương Thụ là Tống Giang trong “bộ tứ sông Hồng” mà.
* Vậy còn ý định mời nhạc sĩ Trần Tiến trong bộ tứ ấy lên sân khấu lần này, ông có e ngại bị bạn chí cốt “bóc mẽ” không?
- Đời nào! Mà ngại gì khi tôi cũng toàn có những bí mật đẹp. Tôi còn định bán bí mật đời mình nếu ai muốn mua đấy !
Mà Trần Tiến đang chuẩn bị ra một lưu ảnh kí. Viết hay lắm. Tôi nghĩ, nhà báo mà đọc chắc cũng … nản luôn. Trong cuốn đó, có chương viết về tôi với đầu đề là Cường ơi, đau chân quá! – cũng không thiếu những bí mật được bật mí rồi!
Mỗi ngày 50 phút tập thể dục, đi bộ 50km, bơi 500m
* Nguyễn Cường giờ đã U70, nhưng xem chừng, ông đúng là “không tuổi”. Bí quyết của ông là gì vậy?
- À, thì cứ yêu thử xem nào! Thêm vào là việc rèn luyện sức khỏe hàng ngày thôi !
* Vì thế, ông mới có biệt danh Mr.5 phải không ạ?
- Vâng. Mr.5 là vì sáng dậy, tôi tập 50 phút thể dục. Trong ngày, tôi đi bộ ít nhất 5km trở lên và bơi 500m.
* Ông rèn luyện sức khỏe theo chế độ này từ bao giờ vậy?
- Đã 40 năm nay!
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Lưu Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags