(Thethaovanhoa.vn) - Trưa ngày 19/9/2020, nhạc sỹ Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy để “về quê” với “dòng sông bên lở bên bồi”. Đó là dòng sông Cái, sông Mẹ, nơi ông được sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn để trở thành người nhạc sỹ tài hoa, cống hiến cho đời những ca khúc bất hủ.
Những giai điệu thấm đẫm hồn quê, xứ sở
Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hà Nội, quê gốc Hưng Yên, nằm trong bộ tứ Sông Hồng của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, bên cạnh Trần Tiến, Nguyễn Cường và Dương Thụ. Bốn nhạc sĩ, bốn cá tính và đều đạt được những thành công ở lãnh địa của riêng mình. Riêng đối với Phó Đức Phương, chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp âm nhạc của ông là tình yêu quê hương đất nước với những nỗi nhớ da diết và day dứt. Nhạc Phó Đức Phương "đẹp" - đẹp từ ca từ, giai điệu đến ý nghĩa. Chính vì vậy mà nó cũng hút cả người hát lẫn người nghe. Các ca khúc của Phó Đức Phương đã góp phần làm nên tên tuổi của các ca sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Tùng Dương..; khán giả ở mọi thế hệ, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi cũng đều yêu thích những bài hát của ông.
Với những thành công như vậy, nhiều người nghĩ rằng Phó Đức Phương đã có nền tảng hoặc tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ. Tuy nhiên, sự thực thì tác giả Trên đỉnh Phù Vân lại sinh ra trong một gia đình cách mạng nổi tiếng, là cháu của chí sĩ Phó Đức Chính. Bản thân Phó Đức Phương cũng có xuất phát điểm là sinh viên khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế nhưng, sự yên bình ấy không đủ làm dịu những khao khát, đam mê trong lòng chàng thanh niên đã có sẵn trong mình "máu" nghệ thuật. Hết năm thứ ba đại học, Phó Đức Phương bỏ dở sự nghiệp "phấn trắng, bảng đen" để dấn thân vào thực tế cuộc sống ở nông trường Cửu Long với mong muốn trở thành một nhạc sĩ nắm bắt được thời cuộc, cảm nhận được hơi thở từng ngày của quê hương, đất nước. Và những va vấp thực tế, những vất vả, khó khăn của người dân lao động ấy chính là nguồn cảm hứng đầu tiên để nhạc sĩ tài hoa viết nên những ca khúc bất hủ sau này.
Sau ca khúc đầu tiên gây tiếng vang Những cô gái quan họ thấm đẫm giai điệu trữ tình dân ca Bắc Bộ; Phó Đức Phương liên tục cho ra đời những tác phẩm khắc họa tinh hoa âm nhạc dân gian của từng vùng miền. Hầu như ca khúc nào của ông cũng được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình, nhiều ca khúc trở thành câu hát cửa miệng của công chúng ngày hôm nay, như: Về quê, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ… Bên cạnh đó, âm nhạc của Phó Đức Phương còn là cảm thức từ âm hưởng truyền thống. Ca trù, xẩm, chèo, tuồng… dường như ngấm sâu vào con người nhạc sỹ để chắt lọc ra từng bài hát đưa chất dân gian đi xa hơn. Ông từng tiết lộ: “Từ khi còn trẻ, tôi đã đi tìm thầy để học hát tuồng, học hát ả đào, học hát chèo, học hát dân ca miền Trung… từ các nghệ nhân gạo cội nổi tiếng, do đó, chất dân gian đã ngấm vào mạch máu, hơi thở của tôi. Cùng với những sáng tạo nghệ thuật của bản thân mà tôi “chiết xuất” cái giọng điệu dân gian ấy thành tác phẩm mang phong cách riêng của mình”.
Không chỉ đưa chất liệu dân gian đương đại ẩn hiện qua từng nhạc phẩm, ngay từ những ngày đầu bước chân vào sự nghiệp sáng tác, Phó Đức Phương còn nhanh chóng chọn được cho mình một nguồn cảm hứng về quê hương. Nếu như âm nhạc của Nguyễn Cường gắn liền với Tây Nguyên, âm nhạc của Phú Quang gắn liền với Hà Nội... thì Phó Đức Phương tìm về với không gian sông nước, những ký ức tuổi thơ vùng quê và những cảm nhận đầy màu sắc huyền thoại. Nước từ sông, từ hồ, từ biển, từ núi cao... “chảy tràn” trong âm nhạc Phó Đức Phương. Một Huyền thoại Hồ Núi Cốc liêu trai, ma mị, đẹp như cổ tích. Một Hồ trên núi thăm thẳm, rợn ngợp. Một Chảy đi sông ơi chứa đựng bao chiêm nghiệm và cả thức ngộ về cuộc đời, về quy luật chảy đi của đời người. Và nữa, Bên dòng sông Cái, Dòng sông ký ức, Nao nao Thác Bà, Một thoáng Tây Hồ, Mái chèo thiên thu, Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể… đều là những dòng chảy cuồn cuộn, ăm ắp kỷ niệm, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng. Mỗi tác phẩm đều ghi dấu một giai đoạn, một thời điểm thăng hoa của nghệ thuật.
Giải đáp thắc mắc vì sao các bài hát của mình luôn thấm đẫm hơi thở của nước, Phó Đức Phương cho biết: “nguồn gốc của người Việt là gắn với nền văn minh lúa nước và những dòng sông. Tôi lại mệnh thủy nên hướng về sông hồ như một lẽ tự nhiên. Cứ nhìn thấy sông và cây cối là lòng tôi dịu lại. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với những dòng sông quê mẹ, nên khi ra Hà Nội rồi “dòng sông ký ức” ấy vẫn chảy trong tâm trí. Khi xa, tôi rất nhớ nhung, nuối tiếc; nhớ tuổi thơ ngụp lặn trên dòng sông...”.
Phần lớn các ca khúc của Phó Đức Phương không dễ hát. Nó đòi hỏi người hát phải am hiểu về âm nhạc dân gian, có khả năng nhập vào văn hóa dân gian nhuần nhuyễn. Đúng như nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận xét: "âm nhạc của Phó Đức Phương rất riêng biệt. Nó không chỉ có những cội rễ chắc chắn và rất sâu từ âm nhạc dân gian, chắt lọc từ chèo, tuồng, ca trù, xẩm, hay cảm thức về âm nhạc tâm linh đậm màu Á Đông. Ông là người có khả năng tỉa tót cặn kẽ những chi tiết thượng tầng với những tiết tấu kỹ càng, luyến láy phức tạp và ca từ rất uyên thâm".
Ca từ trong ca khúc của ông cũng không hề dễ hiểu. Nó là thứ ngôn ngữ được “chưng cất” lên từ trải nghiệm cuộc đời và những trải nghiệm đó không phải bằng kiến thức, mà bằng tâm thức, tâm linh nữa. Cho nên khi nghe Chảy đi sông ơi, hay Trên đỉnh Phù Vân, người nghe cảm nhận sự huyền hoặc trong không gian âm nhạc mà bài hát tỏa ra.
Phó Đức Phương là người sáng tác, ông cũng đồng thời là "người làm chứng", để nhìn những phút đốn ngộ của lòng mình, của tình yêu cá nhân ông hoà vào tình yêu của thiên nhiên, đất trời, cây cối, sông hồ. Âm nhạc của Phó Đức Phương không dành cho những ai chỉ nghe để giải trí, hay nghe vì tò mò. Đó là âm nhạc nghe để khám phá, để thấu suốt. Và nhất định phải là người trải nghiệm.
“Con sông hiến mình tất cả”
Phó Đức Phương tự nhận mình là người rất cầu toàn, kỹ tính, khắt khe trong cả đời sống và sáng tác âm nhạc. Cùng viết một bài hát, người ta nhàn hạ thì ông phải khổ sở “ngụp lặn, đào bới”. Chia sẻ về tôn chỉ của mình trong suốt mấy chục năm gắn bó với nghệ thuật, nhạc sỹ Phó Đức Phương tâm sự: Đã bước vào nghệ thuật thì phải cương quyết đi đến tận cùng. Với tôi, mỗi sản phẩm âm nhạc đều như gói ghém, chứa đựng cả linh hồn của người nghệ sỹ. Muốn những đứa con tinh thần bay cao, bay xa, người nghệ sỹ cần gửi gắm vào đó tất cả nội lực, tâm huyết sẵn có. Thật vậy, âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn tạo cho người nghe cảm xúc mới lạ. Mỗi tác phẩm mang một phong vị riêng, không lặp lại ngôn ngữ âm nhạc của chính mình. Ca khúc của ông không chỉ êm đềm, phẳng lặng mà luôn biến đổi khi khoan khi nhặt bởi trong mỗi nốt nhạc, mỗi đài từ đều mang đậm tính kịch.
Sự khó tính của Phó Đức Phương thế nào, những nghệ sĩ hợp tác với ông là người hiểu rõ nhất. Khi được mời làm vai trò Giám đốc âm nhạc trong live show "Trên Đỉnh Phù Vân", nhạc sỹ Đỗ Bảo đã chia sẻ "Phó Đức Phương là người kỹ tính, có lúc còn khắt khe nữa. Làm việc với ông không phải không có áp lực. Và nhiều nghệ sĩ nếu không bản lĩnh thậm chí còn e ngại trước ông".
- Nghe lại những ca khúc gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phó Đức Phương
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76
Ngay cả các giọng ca số một, như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương… khi hát nhạc Phó Đức Phương cũng có lúc khiến ông không vừa ý.
Bất cứ ai từng làm việc hay có dịp nói chuyện với vị nhạc sĩ già này, đều thấy ông rất trẻ. Tâm hồn trẻ, lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết. Ca sĩ Minh Thu đã dành hai từ “tận cùng” khi mô tả về Phó Đức Phương, rằng ông làm gì cũng phải làm tới tận đỉnh, đến khi không thể cố hơn mới dừng lại. Chẳng thế mà, Phó Đức Phương đã chấp nhận hy sinh thời gian dài sáng tác để đi đòi quyền lợi cho các đồng nghiệp khi lập nên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Mặc kệ những lời can ngăn, bỏ qua những lời ra tiếng vào, ông vẫn tràn trề niềm tin mình sẽ làm được. Chẳng màng lợi danh, ông hồn nhiên tin rằng đó là lối đi đúng đắn của mình mà chẳng tính toán tới những gian nan sẽ phải đương đầu.
Ngay cả khi đang phải nằm trên giường bệnh chiến đấu với bệnh tật, Phó Đức Phương vẫn luôn lạc quan. Ông thậm chí có một niềm tin tâm linh mãnh liệt mình phải sống để tiếp tục sáng tác.Ông nói: “Tớ chưa thể "đi đâu được", vì tớ phải hoàn thành sứ mệnh theo “lệnh của bề trên” - đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc mà theo tớ là vô cùng quan trọng - Đó là viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ mà tớ, với vai trò là một nhạc sĩ phải đền ơn, đáp nghĩa bằng những tác phẩm âm nhạc như tớ đã từng viết về: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và sắp tới sẽ viết về Anh linh của các bậc Thánh nhân trong lịch sử Việt Nam như: Quang Trung, Lý Thường Kiệt... tất cả đang dần hình thành và tớ sẽ tiếp tục hóa thân vào từng nhân vật chứ không đứng ngoài ngợi ca”.
Phó Đức Phương là vậy, “chẳng bao giờ thôi tơ vương”, luôn khát khao sáng tạo không ngừng nghỉ. Với những gì đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, dường như nhạc sỹ Phó Đức Phương đã trở thành những biển hồ, dòng sông trong lời ca ông viết: “Ơi con sông hiến mình tất cả” cứ “miệt mài chảy mãi khôn nguôi”.
Diệp Ninh (tổng hợp)
Tags