Nhạc sĩ Phạm Duy - "Lá rụng về cội"...

Thứ Ba, 29/01/2013 07:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, gia đình âm nhạc Phạm Duy đã phải đón nhận 2 cuộc phân ly tử biệt: ca sĩ Duy Quang qua đời ở Mỹ (19/12/2012), và bây giờ đến người cha: nhạc sĩ Phạm Duy từ trần tại Việt Nam vào trưa ngày 27/1/2013… Linh cữu nhạc sĩ Phạm Duy quàn tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành, Q.11 (TP.HCM).

Nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Huỳnh Công Ba

Phải nói ngay là, dù thương hay ghét thì nhiều người phải công nhận nhạc sĩ Phạm Duy là một tài năng âm nhạc của Việt Nam và ông đã có những đóng góp nhất định (nếu không muốn nói là rất lớn) cho nền âm nhạc Việt Nam - khi ông đã được sống và đồng hành với âm nhạc Việt Nam suốt 3/4 thế kỷ. Quả vậy, với một gia tài sáng tác đồ sộ hơn 1.000 nhạc phẩm đa dạng ở nhiều thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, tình ca, tâm tư ca, trường ca, rong ca, thiền ca, đạo ca, tâm ca, tục ca…). Ngoài sáng tác, ông còn là tác giả của nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam rất có giá trị. Thế cho nên, gọi ông là “cổ thụ” của nền âm nhạc Việt Nam - cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, thiết nghĩ không có gì phải bàn cãi…Và hôm nay, cây cổ thụ mà ai cũng nể phục bởi sự dẻo dai ấy, cũng đã khuỵu xuống rồi ngã hẳn theo quy luật nghiệt ngã của thời gian…

1. Phạm Duy là con trai út của nhà văn - nhà báo quốc ngữ tiên phong Phạm Duy Tốn. Ông sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội, nhưng mới lên 2 tuổi thì bố mất. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phạm Duy bắt đầu lúc ông 17 tuổi (1938), khi gia nhập gánh cải lương Đức Huy - Charlot Miều đi lưu diễn từ Bắc chí Nam. Lúc ấy, Phạm Duy là…ca sĩ, và hầu như chỉ hát độc nhất bài Buồn tàn Thu của Văn Cao. Bản nhạc đầu tay của Phạm Duy được biết đến là Cô hái mơ (phổ thơ Nguyễn Bính, 1942).

Có lẽ, những người thuộc thế hệ lão thành và cả trung niên sẽ không quên được những ca khúc hào hùng và bi tráng của Phạm Duy thời kỳ ông tham gia kháng Pháp ở Khu 4: Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh (1946), Nhớ người thương binh, Mùa Đông chiến sĩ (1947), Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây (sau này đổi lại là Quê nghèo, 1948). Rồi những trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam…

Một lĩnh vực nữa mà ai cũng công nhận Phạm Duy là… “phù thủy”, đó là phổ nhạc thơ. Ngoài việc “nâng” những thi phẩm của  những tên tuổi đã rất nổi tiếng như: Ngậm ngùi (Huy Cận), Tiếng sáo thiên thai (Thế Lữ), Hoa rụng ven sông (Lưu Trọng Lư), Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Gái quê (Hàn Mặc Tử), Áo anh sứt chỉ đường tà (Hữu Loan)…Phạm Duy còn là người “thổi” cho tên tuổi của những nhà thơ bay cao, bay xa dù trước đó hầu như chẳng ai biết đến: Phạm Thiên Thư (nhiều bài), Nguyễn Tất Nhiên (nhiều bài), Vũ Hữu Định (Còn chút gì để nhớ), Đào Văn Trương (Ta yêu em lầm lỡ), Phạm Văn Bình (Chuyện tình buồn), Minh Đức Hoài Trinh (Đừng nhìn em nữa anh ơi), Linh Phương (Kỷ vật cho em)…

Không chỉ sáng tác, phổ thơ thành nhạc - ông còn đặt lời Việt cho rất nhiều ca khúc quốc tế nổi tiếng khác hoặc đặt lời mới, ký âm lại những bài dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số…Tính đến khi ông xuôi tay, Phạm Duy đã có hơn 70 năm sáng tác. Và cho đến những giờ phút cuối đời con tằm ấy vẫn miệt mài nhả tơ: trường ca Minh họa Kiều, Hàn Mặc Tử, 10 bài Hương ca, 10 bài phổ thơ Bích Khê…

Nhạc sĩ Phạm Duy được khán giả tặng tranh chân dung

2. Từ khi Phạm Duy và gia đình về Việt Nam định cư (tháng 5/2005), Nhà nước đã cho phép sử dụng lại khá nhiều ca khúc của ông (khoảng 100 ca khúc). Tuy nhiên, ước vọng cuối đời của ông là mong muốn cuốn phim tư liệu Phạm Duy -  nhạc và đời (Phương Nam phim sản xuất) được phát hành. Còn những điều có thể coi là “di chúc” của ông , ông từng thổ lộ: “Khi chết đi, tôi cũng mong con cái mình chôn cất hay đốt xác tôi một cách lặng lẽ, âm thầm thôi. Phô trương lên chẳng để làm gì. Cuộc sống còn nhiều thứ phải lo phải làm lắm… Tôi muốn mình được chôn cất ở đâu đó và con tôi đưa mẹ chúng về bên cạnh tôi. Chỉ thế thôi !”.

Trước đây, đã có ý kiến cho rằng nhạc sĩ Phạm Duy đã quên nguồn cội. Đó chỉ là một ý kiến, nhưng không cần nói ra thì ai cũng biết Phạm Duy đặt nguồn cội, lên trên tất cả, đau đáu suốt cả đời người: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…”(Tình ca),“Quê hương tôi có con sông dài xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa thơm cho đủ hai mùa…” (Tình hoài hương). Và hôm nay, chiếc lá già cằn cỗi ấy sau khi rút hết nhựa sống dâng đời, đã…rụng về cội, có lẽ ông không còn điều gì để tiếc nuối vì ông đã từng “chiêm nghiệm” về cái ngày mình sẽ rũ bỏ tất cả để ra đi: “Rồi mai đây tôi sẽ chết. Trên đường về nơi cõi Niết, tôi không đem theo với tôi được gì đâu !...”(Những gì đem theo về cõi chết)…

Xin thắp một nén nhang, thành tâm tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Hà Đình Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›