(Thethaovanhoa.vn) - Với khoảng 700 ca khúc đã ấn hành, trong đó, hơn 200 bài viết cho thiếu nhi và hàng chục bài được đưa vào các sách giáo khoa từ cấp mầm non tới trung học cơ sở, những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên được hát ở mọi miền đất nước.
Từ các cổng trường nhạc Phạm Tuyên vang động vào đời sống, rộng khắp tới mức…
… Chim hót nhạc Phạm Tuyên
Trong sách Âm nhạc với trẻ em (NXB Âm nhạc, 2000), Phạm Tuyên viết: “Năm 1986 vào thăm thành phố Đà Nẵng, tôi được nghe bạn bè ở đây kể lại về chuyện chim hát mà tôi sẽ còn nhớ mãi vì nó liên quan tới mình. Đó là vào dịp Tết Giáp Tý (1984) ở Hội Hoa Xuân trong công viên 29/3 có con chim nhồng (một loại như sáo đen) hát được một câu trong bài Con kênh ta đào khiến mọi người tới xem rất đông. Thế rồi năm sau vào dịp tết Ất Sửu (1985) cũng ở công viên này xuất hiện một “danh ca nhồng” khác, hát được câu đầu của bài Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Kể lại chuyện này người viết bài muốn tìm hiểu, có phải chính sự gần gũi với đời sống của nhạc Phạm Tuyên, đã khiến ban biên soạn bộ sách giáo khoa Cánh Diều, đưa ca khúc Chúng em là học sinh lớp Một của ông vào ngay những bài đầu của sách Tiêng Việt tập 1 (NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM 2020): “Chúng em là học sinh lớp Một/ Nhanh nhanh trên đường bước tung tăng/ Vui tươi như con chim hót trên cành”? Những câu hát vui như chim hót ấy, bài hát ấy đã có trong chương trình giáo dục mầm non, các em đã được nghe, và bây giờ trong chương trình mới, vừa hát vừa tập đọc tiếng Việt.
Cũng rất vui nhộn là bài Chú voi con ở Bản Đôn được đưa vào sách Âm nhạc 4 (tr.35): Chú voi con ở Bản Đôn/ Chưa có ngà nên còn trẻ con/ Từ rừng già chú đến với người/ Rất ham ăn với lại ham chơi... Chú voi con thật là khôn/ Quen thiếu nhi khắp vùng Bản Đôn/ Đầu gật gù, đưa vẫy chiếc vòi/ Khéo đung đưa theo nhịp chiêng vui…”.
Bài hát hướng người học tới lúc cùng voi con của mình“Góp sức xây quê hương đẹp tươi” nhưng vẫn khuyến khích trẻ giữ lại cho mình, thời hồn nhiên “Rất ham ăn với lại ham chơi”. Sợ các thầy cô giáo quên điều này, đã có lần, trên một bài báo, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhắc nhở: “Cái lối nghĩ của trẻ “chưa có ngà nên còn trẻ con” khác với lối nghĩ của người lớn “còn trẻ con nên chưa có ngà”. Ông muốn lưu ý, sự khác biệt này khẳng định, trẻ con đã là một giá trị khi còn là chính nó. Sự nhắc nhở được phát triển thành một báo cáo khoa học của Phạm Tuyên - “Để trẻ em là chính các em” trình bày ở một hội thảo về quyền trẻ em. Ông kiến nghị: “Trẻ con bây giờ già quá, hãy trả lại sự hồn nhiên ngây thơ cho các em!”.
Ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn là một sự “trả lại” kịp thời! Rất kịp thời và luôn đồng hành cùng thiếu nhi, vì thế nhạc thiếu nhi của Phạm tuyên là “… từ điển bách khoa bằng âm nhạc về mọi trạng huống, mọi cung bậc tính cảm trong thế giới tâm hồn của các em” (Trần Đăng Khoa lời bạt sách Cánh én tuổi thơ tuyển chọn 200 ca khúc viết cho thiếu nhi của Phạm Tuyên, NXB Kim Đồng 2008).
Phạm Tuyên người bắc cầu âm nhạc
Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn mong muốn trẻ em Việt Nam hòa nhập với thế giới qua nhịp cầu âm nhạc. Ông dùng các tiết tấu phổ biến ở của phương Tây để ca khúc hóa, hiện đại hóa những bài đồng dao rất xưa của người Việt.
Ông nói về quá trình sáng tác những tác phẩm này: “Gánh gánh gồng gồng là bài đồng dao ở thể văn vần 4 chữ. Nếu cứ đọc theo một tiết tấu bình thường thì sẽ nhàm chán. Tôi đã dùng nhip Fox (2/4) với một giai điệu 5 âm dân tộc vì vậy bài này trở nên linh hoạt, hợp với tính hiếu động của trẻ, rất dễ chuyển thành một điệu múa sôi nổi […] Trong một số bài khi phổ nhạc, tôi chủ trương xen lẫn những đoạn nói lối đọc vần theo tiết tấu vào giữa để thay đổi không khí, phù hợp với nội dung lời ca đồng thời cũng là thể nghiệm một lối nhac rap của trẻ em Việt Nam”.
Từ nguyên tắc sáng tạo trên, Phạm Tuyên phổ nhạc gần 50 bài đồng dao cổ, mỗi bài đều có hướng dẫn cách thể hiện, để tạo sự đồng cảm giữa người viết, người dạy và người học. Theo ông Gánh gánh gồng gồng khi hát “các cháu làm động tác mô phỏng người gánh, hai tay đong đưa nhịp nhàng… Có thể cho các cháu hát đuổi, tốp thứ hai hát chậm hơn tốp thứ nhất một nhịp”; với bài Cái bống là cái bống bình thì “cho các cháu gái trong trò chơi đóng vai theo chủ để “chị ru em”. Khi hát cần chú ý tiết tấu khoan thai, nhẹ nhàng “bống bình, bống bang…” cần hát nhẹ, nhịp đong đưa như ru em”.
Nhịp cầu âm nhạc nối bằng các sáng tác của Phạm Tuyên, có chiều du nhập nhạc Tây và có hướng lan tỏa nhạc ta. Về du nhập, không chỉ đưa rap vào trường học như vừa trình bày, mà ngay từ 1954, Phạm Tuyên đã tìm cách giới thiệu với các giáo sinh sư phạm mà mình góp phần đào tạo, âm nhạc cổ điển quốc tế.
Ông viết: “Tôi còn nhớ buổi giới thiệu bản giáo hưởng số 6 của Tchaikovsky với một số tư liệu ít ỏi mà tôi đọc qua bản Trung văn. Được minh họa bằng 12 đĩa hát 78 vòng, mà Đại lễ đường cũng chật người và anh chị em ngồi nghe rất thú vị”.
Ở chiều lan tỏa nhạc Việt thì, bài Chiếc đèn ông sao của Phạm Tuyên được trình diễn trên sóng đài phát thanh Cộng hòa Dân chủ Đức với tốp ca và dàn nhạc dây. Người dàn dựng bài này tiến sĩ Hans Sandig, ông nhận xét, không cần tới lời ca: “… bản thân âm nhạc đã nói được nhiều ý rồi; với tiết tấu này, chúng tôi đã hình dung ra một đám rước carnaval (hội hóa trang) của các em nhỏ ở phương Đông”.
Khi viết bài hát Tiếng chuông và ngọn cờ để thiếu nhi Việt Nam hát trong liên hoan quốc tế tổ chức ở Bungaria Phạm Tuyện cũng nghĩ tới khả năng lan tỏa bài hát của mình. Ông cho biết: “Tôi viết dưới hình thức khỏe khoắn, vui tươi và cố đưa tiếng chuông “boong bính boong” vào phần điệp khúc, một phần cũng với dụng ý là nếu có phải dịch ra tiếng nước ngoài thì “boong bính boong” hay “đinh đánh đông” cũng dễ hát”. Chính cách viết này giúp bài hát Tiếng chuông và ngọn cờ sau khi tham dự liên hoan ở nước ngoài, còn được dàn dựng thành tiết mục thể dục nhịp điệu của hàng trăm thiếu nhi trình diễn trong lễ khai mạc Tiger Cup 1998 tại sân vận động Hà Nội.
Phạm Tuyên người chép sử bằng âm nhạc
Đó là nhận định rất thuyết phục của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết về nhạc sĩ Phạm Tuyên. Theo Trần Đăng Khoa: “Phạm Tuyên có khả năng biến những sự kiện chính trị thành tình cảm, xúc cảm với những giai điệu đẹp”. Gắn sự nghiệp âm nhạc Phạm Tuyên vào thời cuộc Việt Nam mà ông từng trải, Trần Đăng Khoa nhận thấy: “Mọi biến động của lịch sử đất nước, ta đều tìm thấy trong âm nhạc của Phạm Tuyên”.
Khi toàn dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì người cứu nước hát Chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi. Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui”.
Khi mặt trận cứu nước thêm một mũi tiến công trên biển thì người cứu nước hát Bám biển quê hương của Phạm Tuyên: “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi. Ta dân quân sẵn sàng vì quê hương súng chẳng rời... Khi trong đêm tối tăm, quân cướp biển còn rình nơi đấy. Mối thù máu xương ta bắt chúng phải trả ngay”.
Khi cuộc chiến cứu nước mở các mặt trận ngoại giao thì bạn bè quốc tế cùng hát hát với người Việt Nam bài Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ của Phạm Tuyên: “Gảy đàn lên đi bạn ơi! Cho tiếng ca càng vang, cho sôi lên trong máu quyết tâm giữ lấy mùa Xuân. Cho khắp nơi xuống đường đi trong khúc ca kết đoàn. Cùng hát lên nhiệt tình bài ca Hồ Chí Minh!”.
Theo cuộc trường kỳ kháng chiến 30 năm, từ những trận mở màn, nhạc sĩ Phạm Tuyện có đủ hứng khởi và từng trải để viết cho toàn quân toàn dân cùng hát khúc khải hoàn ca Như có Bác trong ngày đại thắng, một văn bia âm nhạc chỉ với 60 ca từ, chỉ với hơn 30 khuông nhịp mà khắc tạc sắc nét và hoành tráng “thành công” của “30 năm dân chủ cộng hòa”!
Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng với giải thưởng Nhà nước đợt 1 (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 (năm 2012). Ông là một dấu trường ngân trong giai điệu tự hào của âm nhạc Việt Nam.
Trần Quốc Toàn
Tags